Đằng sau động thái tăng cường ngoại giao quốc phòng của Ấn Độ

06:02' - 28/03/2018
BNEWS Tạp chí Asian Nikkei Review vừa có bài viết về việc Ấn Độ tăng cường năng lực hải quân và ngoại giao quốc phòng để đối phó Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: AFP/TTXVN

Nội dung bài viết nhận định việc ký kết một hiệp định quân sự giữa Ấn Độ và Pháp cho phép tiếp cận các căn cứ hải quân của nhau là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ấn Độ đang tăng cường ngoại giao quốc phòng để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. 

Thỏa thuận ngày 10/3 giữa hai nước được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi là "bước đi vàng", còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người có chuyến thăm đến New Delhi, gọi đây là một mốc quan trọng để ngăn không cho Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương "trở thành vùng chi phối của bá quyền”.

Thỏa thuận này cũng mở đường cho lực lượng vũ trang Ấn Độ sử dụng hệ thống phòng thủ của Pháp tại Djibouti, Abu Dhabi và đảo Reunion - đều là những vị trí quan trọng ở Ấn Độ Dương.

Việc Ấn Độ nhiều năm theo đuổi chính sách kiềm chế đã khiến Trung Quốc giành thế thượng phong và thiết lập một sự hiện diện hàng hải mạnh mẽ trong khu vực mà New Delhi coi là chiến lược. 

Với việc bị mất quyền tiếp cận các cảng chính khi chúng về tay Bắc Kinh và ngân sách quốc phòng nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, New Delhi phải phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ đối tác nhằm tạo ra sự khác biệt.

Chỉ vài tuần trước khi các tàu chiến của Ấn Độ được quyền tiếp cận cảng của Pháp, chính quyền của ông Modi đã giành được quyền tiếp cận cảng Duqm thông qua một thỏa thuận quân sự với Oman hồi tháng Hai, cho phép các tàu quân sự của Ấn Độ cập cảng để bảo dưỡng. 

Cảng Duqm sẽ giúp Ấn Độ củng cố tài sản có giá trị nhất của mình ở Biển Arập, cảng Chabahar của Iran, cửa ngõ để New Delhi có thể tiếp cận Afghanistan và Trung Á.

Xa hơn về phía Nam, giáp bờ biển phía đông châu Phi, Ấn Độ đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng do thám và phòng thủ bằng cách phát triển Đảo Assumption cùng với Seychelles và Đảo Agalega với Mauritius

Cảng Hambantota ở cuối phía Nam của Sri Lanka, được giao cho Trung Quốc với hợp đồng thuê 99 năm vào năm 2017, vốn ban đầu được đề xuất giao cho Ấn Độ vào năm 2003. Mặc dù chính phủ Sri Lanka đã tái đề cập đến việc này, song các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã từ chối, đánh mất một cơ hội để kiểm soát vùng "hạt nhân" của khu vực Ấn Độ Dương.

Sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc ở Hambantota, gần mũi phía Nam Ấn Độ, đã trở thành cơn ác mộng chiến lược đối với New Delhi. Năm 2017, chính quyền của ông Modi đã đạt được một cam kết từ Colombo cho phép Ấn Độ phát triển cảng Trincomalee trên bờ biển phía đông của Sri Lanka để cân bằng với Trung Quốc. 

Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ, bao gồm cả các hệ thống vũ khí tiên tiến, đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử vào năm 2018 chỉ bằng 1,58% GDP (thấp nhất kể từ năm 1962). Trong khi đó, nhu cầu phúc lợi xã hội và phát triển lại được cử tri trong nước quan tâm nhiều hơn trong các cuộc vận động bầu cử dân chủ của Ấn Độ và được ưu tiên hơn chính sách đối ngoại. 

Những lợi ích kinh tế mà Trung Quốc tung ra đối với các nước nghèo trên toàn khu vực Ấn Độ Dương vượt qua bất kỳ khoản tài trợ hoặc khoản vay mà Ấn Độ có thể thông qua. Tuy nhiên, sự hạn hẹp của các quỹ không làm giảm sự hăng hái của Ấn Độ. 

Với nhận thức rằng Ấn Độ không thể giành thắng lợi "một chọi một" với một nước giàu hơn, ông Modi đang dựa vào mối quan hệ hợp tác với các nước thân thiện.

Các thỏa thuận song phương như kiểu với Pháp là cần thiết đối với New Delhi để tránh mất đi sự cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục