Còn 36 địa phương chưa hoàn thành thu thập thông tin điều tra cơ sở hành chính

17:02' - 09/05/2021
BNEWS Sau 2 tháng triển khai, tính đến hết tháng 4/2021 mới có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành thu thập thông tin cơ sở hành chính, còn 36 địa phương chưa hoàn thành.

Tháng 12/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 1096/QĐ-BNV về tổ chức điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên phạm vi cả nước, nhằm thu thập thông tin cơ bản về số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu chi của cơ sở hành chính ở nước ta phục vụ việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Qua điều tra, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2020 của các chuyên ngành có liên quan đến khối cơ quan hành chính; cập nhật cơ sở dữ liệu và dàn mẫu tổng thể về cơ sở hành chính cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong những năm tiếp theo của ngành Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương; phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.
Nội dung điều tra tập trung vào năm nhóm thông tin lớn gồm: Thông tin nhận dạng cơ sở (tên, địa chỉ, số điện thoại; mã số thuế, mã đơn vị sử dụng ngân sách; ngành hoạt động chính; loại hình tổ chức); thông tin về lao động, thu nhập của người lao động; kết quả thu, chi năm 2020; tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của cơ sở hành chính và nhóm thông tin theo chuyên đề cần đánh giá (tài sản cố định, đất).

Cuộc điều tra cơ sở hành chính được tiến hành thu thập thông tin từ ngày 1/3 đến ngày 30/5/2021. Kết quả cuộc điều tra chính thức công bố trước ngày 30/12/2021.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương, sau hai tháng triển khai, tính đến hết tháng 4/2021, toàn bộ 63 Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính cấp tỉnh đã hoàn thành rà soát và được quản trị viên hệ thống Trung ương chuyển dữ liệu nền, tạo tài khoản để chuyển sang khai Phiếu cung cấp thông tin tại phần mềm cung cấp thông tin điều tra cơ sở hành chính của Bộ Nội vụ. 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành thu thập thông tin, còn 36 địa phương chưa hoàn thành, đang tiếp tục kê khai.
Đối với các bộ, cơ quan Trung ương, Tổ công tác Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 của 41/45 cơ quan hoàn thành bảng kê danh sách rà soát và chuyển sang khai phiếu; còn 4 bộ chưa hoàn thành danh sách nền (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Có 4 bộ, cơ quan Trung ương hoàn thành khai phiếu (Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Đảng ủy khối các doanh nghiệp Trung ương).
Tổng số lượng phiếu cung cấp thông tin trên cả nước đã hoàn thành 23.726 phiếu/30.793 phiếu, đạt 77,05%; đang khai báo 6.393 phiếu, đạt 20,76%; còn 674 phiếu chưa khai báo, chiếm 2,19%.
Trong báo cáo ký ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương cho biết, khối bộ, cơ quan Trung ương còn chậm triển khai, cá biệt đến nay còn 4 bộ chưa triển khai giai đoạn 1 (rà soát danh sách nền), một số không kịp thời cập nhật phương án và các văn bản hướng dẫn để thực hiện, nhiều câu hỏi về Tổ thường trực đều có trong Phương án điều tra và các văn bản hướng dẫn.

Chất lượng cung cấp thông tin của nhiều đơn vị hành chính chưa đạt yêu cầu, độ chính xác không cao, các giám sát viên phải trả phiếu làm lại nhiều lần.
Bên cạnh đó, do cuộc điều tra cơ sở hành chính tiến hành đồng thời với một loạt các hoạt động quan trọng khác của đất nước như Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nên lực lượng tham gia điều tra cơ sở hành chính cùng lúc phải thực hiện, nhiều nhiệm vụ; mặt khác đây là lần đầu tiên ngành Nội vụ nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng thực hiện một cuộc điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn nên công tác triển khai gặp nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ do ngành Nội vụ không có đội ngũ làm công tác thống kê chuyên trách.
Nhấn mạnh một số công việc trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, cần tiếp tục quán triệt tầm quan trọng của cuộc điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tới các Ban Chỉ đạo các cấp, đối tượng cung cấp thông tin.

Theo Phương án Điều tra ban hành theo Quyết định số 1006/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, mục đích của cuộc điều tra cơ sở hành chính là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tổng hợp các chỉ tiêu thống kê chính thức năm 2020 của các chuyên ngành có liên quan đến khối cơ quan hành chính (số cơ sở hành chính, số lượng, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc trong các cơ sở hành chính; kết quả thu chi của cơ sở hành chính...).

Đồng thời, bổ sung số liệu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm, tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP, các chỉ tiêu khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia của cả nước, từng địa phương; cập nhật cơ sở dữ liệu và dàn mẫu tổng thể về cơ sở hành chính cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong những năm tiếp theo của ngành Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương.
Do vậy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương, bộ, cơ quan Trung ương phải chịu trách nhiệm về số liệu cung cấp cho Ban Chỉ đạo Trung ương. Số liệu để tính các chỉ tiêu của địa phương nếu bị ảnh hưởng do sai lệch số liệu thì địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đặc biệt, năm 2020 được lấy làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh.
Ông cũng lưu ý Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các Ban Chỉ đạo địa phương, bộ, cơ quan Trung ương thực hiện điều tra cơ sở hành chính; kiểm tra, giám sát các hoạt động điều tra cơ sở hành chính và việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tại Ban Chỉ đạo các cấp của địa phương, các bộ, cơ quan Trung ương. Việc tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện ở từng cấp.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, chú trọng việc đối chiếu với hồ sơ của đơn vị sử dụng để cung cấp thông tin, cụ thể là báo cáo tình hình tài chính, báo cáo kết quả hoạt động, bảng lương các tháng năm 2020, quyết định giao biên chế của cấp có thẩm quyền, bảng lương tháng 1, tháng 12/2020 và các hồ sơ có liên quan.

Ban Chỉ đạo các cấp có thể tiến hành nghiệm thu trực tuyến nếu cơ sở hành chính cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu để đối chiếu, xác minh số liệu. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở hành chính cung cấp đầy đủ các hồ sơ có liên quan để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Trong trường hợp một số đơn vị hành chính có báo cáo Ban Chỉ đạo các cấp về nội dung thông tin cung cấp thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp làm rõ lĩnh vực đó có thuộc bí mật nhà nước hay không, nếu là lĩnh vực bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật thì Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đề nghị chuyển đối tượng đó sang kê khai phiếu giấy và gửi đường công văn đóng dấu mức độ “mật” gửi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để tổng hợp gửi Ban Chỉ đạo Trung ương theo chế độ mật. Đơn vị cung cấp thông tin chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin cung cấp.
Việc nghiệm thu sẽ được thực hiện theo từng cấp. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chủ động tiến hành nghiệm thu Phiếu của Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Chỉ đạo Trung ương nghiệm thu theo kết quả nghiệm thu của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Đối với phiếu của các bộ, cơ quan Trung ương sẽ do Ban Chỉ đạo Trung ương nghiệm thu trực tiếp với Tổ công tác hoặc đầu mối phụ trách cuộc điều tra của các bộ, cơ quan Trung ương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục