Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - Bài 2: Làm gì để đi vào thực chất ?

17:08' - 29/09/2016
BNEWS Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dù phấn đấu để đạt chỉ tiêu về số lượng nhưng chất lượng cổ phần hóa cũng là vấn đề đáng bàn.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần tập trung nhiều hơn đến chất lượng. Ảnh: TTXVN
Vướng xác định giá trị doanh nghiệp

Lý do chậm cổ phần hóa được các đơn vị giải thích là do thị trường chứng khoán ảm đạm, hoạt động cổ phần hóa với số lượng lớn, cung nhiều hơn cầu, nên thị trường không hấp thụ hết.

Theo các chuyên gia, chưa nói đến việc cổ phần hóa, khâu xác định giá trị doanh nghiệp bao giờ cũng có nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian nhất, bởi làm sao để chính xác, không để thất thoát trong quá trình này.

Mặc dù, nhà nước có những quy định về xử lý tài chính, tài sản trong cổ phần hóa, đơn vị tư vấn đủ điều kiện do Bộ Tài chính quy định mới được thực hiện tư vấn về xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, nhưng các Sở, ngành phải giám sát quá trình đó cũng như thẩm định lại kết quả của tư vấn.

Ông Huỳnh Trung Lâm, Phó Trưởng ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh, cho rằng xác định giá trị doanh nghiệp cũng là nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị chậm lại trong giai đoạn 2010-2015.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp luôn là khâu vướng mắc chính trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: TTXVN

Do quy định về xác định giá trị doanh nghiệp buộc doanh nghiệp phải tính giá trị lợi thế địa lý các mặt bằng vào giá trị doanh nghiệp, làm tăng cao giá trị doanh nghiệp so với thực tế không khuyến khích nhà đầu tư, nên công tác cổ phần hóa doanh nghiệp bị chững lại.

Đại diện Công ty Cổ phần chứng khoán châu Á –Thái Bình Dương chia sẻ, mỗi ngành nghề một đặc thù, quy mô của doanh nghiệp cũng khác nhau, do vậy không một quy chuẩn, công thức nào để áp dụng, chẳng hạn như việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế doanh nghiệp, đất đai…

Hay rất nhiều doanh nghiệp đặc thù, có nhiều dự án dở dang, gây chậm trễ trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Ngoài vấn đề tài sản còn xử lý công nợ, có những công nợ tồn tại mấy chục năm vẫn cứ treo không biết đưa đi đâu để xử lý.

Bên cạnh đó, theo vị đại diện này, thời gian tới hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải đối diện nhiều khó khăn, đó là những doanh nghiệp còn lại thiếu tính hấp dẫn.

Ngoài ra những doanh nghiệp này còn những tồn tại khách quan được xác định lâu nay, cụ thể là chính những người quản lý ở các doanh nghiệp yếu kém không ủng hộ cổ phần hóa, vì họ sợ sẽ không được đại diện quản lý vốn nhà nước nữa.

Làm gì để đi vào thực chất ?

Để hoạt động cổ phần hóa thời gian tới đạt hiệu quả, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hà, Học viện Tài chính, cần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tổ chức tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Giai đoạn 2016-2020 là thời kỳ Việt Nam thực hiện gần như đầy đủ các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại thế hệ mới. Đồng thời xác định đây là thời kỳ phải hoàn thành cơ bản việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn, quá trình cổ phần hóa khó khăn, phức tạp và kéo dài thời gian chính là khâu xác định giá trị doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến công tác tài chính, định giá tài sản và giá trị quyền sử dụng đất.

Do vậy đối với các lĩnh vực trên cần cử vào Tổ giúp việc, Ban chỉ đạo các nhân sự thuộc Sở, ngành có kinh nghiệm, quyết định được vấn đề và không thay đổi nhân sự để tránh một sự việc phải họp nhiều lần, chậm giải quyết.

Ngoài ra, việc lựa chọn đúng cổ đông chiến lược có ý nghĩa quan trọng để đồng hành lâu dài cùng với doanh nghiệp, phát huy các tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp nhà nước, tạo sự ổn định ban đầu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Bên cạnh đó, song song với tiến trình cổ phần hóa, nhiều ý kiến cho rằng, Tp.Hồ Chí Minh cũng tiếp tục thoái vốn đầu tư nhà nước ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính gồm: ngân hàng, tổ chức tín dụng, quỹ bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là đối với các khoản thoái vốn giai đoạn 2013-2015 chưa hoàn tất thực hiện, các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện trong năm 2016.

Đến tháng 8/2016, thành phố mới chỉ hoàn thành 51% kế hoạch, còn lại 49% tương đương với hơn 2.401 tỷ đồng tiếp tục thoái vốn; trong đó các lĩnh vực tài chính ngân hàng (930 tỷ đồng), bảo hiểm (9 tỷ đồng), bất động sản (87 tỷ đồng), quỹ đầu tư (30 tỷ đồng), lĩnh vực khác (1.345 tỷ đồng). Tiếp tục bán bớt phần vốn đối với các doanh nghiệp cổ phần nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ chi phối…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục