Đa dạng sản phẩm đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới

17:40' - 05/07/2022
BNEWS Sự kiện “Tiêu chuẩn và Chất lượng - con đường Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới” đã được tổ chức hôm nay 5/7 tại Hà Nội.
Ngày 5/7, tại Hà Nội,  Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA, Công ty Tư vấn Quốc tế QP Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo và trưng bày sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo mang chủ đề “Tiêu chuẩn và Chất lượng - con đường Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới” tại Xưởng thứ Bảy, không gian sáng tạo mới của Thủ đô Hà Nội.
Sự kiện có sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Điểm nhấn của sự kiện là những trải nghiệm ẩm thực Việt Nam trên hành trình khám phá cách ăn mới của thời đại, trân quý những gì thiên nhiên mang lại và góp phần đem tinh hoa ẩm thực Việt Nam lan tỏa khắp năm châu với tầm nhìn “Việt Nam - bếp ăn của thế giới”.
 

Bước qua giai đoạn tập trung phát triển các hoạt động xúc tiến thị trường nội địa dành cho nông sản Việt Nam, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ.
Theo đó, từ tháng 9/2016, Hội đã xây dựng Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập”, giúp các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế.
Đặc biệt, tháng 5/2022 vừa qua, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao là đơn vị tổ chức đoàn 18 doanh nghiệp tới trưng bày tại hội chợ chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống hàng đầu châu Á THAIFEX - Anuga Asia 2022 tại Bangkok, Thái Lan, ghi được những dấu ấn đáng kể với hơn 200 sản phẩm chất lượng, độc đáo.
Chị Vân Anh, CEO Công ty Việt Pháp chuyên về gia vị chia sẻ, hiện tại chất lượng sản phẩm và nguyên liệu Việt Nam không đồng bộ nên đưa vào nhà máy sản xuất  rất khó bởi mỗi nơi mỗi khác. Chẳng hạn như từ trái ớt cho đến hạt tiêu nông dân trồng không theo tiêu chuẩn nào hết. Ví dụ size cà chua bán ở siêu thị không đồng đều, quả xanh quả đỏ, kích cỡ khác nhau.
Chính vì thế, ngay từ đầu Công ty Việt Pháp đã tập trung phát triển một số loại gia vị tự trồng để chuẩn hóa. Ngoài ra, với các loại không thể chuẩn hoá được thì công ty đặt ra các tiêu chuẩn mua hàng và chú trọng vào độ chín, kích thước hạt, tỷ trọng, màu sắc, tiêu chuẩn vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật…
Đặc biệt, gia vị Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn bởi khí hậu nhiệt đới, trồng được đa dạng sản phẩm. Do đó, đã có nhiều container gia vị được xuất khẩu ra nước ngoài như quế, hồi,thảo quả, linh hương hay gia vị phở, tương ớt xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia.
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia đã tập trung thảo luận chuyên đề Thực phẩm của tương lai – 10 xu hướng tiêu dùng và những chia sẻ kinh nghiệm sau khi tham gia Hội chợ chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống hàng đầu châu Á THAIFEX – Anuga Asia 2022.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng tập trung chia sẻ về phương pháp để ăn đúng – sống khoẻ theo phong cách hoà mình với thiên nhiên và dùng thực phẩm thay đổi cuộc sống.
Bên cạnh đó, phần toạ đàm về “Kinh nghiệm Marketing và truyền thông số quảng bá sản phẩm trong ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay cũng nhận được nhiều những đánh giá, phân tích các ưu, nhược điểm của phương pháp truyền thông truyền thống, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển, đầu tư đúng hướng và tận dụng thế mạnh của truyền thông marketing hiện đại hiện nay.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia còn có cơ hội được tiếp xúc, trao đổi và kết nối với với các nhà phân phối, người mua hàng, được gặp gỡ ông Nguyễn Huy – chuyên gia Dự án Hàng Việt Nam chất lương cao Chuẩn hội nhập để được tư vấn về yếu tố tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu thực phẩm ra thế giới.
Theo các chuyên gia, hiện tại Việt Nam mới khai thác triệt để đất đai và những sản vật mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, chứ chưa bồi đắp và chưa tạo dựng được giá trị thặng dư đất trồng, từ lao động của người nông dân và phù sa văn hóa lúa nước hàng triệu năm để lại được.
Do vậy, nếu vẫn tiếp tục coi nông nghiệp là khu vực kinh tế của nhân sự cấp thấp và kinh doanh ẩm thực theo mô hình kinh tế hộ gia đình cũng như xuất siêu số lượng không tỷ lệ thuận với giá trị và chất lượng thì đất nông nghiệp sẽ sớm trở thành khu đô thị, sân golf. Hơn nữa, các thế hệ mai sau sẽ đối diện với nguy cơ nhập khẩu bữa ăn khi công nghiệp vẫn còn là gia công thuê cho những thương hiệu toàn cầu.
Đây chính là lý do để xây dựng mô hình sản xuất, nghiên cứu sản phẩm, thiết kế nhận diện, quảng bá thương hiệu và hình thành ngành công nghiệp chế biến thực phẩm lớn mạnh, tạo đòn bẩy đưa thực phẩm chế biến Việt Nam cất cánh với giá trị thặng dư cao để Việt Nam trở thành bếp ăn thực sự của thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục