Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm

12:54' - 18/05/2018
BNEWS Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào công tác kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn; tăng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm...

Với vai trò là “cầu nối” trung gian giữa người lao động và người sử dụng lao động, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm nói chung và các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nói riêng đã có những đóng góp không nhỏ cho việc giải quyết việc làm cho người lao động.

Đây cũng là địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ tư vấn chính sách, nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động, cung cấp các dịch vụ dạy nghề ngắn hạn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Mạng lưới rộng khắp, phong phú, đa dạng

Năm 2017, cả nước có hơn 1,63 triệu lao động đã được tạo việc làm (đạt 102,48% kế hoạch), trong đó, trên 1,5 triệu người được tạo việc làm trong nước (đạt 100,7% kế hoạch); 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 127,6% kế hoạch). Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của mạng lưới các trung tâm dịch vụ việc làm.

Với mạng lưới rộng khắp, phong phú, đa dạng, các Trung tâm Dịch vụ việc làm là “chỗ dựa” cho tất cả những người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là các lao động yếu thế.

Hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động được kết nối qua nhiều hình thức, như trực tiếp tại trụ sở chính, tại các điểm giao dịch vệ tinh của trung tâm dịch vụ việc làm, các phiên giao dịch việc làm; gián tiếp qua cổng thông tin điện tử việc làm, các website, điện thoại, tin nhắn… tạo thành một mạng lưới bao phủ trên toàn quốc. Hiện, cả nước có 48 địa phương tổ chức sàn giao dịch việc làm.

Một hoạt động giới thiệu việc làm dành cho các bạn sinh viên. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2011-2017, các trung tâm đã tư vấn cho gần 16,8 triệu lượt người, trong đó có hơn 9,5 triệu lượt người lao động được tư vấn về việc làm, chiếm 57%; có hơn 5,1 triệu lượt người nhận được việc làm do các trung tâm giới thiệu và cung ứng.

Hoạt động của các trung tâm chủ yếu là tổ chức thu thập thông tin về việc làm trống, người tìm việc và đưa số liệu này lên website của trung tâm, đồng thời kết nối với Cổng thông tin điện tử việc làm (vieclamvietnam.gov.vn) để có thể thông tin trên phạm vi toàn quốc.

Định kỳ, các trung tâm thực hiện việc phân tích, đưa ra các bản tin về thị trường lao động, bản tin dự báo thị trường lao động ngắn hạn trên địa bàn; trong đó, nhiều địa phương đã tập trung vào công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn như: Hà Nội, Hải Dương, Bình Thuận…

Ngoài ra, các trung tâm còn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật. Trung bình mỗi năm các trung tâm tổ chức đào tạo được khoảng 200-300 nghìn người, trong đó các trung tâm tự đào tạo chiếm trên 60%, liên kết đào tạo 25%, số được đào tạo theo địa chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 5-10%.

Được coi là trung tâm giới thiệu việc làm trọng điểm của khu vực miền Bắc, năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương đã giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho 14.701 người; trong đó, đã có 6.499 lao động có việc làm.

Bà Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm cho biết: Một trong những giải pháp thu hút lao động phải kể đến vai trò tích cực của sàn giao dịch việc làm. Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã nâng tần suất tổ chức các sàn giao dịch việc làm từ 1 phiên/tháng tăng lên 4 phiên/tháng vào định kỳ thứ 5 hàng tuần.

Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, định hướng việc làm trước khi sinh viên, học sinh ra trường.

Các phiên giao dịch việc làm tại trung tâm được tổ chức theo chuyên đề cho các đối tượng: bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, lao động làm việc theo Chương trình EPS (Hàn Quốc) về nước, đặc biệt là phiên giao dịch cho lao động thất nghiệp.

Kết quả, năm 2017 đã thu hút được 1.471 đơn vị trực tiếp tham gia các phiên giao dịch việc làm; 12.550 lao động được tư vấn; 4.617 lao động trúng tuyển…

Bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương. Khi lao động đến nộp hồ sơ tại trung tâm, sau một thời gian theo quy định sẽ được nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp; cùng đó, họ sẽ được nhận thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh và thẻ rút tiền tự động để hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội tỉnh chi trả hàng tháng, tạo thuận lợi, giúp người lao động không phải đi lại nhiều lần, đỡ tốn kém, mất thời gian.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: Các Trung tâm Dịch vụ việc làm có vị trí quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thị trường lao động, là “cầu nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động, quản trị thị trường lao động, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, rút ngắn được thời gian người lao động đi tìm việc, giúp người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình, góp phần giảm nhu cầu bức bách của xã hội về việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Các trung tâm này phải làm tốt thông tin thị trường lao động, đồng thời có các dự báo về cung - cầu lao động để định hướng cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm

Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm Giao dịch việc làm vẫn còn một số hạn chế nhất định. Từ thực tiễn địa phương, ông Bùi Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết: vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập về mất cân bằng cung – cầu lao động, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của các trung tâm, phát triển hoạt động của sàn giao dịch việc làm, mở rộng công tác điều tra thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động hàng năm.

Hoạt động của một số trung tâm dịch vụ việc làm hiệu quả còn thấp; chưa kết nối được giữa đào tạo nghề và yêu cầu cung ứng lao động giữa người lao động cần việc và doanh nghiệp cần lao động… Đây cũng là thực trạng chung của nhiều Trung tâm Giới thiệu việc làm tại các tỉnh, thành phố.

Theo bà Lê Thị Phương Hoa, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đầu tư xây dựng thành Trung tâm Giới thiệu việc làm trọng điểm của khu vực miền Bắc nhưng hoạt động từ khi tiếp nhận đến nay vẫn chỉ mang tính địa phương do chưa có cơ chế cho việc kết nối với trung tâm việc làm trọng điểm ba khu vực: miền Trung, miền Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Năm 2019, Trung tâm sẽ thực hiện việc tự chủ hoàn toàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vì vậy, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định số 1508/QĐ-TTg ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; nghiên cứu, sửa đổi quy hoạch chung về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm…

Để góp phần hỗ trợ các Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cung – cầu lao động, ông Lê Quang Trung khẳng định: Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động và người sử dụng lao động thông qua việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ; đặc biệt là xây dựng chính sách hướng tới các nhóm lao động yếu thế dễ gặp rủi ro trong thị trường lao động.

Cụ thể, tập trung các cơ chế về tài chính, hỗ trợ kinh phí cho các trung tâm dịch vụ việc làm (trong và ngoài ngành Lao động – Thương binh và Xã hội), để các trung tâm này làm công tác thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu quản lý, thực hiện chính sách; tăng cường các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.

Thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung quan tâm đến công tác kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Bộ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao năng lực trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động của trung với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn nâng tần suất phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm; thực hiện tốt quan hệ công tư trong dịch vụ việc làm…/.

>> Ngành nào có thêm cơ hội việc làm mới từ cách mạng công nghiệp 4.0

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục