Đã có giải pháp cho đàn bò sữa

08:51' - 12/01/2019
BNEWS Huyện Củ Chi sẽ tập trung tái cơ cấu lại đàn bò sữa theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường nhằm phát triển bền vững.

Nghề nuôi bò sữa được Tp. Hồ Chí Minh tập trung phát triển ở huyện Củ Chi từ gần 20 năm trước.

Đã có những giai đoạn, nuôi bò sữa là nghề hái ra tiền, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, thế nhưng, sự hưng thịnh đó không kéo dài và nông dân nuôi bò sữa ở Củ Chi cũng không ít phen lao đao với chính nghề này.

Do đó, đã đến lúc phải có những giải pháp căn cơ cho việc phát triển bền vững ngành bò sữa, đảm bảo phát triển kinh tế cho người nông dân.

Thịnh, suy thất thường

Chị Nguyễn Thị Điểm, ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, chăm sóc số bò còn lại với hy vọng sẽ sớm quay lại nghề nuôi bò sữa. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN 

Chăn nuôi bò sữa là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nhiều năm qua, tập trung nhiều nhất tại huyện Củ Chi.

Vào thời điểm năm 2014, nghề nuôi bò sữa phát triển thuận lợi, Tp. Hồ Chí Minh trở thành vùng nguyên liệu bò sữa lớn nhất cả nước, với đàn bò sữa lên tới hơn 100.000 con, chiếm tới hơn 50% tổng đàn bò sữa của cả nước.

Đây chính là nơi cung cấp sữa bò nguyên liệu chủ yếu cho các công ty sữa lớn như Vinamilk, Friesland Campina, Lothamilk…

Thời điểm đó, sữa bò tươi nguyên liệu được thu mua với giá 13.000 -14.000 đồng/kg, những hộ nông dân nuôi 20 -30 bò vắt sữa đều thu lãi hàng triệu đồng mỗi ngày. Với các hộ có đàn bò đông hơn, thu nhập mỗi năm có thể lên tới tiền tỷ.

Thế nhưng, chỉ hai năm sau, vào năm sau 2016, việc tiêu thụ sữa khó khăn, nông dân bị ép giá đến mức sữa bò vắt ra lại đổ cho bò uống.

Khi đó, để giải quyết khó khăn cho nông dân và “cứu” đàn bò sữa khỏi cảnh bán tháo, các sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh đã vào cuộc, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ như khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã đồng thời cho chủ trương xây dựng nhà máy chế biến sữa tại chỗ.

Những tưởng, ngành bò sữa sẽ có điều kiện để phát triển ổn định hơn thì từ tháng 10/2018 đến nay, hàng trăm hộ nuôi bò sữa ở Củ Chi lại một phen chật vật do bị nợ tiền sữa nhiều tháng liền. Không tìm được đầu ra, không còn tiền mua thức ăn cho bò, nhiều hộ buộc phải bán tháo đàn bò.

Ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi, thuộc Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội cho biết, nhà máy sữa Củ Chi được xây dựng từ sự hỗ trợ của thành phố và một phần đóng góp các hội viên hợp tác xã với mục tiêu giải quyết đầu ra cho sữa bò tươi của các nông dân trong vùng.

Được thiết kế với công suất 25 tấn/ngày và nguồn nguyên liệu sữa tại địa phương đang dư thừa do đối tác cắt giảm sản lượng thu mua nhưng hiện nay mỗi ngày nhà máy chỉ thu mua và chế biến từ 1 -2 tấn sữa tươi vì tốc độ tiêu thụ chậm.

Ngoài nhà máy sữa Củ Chi, đầu ra của sữa tươi nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào sản lượng thu mua của các công ty sữa.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, phát triển ngành nuôi bò sữa là chiến lược dài hạn của ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, nhưng từ năm 2016 đến nay, chăn nuôi bò sữa khó khăn vô cùng.

Số hộ nông dân nuôi bò sữa hiện nay đã giảm tới 1/3 (khoảng 2.000 hộ) so với thời điểm năm 2016, những hộ còn lại cũng chỉ lấy công làm lời chứ thật sự không có lợi nhuận từ nghề nuôi bò sữa.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên nhân của việc nông dân từ bỏ nghề nuôi bò sữa là bởi họ luôn là người yếu thế trong chuỗi cung ứng ngành sữa.

Dẫn chứng là hợp đồng thu mua sữa giữa nông dân với hợp tác xã hoặc công ty sữa, mức giá được xác định từ 7.000 đồng – 14.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng sữa.

Tuy nhiên, việc xác định chất lượng sữa lại do bên mua hoàn toàn quyết định và nông dân chỉ biết kết quả sau một tuần.

Trên thực tế, nông dân chỉ bán được sữa với giá từ 11.000 đồng/kg trở xuống và với giá đó, nông dân chỉ bán sức lao động chứ không có lời.

Và khi một hoạt động sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân thì không thể phát triển bền vững và là sản phẩm chủ lực của địa phương được.

Tái cấu trúc và nâng cao chất lượng đàn bò

Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cho biết, hiện nay, tổng đàn bò sữa của huyện khoảng từ 65.000 - 67.000 con nhưng phát triển chưa bền vững vì nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, tốc độ đô thị hóa của Củ Chi ngày càng nhanh, ảnh hưởng tới việc quy hoạch khu vực chăn nuôi, diện tích trồng cỏ.

Thêm vào đó, nông dân chưa áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa, dẫn đến sản lượng, chất lượng sữa chưa cao. Việc nuôi bò sữa theo phương thức truyền thống cũng có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Lê Đình Đức, để phát triển đàn bò sữa trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Tp. Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi sẽ tập trung tái cơ cấu lại đàn bò sữa theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.

Cụ thể, đề án phát triển ngành bò sữa thời gian tới chủ trương giảm đàn bằng cách thanh lý những con bò cho năng suất thấp, dưới 15kg sữa/ngày. Hoặc sử dụng làm bò cái nền, phối giống với bò thịt cao sản để tạo ra bò thịt có giá trị cao.

Định hướng của huyện là đến năm 2020 sẽ giảm đàn bò sữa xuống khoảng 50.000 con; trong đó, giảm số lượng bò cái vắt sữa và tập trung phát triển đàn bò giống để cung cấp cho các vùng chăn nuôi khác.

Những nông dân không còn tham gia chăn nuôi bò sữa sẽ được tập huấn, đào tạo nghề để chuyển sang lao động công nghiệp, cung ứng nhân lực cho các khu công nghiệp trên địa bàn.

Với các nông hộ tiếp tục nuôi bò sữa, huyện sẽ tổ chức tập huấn kiến thức chăn nuôi như sử dụng đúng chủng loại, liều lượng thức ăn, đồng thời hướng dẫn công tác vệ sinh chuồng trại, vận động tiêm phòng đúng quy trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm sữa bò.

Song song đó, sẽ hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ làm hầm biogas, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhu cầu nguyên liệu sữa của Việt Nam thời gian tới là rất lớn và cung chưa đủ cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty sữa, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên nhập sữa bột nguyên liệu để sản xuất.

Ngoài lý do thiếu sự liên kết trong chuỗi cung ứng nguyên liệu sữa tươi thì nhập sữa bột về chế biến cho lợi nhuận cao hơn.

Bên cạnh đó, phải nhìn nhận rằng, phần lớn hộ nông dân đang nuôi bò sữa ở quy mô rất nhỏ lẻ, thiếu tập trung và chưa áp dụng các công nghệ chăn nuôi mới dẫn đến chất lượng sữa không ổn định.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, muốn duy trì ngành bò sữa bền vững, trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có giá trị kinh tế cao, Tp. Hồ Chí Minh cần phải xây dựng chuỗi liên kết kép kín từ sản xuất đến tiêu dùng.

Cụ thể, các cơ quan quản lý phải phối hợp với hội nông dân xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, hoạt động hiệu quả.

Theo đó, hợp tác xã phải được quản lý, vận hành theo cơ chế của một doanh nghiệp, đặt lợi ích của xã viên, nông dân lên hàng đầu.

Các hợp tác xã này sẽ đóng vai trò là đầu mối kết nối các hộ chăn nuôi tham gia vào các chuỗi cung ứng ngành sữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục