Cơ hội kết nối doanh nghiệp trong quy hoạch hạ tầng

16:59' - 25/07/2019
BNEWS Từ ngày 25 – 26/7, Hội thảo về cơ sở hạ tầng Việt Nam 2019 - IVN 2019 do Công ty cổ phần quảng cáo và hội chợ Vinexad và Tập đoàn Confexhub (Malaysia) đồng tổ chức diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh.
Cơ sở hạ tầng giao thông thị xã Hà Tiên, Kiên Giang. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Từ ngày 25 – 26/7, Hội thảo về cơ sở hạ tầng Việt Nam 2019 - IVN 2019 do Công ty cổ phần quảng cáo và hội chợ Vinexad và Tập đoàn Confexhub (Malaysia) đồng tổ chức diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là sự kiện nhằm kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư, mang lại cơ hội xây dựng mối quan hệ đầu tư mới và tạo ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại quốc tế.

Tại buổi khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Công Thương cho biết, cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia; trong đó, có Việt Nam.

Bởi cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh ở những nước đang phát triển.

Hiện nay, yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không thể chỉ dựa vào cạnh tranh về lao động giá rẻ như trước đây, mà cần hệ thống cơ sở hạ tầng đủ tốt để hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, xây dựng nhà máy…

Do đó, hội thảo lần này là sự kiện quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút dòng vốn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Đáng chú ý hơn, hội thảo sẽ tạo ra nền tảng tương tác, gặp gỡ và trao đổi về quy hoạch hạ tầng để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhật kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam đổi mới phương thức kêu gọi đầu tư, thu hút đối tác tiềm năng trong việc đáp ứng nhu cầu cấp thiết về phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo ông Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam – VUPDA, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa trong giai đoạn 2011 - 2020, đã giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân tăng nhu cầu lao động, giải quyết việc làm…

Kết quả tích cực này thể hiện trong chỉ số tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của nhiều địa phương.

Trong khi đó, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chỉ số thu ngân sách của các vùng tỉnh và các đô thị lớn cho thấy tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%; cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Riêng Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 30% GDP.

Trong thời gian qua, chính sách phát triển đô thị, công nghiệp và sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đang ưu tiên khuyến khích cho các dự án đầu tư khai thác dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo đó, có thể kể đến chính sách quản lý phát triển đô thị dọc các tuyến hành lang kỹ thuật quan trọng như đường cao tốc, đường vành đai, quốc lộ, đường điện cao thế…

Tuy nhiên, ông Ngô Quang Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị bền vững cho rằng, phát triển hệ thống đô thị phải gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Chính vì vậy, cần có tầm nhìn dài hạn, phát triển theo quy hoạch, tuân thủ quy luật phát triển đô thị và bảo đảm phát triển bền vững.

Đơn cử, chính sách liên kết vùng sẽ tập trung khuyến khích, hỗ trợ những địa phương kém ưu thế về cơ sở hạ tầng và nhân lực nhưng có thế mạnh về điều kiện tự nhiên chuyển hướng ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch, nông nghiệp.

Còn chiến lược phát triển khu công nghiệp theo hướng khai thác thế mạnh cạnh tranh của từng tỉnh, thành, tránh phát triển các loại hình sản xuất giống nhau dẫn đến tính cạnh tranh kém.

Hay các nhà đầu tư có thể khai thác chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay cho đối tượng doanh nghiệp phát triển loại hình kinh doanh, sản xuất phù hợp với mục tiêu phát triển vùng.

Cụ thể, nhiều địa phương tại Việt Nam đã và đang ưu tiên đầu tư theo hướng thu hút dự án vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ, xử lý môi trường…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục