Cục diện kinh tế toàn cầu trong năm 2018 (Phần 1)

05:30' - 18/01/2018
BNEWS Sau khi trải qua thời kỳ dài suy yếu, thị trường thế giới từng bước phát triển sôi động hơn, hoạt động đầu tư và kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ đều tăng lên.
Cục diện kinh tế toàn cầu trong năm 2018. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong bài viết đăng trên tờ “Đại công báo” (Hong Kong) của nghiên cứu viên cao cấp Ban phát triển chiến lược Ngân hàng Phát triển Phố Đông (Thượng Hải), chuyên gia kinh tế Tống Diễm Vĩ đã đưa ra các dự báo về kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Trung Quốc trong năm 2018.
Trải qua thời kỳ phục hồi 7 năm, kinh tế toàn cầu được kỳ vọng bước vào thời kỳ phồn vinh trong năm 2018. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2018 sẽ đạt 3,7%.

Về nền kinh tế lớn nhất thế giới, chuyên gia này đánh giá cơ sở tăng trưởng kinh tế Mỹ ngày càng vững chắc. Trong quý III/2017, tốc độ tăng trưởng của Mỹ đạt 3,3% - kỷ lục cao nhất trong 3 năm gần đây.
Đây cũng là lần đầu tiên kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong hai quý liên tiếp kể từ năm 2014 đến nay. Tại một cuộc họp hồi tháng 12/2017, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2017 và năm 2018 là 2,5%.
Trong các số liệu kinh tế Mỹ, lĩnh vực tiêu dùng - chiếm tới 2/3 nền kinh tế Mỹ - vẫn là động lực chủ yếu. Đầu tư xuất hiện sự cải thiện rõ rệt, mức đóng góp cho tốc độ tăng trưởng GDP lên đến 1,2%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng chi phí mua sắm thiết bị của doanh nghiệp lên đến 10,4% - mức cao nhất trong 3 năm gần đây.

Tháng 10/2017, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá nhà ở, bất động sản đều tăng, số người tìm được việc làm và tiền lương đều tăng vừa phải, thị trường lao động nhộn nhịp hơn.
Fed dự đoán lạm phát sẽ tăng 2% trong vòng một đến hai năm tới. Biểu đồ lãi suất dự kiến của FOMC cho thấy, cuối năm 2018, lãi suất dự kiến là 2,1%, điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ có ba lần tăng lãi suất trong năm nay.
Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục này đã bắt đầu bước vào mô hình tăng tốc mới. Tiêu dùng cá nhân duy trì xu thế tăng mạnh, kinh tế thế giới phục hồi ổn định, tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp là những yếu tố bảo đảm cho kinh tế châu Âu tăng trưởng tốt hơn dự kiến.
Trong quý III/2017, tăng trưởng GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt 2,5%, cao hơn quý II/2017. Tháng 10/2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Khu vực đồng tiền chung là 8,8% - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009 đến nay.
Chỉ số CPI trong Eurozone trong tháng 11/2017 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016. Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Eurozone sẽ lập kỷ lục cao mới trong 10 năm gần đây.
Lĩnh vực tiêu dùng của hộ gia đình, sự hình thành vốn cố định, cũng như xuất khẩu có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Eurozone.
Kinh tế khu vực đồng tiền chung sẽ tiếp tục phục hồi ổn định, lạm phát từng bước gia tăng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sớm nhất là vào giữa năm 2018, sẽ từng bước đưa ra tín hiệu chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE), đồng thời cung cấp chỉ dẫn rõ ràng khi tiến hành thắt chặt định lượng và có thể điều chỉnh chính sách lãi suất âm, nhưng tỷ lệ tăng lãi suất năm 2018 không lớn.
Trong năm nay, Nhật Bản được dự đoán sẽ gia nhập hàng ngũ các nước thắt chặt tiền tệ. Tháng 11/2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tiếp tục duy trì ổn định ở mức 2,7% - mức thấp nhất trong 24 năm gần đây.
Nhật Bản đang đứng trước sự thiết hụt nhân công nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm gần đây. Ngoài ra, tháng 11/2017, Chỉ số CPI của Nhật Bản tốt hơn dự kiến, với mức tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện nay, kinh tế Nhật Bản ghi nhận những dấu hiệu ổn định, tỷ lệ lạm phát có phần gia tăng, tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Vật giá và hệ thống tài chính là hai mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Hiện nay, trong số các ngân hàng trung ương toàn cầu, BoJ là một trong những ngân hàng trung ương kiên định duy trì chính sách nới lỏng một cách tương đối. Nhưng cùng với nhịp độ Fed tăng lãi suất nhanh dần, không loại trừ khả năng BoJ cũng từng bước rút khỏi các biện phát nới lỏng định lượng.
Bên cạnh đó, theo tác giả bài viết, rủi ro trên thị trường tài chính đang tăng lên, nhất là khi tâm lý nhà đầu tư quá lạc quan dễ dẫn đến phán đoán sai lầm, mà hành vi ưa mạo hiểm ngày càng nhiều.
Điều này tạo ra sức ép điều chỉnh quy mô lớn giá tài sản trong tương lai. Theo quy luật, tính dao động của thị trường tài chính càng thấp, rủi ro tiềm ẩn càng gia tăng. Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ thống nhất trên phạm vi toàn cầu cũng sẽ làm gia tăng rủi ro cho thị trường tài chính.
Ví dụ như gần đây, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã lần đầu tiên tăng lãi suất trong vòng sáu năm qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục