Chuyến phiêu lưu vươn tầm thế giới của thương hiệu "mái vòm vàng" McDonald's

10:45' - 21/05/2022
BNEWS Từ một nhà hàng đồ ăn nhanh khiêm tốn với doanh thu chỉ 366,12 USD trong ngày đầu tiên kinh doanh, McDonald’s hiện đã đạt doanh thu toàn cầu ở mức trên 20 tỷ USD mỗi năm.

Hình ảnh cửa hàng McDonald’s với những chiếc mái vòm vàng xinh xắn và chú hề linh vật Ronald McDonald có lẽ đã quá quen thuộc với các "tín đồ" ăn nhanh trên toàn cầu.   

Từ khắp nơi trên thế giới, hàng triệu trẻ em luôn mong ngóng được đến McDonald's mỗi ngày để cầm trên tay suất ăn Happy Meals với những bộ sưu tập đồ chơi xinh xắn được mô phỏng theo các nhân vật hoạt hình nổi tiếng. 

* Ấn tượng "Speedee"

Theo ước tính, mỗi ngày McDonald's có đến hơn 65 triệu người đến dùng bữa và họ cũng phục vụ hơn 100 triệu chiếc bánh mỳ kẹp thịt trong cùng khoảng thời gian. 

Từ một nhà hàng đồ ăn nhanh khiêm tốn với doanh thu chỉ 366,12 USD trong ngày đầu tiên kinh doanh, McDonald’s hiện đã đạt doanh thu toàn cầu ở mức trên 20 tỷ USD mỗi năm.

Tất cả đã bắt đầu vào năm 1954, khi một nhân viên kinh doanh Raymond Albert Kro (Ray Kroc) phát hiện ra một nhà hàng đang được vận hành rất thành công mang tên McDonald's, do hai anh em Dick và Mac McDonald sáng lập. 

Tuy không thật sự quá nổi bật, nhưng chính sự tối giản và hiệu quả trong cách thức vận hành đã giúp McDonald's lọt vào "mắt xanh" của Ray Kroc. McDonald's có thực đơn khá hạn chế, điều này giúp họ tập trung vào việc cung cấp đồ ăn chất lượng và dịch vụ nhanh chóng. 

Thực đơn của McDonald's chỉ có các món ăn nhanh như bánh mỳ kẹp thịt, khoai tây chiên và đồ uống nhưng được bán với giá thành và thời gian chuẩn bị chỉ bằng một nửa so với các đối thủ cạnh tranh. 

McDonald's cũng có quầy tự phục vụ để tránh phụ thuộc vào nhân viên nhà hàng, trong khi mỗi bữa ăn thường được chuẩn bị trước và giữ ấm. Tất cả những điều này đã tạo cho McDonald's một lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, và hệ thống vận hành đơn giản hiệu quả này được đặt tên là Hệ thống dịch vụ Speedee.

Ấn tượng với mô hình kinh doanh này, Ray Kroc nhìn thấy cơ hội đưa McDonald's ra khắp nước Mỹ và đã ngỏ ý làm đối tác nhượng quyền của Dick và Mac McDonald. 

Ông chia sẻ tầm nhìn của mình với anh em nhà McDonald: “Các anh đang ngồi trên một đống vàng, hãy phát triển và mở rộng mô hình nhà hàng ngay lập tức”.  

Và từ đây, chuyến phiêu lưu vươn tầm ra thế giới của thương hiệu "mái vòm vàng" lịch sử đã được bắt đầu dưới sự của chèo lái của "thuyền trưởng" Ray Kroc.

* Ray Kroc: Bậc thầy về nhượng quyền 

Năm 1955, Ray Kroc mở cửa hàng McDonald's nhượng quyền đầu tiên của mình tại Illinois. Thiết kế cửa hàng đầu tiên mang tông màu trắng-đỏ, với đường vòng cung vàng được kiến trúc sư Stanley Meston nghĩ ra năm 1953, 

Sau đó, vị "thuyền trưởng" này tiếp tục phát triển các mô hình tài chính với Harry Sonneborn, người sau này trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành đầu tiên của tập đoàn McDonald's.

Harry Sonnenborne là một thiên tài tài chính và đã chỉ cho Kroc cách kiếm tiền bằng cách kinh doanh bất động sản. Theo đó, Kroc đã thành lập công ty để mua hoặc thuê lại mảnh đất làm địa điểm xây tất cả các nhà hàng McDonald's nhượng quyền.

Những đơn vị nhượng quyền sau đó phải trả cho McDonald's hoặc là tiền thuê đất hàng tháng hoặc là một phần doanh thu bán hàng hàng tháng, tùy thuộc vào khoản nào lớn hơn. 

Bằng cách này, Kroc chắc chắc sẽ thu được lợi nhuận. Nhờ đó, Kroc bắt đầu hướng tới việc hoàn thành mục tiêu mở 1.000 cửa hàng McDonald's.

Họ đã bán chiếc bánh burger thứ 100 triệu trong ba năm sau đó và số lượng nhà hàng cũng nhanh chóng phát triển lên con số 67 vào năm thứ tư.

Ông Sonnenborn sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành đầu tiên của McDonald's vào năm 1959, trước khi Kroc mua lại toàn bộ cổ phần của anh em nhà McDonald với giá 2,6 triệu USD vào năm 1961. 

Những mái vòm màu vàng mang tính biểu tượng của McDonald's và linh vật của họ, Ronald McDonald, đã được giới thiệu vào năm 1962, ba năm trước khi McDonald's chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Trong mô hình nhượng quyền của mình, Kroc chú trọng vào việc duy trì đồ ăn chất lượng cao và các phương pháp chuẩn bị đồng nhất, nơi thức ăn sẽ có mùi vị giống nhau ở bất kể cửa hàng McDonald's nào. 

Ông đã thiết lập một hệ thống điều hành, trong đó yêu cầu các bên nhận quyền phải tuân theo nguyên tắc cốt lõi về chất lượng, dịch vụ và giá trị của McDonald's. 

Mô hình kinh doanh kinh điển của McDonald's là tập đoàn sở hữu đất tại những vị trí có nhà hàng McDonald's và ghi nhận một phần đáng kể trong tổng doanh thu từ tiền thuê đất mà các bên được nhượng quyền của McDonald's chi trả. 

Cùng với sự phát triển của McDonald's, Ray Kroc trở thành một trong những doanh nhân vĩ đại trong lịch sử kinh doanh nước Mỹ. Ông được bình chọn là một trong số “100 người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong thế kỷ 20” theo tạp chí Time.

* Những cái đầu tiên

Năm 1967, McDonald's đã thực hiện bước đi đầu tiên hướng tới thị trường quốc tế bằng cách mở một cửa hàng tại Canada. Một khoảnh khắc mang tính biểu tượng khác trong lịch sử của họ là việc khai trương cửa hàng tại Quảng trường Pushkin, Moskva, vào năm 1990. Tuy nhiên, cửa hàng này sau đó đã buộc phải đóng cửa vào tháng 3/2022 do những căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

McDonald's cũng đã mở McCafe đầu tiên từ nỗ lực kinh doanh cà phê ở Australia. Kể từ khi vươn ra toàn cầu, McDonald's ghi nhận tốc độ phát triển nhanh chóng, khi họ tăng gấp đôi số lượng nhà hàng vào năm 1996. 

Giai đoạn 1988-1996, McDonald's chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và đến năm 2000, họ đã mở hơn 11.000 nhà hàng bên ngoài nước Mỹ. Năm 2013, một cột mốc khác xuất hiện khi McDonald's mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. 

Bằng cách tập trung vào quảng cáo, nhượng quyền thương mại và không ngừng đổi mới, McDonald's đã có thể phát triển một chiến lược với mô hình kinh doanh hiệu quả.

Họ nhắm mục tiêu quảng cáo của mình bằng cách xây dựng thương hiệu như một địa điểm vui chơi cho các gia đình. Linh vật của họ, Ronald McDonald, cũng được tạo ra để thu hút những người trẻ tuổi.

Mô hình nhượng quyền cũng đã giúp họ đạt được những bước đột phá, vì mô hình này cho phép cộng đồng của họ khám phá các cơ hội kinh doanh mới. Trong đó, chú hề Ronald McDonald mang tính biểu tượng và nhiều món ăn nổi tiếng trong thực đơn của McDonald's (chẳng hạn như Filet-O-Fish) đã lần đầu tiên được giới thiệu thông qua các đại lý nhượng quyền.

McDonald's cũng đã đi trước các xu hướng - chẳng hạn như xu hướng toàn cầu hóa trong những năm 1970, bằng cách nhượng quyền cho các doanh nhân địa phương và đưa McDonald's ra ngoài nước Mỹ.

Ngoài ra, McDonald's đã bắt kịp được các xu hướng đang nổi lên, bao gồm thức ăn "nhanh" và "tiện lợi" vì mọi người ngày càng có ít thời gian rảnh hơn, cũng như ưu tiên sức khỏe, nơi họ đưa ra các lựa chọn lành mạnh hơn bao gồm salad và trái cây.

Để trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất thế giới, McDonald's là sự kết hợp của một số yếu tố thành công quan trọng. Đầu tiên là tính nhất quán trong kinh doanh. Thực đơn nhất quán đã trở thành một trong những điểm bán hàng độc đáo của McDonald's, gợi lên cảm giác thân thuộc ở bất cứ đâu trên thế giới và vào bất cứ lúc nào trong ngày.

Song song với việc duy trì sự nhất quán, McDonald's lại giữ chân khách hàng bằng việc liên tục cải tiến sản phẩm. Những đơn vị được nhượng quyền là động lực thúc đẩy sự đổi mới này thông qua việc quan sát xu hướng và hành vi của khách hàng. 

Đây là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhiều món ăn trong thực đơn mang tính biểu tượng của McDonald's. Từ Happy Meal đến Big Mac và thậm chí cả McFlurry, tất cả đều được phát triển thông qua các đơn vị nhượng quyền để tăng phạm vi cung cấp sản phẩm của McDonald's.

McDonald's cũng là một trong những chuỗi dịch vụ đồ ăn nhanh đầu tiên sử dụng công nghệ để tăng hiệu quả và sự tiện lợi. Từ sự phát triển của các ki-ốt tự phục vụ và bảng menu kỹ thuật số cho đến ứng dụng đặt hàng trực tuyến, McDonald’s đã thể hiện cam kết nhất quán trong việc duy trì sự đổi mới. Đặc biệt, mô hình Drive-thru mới lạ (mua hàng trực tiếp từ phương tiện) nhằm cung cấp bữa ăn cho những người bận rộn cũng được đón nhận rất nhiệt tình trên thế giới.

Kết thúc năm 2021, bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, doanh thu toàn cầu của McDonald's đạt 23,2 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2019 và là mức cao nhất kể từ năm 2016. Lợi nhuận của McDonald's cũng tăng 59% so với một năm trước đó, lên 7,5 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục