Cộng đồng kinh tế Tây Phi hướng tới đồng tiền chung vào năm 2020

13:29' - 25/10/2017
BNEWS Ngày 24/10, tại thủ đô Niamey (Cộng hòa Niger) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đã nhắc lại mong muốn tạo ra một đồng tiền chung cho 15 nước trong khối vào năm 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Châu Phi, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận cách đây 30 năm, đó là một đồng tiền chung cho 15 quốc gia của khối ECOWAS để thay thế đồng franc CFA (đơn vị tiền tệ ở các nước châu Phi nói tiếng Pháp, được xác định giá trị khoảng 655,957 franc = 1 Euro) và 7 đồng tiền quốc gia khác.

Nhưng điều này dường như rất khó có thể nhanh chóng biến thành hiện thực vì nhiều khó khăn khác nhau.

Hội nghị thượng đỉnh tại Niamey đã đưa ra một hướng nghiên cứu để loại bỏ những vấn đề tồn tại lớn về hội nhập kinh tế và tài chính giữa các quốc gia trong ECOWAS, đó là tiếp cận dần và tranh thủ sự ủng hộ của các nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập.

Được thành lập vào năm 1975, ECOWAS tập hợp 15 quốc gia với tổng dân số khoảng 300 triệu người, hiện nay đang sử dụng các loại tiền tệ khác nhau.

Trong đó, 8 nước với khoảng 155 triệu người đang dùng chung đồng franc CFA cùng với đồng Euro, gồm các nước trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (WAEMU) như: Benin, Burkina Faso, Côte d'Ivoire, Guinea-Bissau, Mali, Niger, Senegal và Togo.

Các nhà kinh tế học có nhiều ý kiến trái chiều về lợi và hại của đồng franc CFA, tuy nhiên họ đều nhất trí về sự ổn định của đồng CFA, đồng thời cho rằng nó quá mạnh đối với các nước có nền kinh tế yếu ớt như các nước Tây Phi.

Một số chuyên gia đề cập giải pháp xếp đồng tiền này vào giỏ tiền tệ gồm Euro, USD và Nhân dân tệ.

Còn lại 7 quốc gia trong khối ECOWAS sử dụng đồng tiền riêng như Cape Verde với đồng Escudo, Gambia (Dalasi), Ghana (Cedi), Guinea (franc Guinea), Liberia (Đô-la Liberia), Nigeria (Naira) và Sierra Leone (Leone).

Tuy nhiên, các loại tiền tệ này không chuyển đổi với nhau, điều này không tạo thuận lợi cho việc giao dịch.

Phát biểu ngay khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS, Marcel De Souza đã cho rằng khó có thể tạo ra một đồng tiền chung vào năm 2020 như kế hoạch đề ra.

Theo ông, mặc dù kinh tế các nước trong khối có bước "tiến triển tốt về hội tụ kinh tế vĩ mô" nhưng chưa đủ để năm 2020 có thể tạo ra một đồng tiền chung.

Từ năm 2012 đến 2016 không một quốc gia nào trong liên minh đáp ứng được các tiêu chí của chương trình hội nhập kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, con đường đi đến việc thống nhất một đồng tiền chung chưa được các nước ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong Tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các nguyên thủ quốc gia vẫn thể hiện ý chí chính trị và tái khẳng định "cam kết tiếp tục theo đuổi và đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình nghị sự của hội nhập kinh tế và tiền tệ" trong khối này, theo đó yêu cầu Ủy ban Bộ trưởng của ECOWAS nhóm họp trong vòng 3 tháng tới để đưa ra một lộ trình mới thúc đẩy việc tạo ra đồng tiền chung vào năm 2020.

Tổng thống Cộng hòa Niger Mahamadou Issoufou đề xuất lộ trình tạo ra đồng tiền chung của ECOWAS vào năm 2020 cần phải được “chuẩn bị kỹ thuật sẵn sàng” theo mô hình đồng Euro của châu Âu.

Trong khi đó, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari kêu gọi các nước "hãy thận trọng tiến tới hội nhập".

Ông trích dẫn những thất bại của Liên minh châu Âu (EU) đối với đồng Euro trong thời gian qua. Tổng thống Buhari cũng chỉ ra sự tồn tại của những bất bình đẳng kinh tế vĩ mô quan trọng giữa các nước trong khối ECOWAS cũng như sự thiếu chuẩn bị để các nước tiến tới tạo ra đồng tiền chung.

Nigeria là quốc gia có tiếng nói quan trọng trong khu vực với nền kinh tế lớn mạnh cũng như dân số đông - chiếm khoảng hai phần ba tổng dân số và GDP của khối ECOWAS.

Tuy nhiên, Nigeria đã thể hiện sự “miễn cưỡng” trong việc tạo ra một đồng tiền chung cho khối này.

Hội nghị thượng đỉnh lần tới của ECOWAS dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2018 tại thủ đô Accra của Ghana./.

Xem thêm:

>>>Vì sao châu Phi tẩy chay đồng tiền "thuộc địa" franc CFA?

>>>Mỹ cảnh báo nguy cơ bắt cóc khách du lịch nước ngoài ở Philippines

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục