Đánh giá kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020

13:30' - 17/09/2019
BNEWS Công bố báo cáo nghiên cứu “Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020” nhằm đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020, trong khuôn khổ chương trình “ Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform)”, sáng 17/9 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Công bố báo cáo nghiên cứu “Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020”.

Báo cáo đánh giá kết quả một số nội dung như: ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, tăng trưởng và cách thức, chất lượng tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu (đầu tư, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, chuyển đổi định hướng chính sách (2011-2015), thúc đẩy cải cách tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có tăng trưởng cao bền vững. Từ năm 2011, chúng ta đã điều chỉnh các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhất là mục tiêu tăng trưởng và điều chỉnh trọng tâm các chủ trương, định hướng và giải pháp chính sách cụ thể.

Theo đó, các chính sách vĩ mô từ nới lỏng để kích thích, thúc đẩy tăng trưởng đã chuyển sang thắt chặt có điều chỉnh linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, thực hiện hàng loạt các chương trình, đề án cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Những thay đổi chủ trương, định hướng chính sách trên là phù hợp, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao, bền vững cho các năm tiếp theo. Nhiệm kỳ 2016-2020 đã và đang hưởng lợi từ những chuyển hướng chính sách và những thành quả có được của thời kỳ 2011-2015.

“Nhiệm kỳ này có điều kiện thuận lợi hơn về cơ bản kế thừa, duy trì và đẩy mạnh hơn tư tưởng và khung chính sách đã điều chỉnh của nhiệm kỳ trước. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời các giải pháp tương ứng. Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế…”, ông Cung nhấn mạnh.

Việt Nam tiếp tục duy trì lạm phát ở mức hợp lý dưới 4% và ổn định trong suốt nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước đã có cải thiện đáng kể; cơ cấu thu ngân sách cũng thay đổi tích cực hơn. Nhưng chi ngân sách vẫn ở mức khá cao, khoảng 29% GDP. Chi thường xuyên có xu hướng tăng, chiếm khoảng hơn 2/3 tổng chi; chi đầu tư giảm so với nhiệm kỳ trước, khoảng 25% tổng chi ngân sách… tuy nhiên, chưa góp phần gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nợ công và nợ nước ngoài có xu hướng giảm khá nhanh; quản lý nợ công và nợ nước ngoài không còn căng thẳng như trước nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực…

Về nguyên nhân dẫn tới thành công, ông Cung cho rằng do Việt Nam chuyển trọng tâm cải cách và điều hành phát triển kinh tế xã hội từ năm 2011. Những năm 2011-2015 các nỗ lực, nguồn lực chủ yếu tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Qua đó, tạo ra động lực mới đủ lớn để huy động được nhiều hơn nguồn lực xã hội, phân bố và sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn. Từng bước hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn với tiềm năng tăng trưởng ngày càng được gia tăng.

Ông Bùi Tất Thắng, chuyên gia kinh tế cao cấp đồng tình với những phân tích và đánh giá của báo cáo. Báo cáo này được kế thừa, 5 năm năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả khả quan. Nhưng cái khó hiện nay là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hiện không thấy ngành nào có đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngành nghề.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, báo cáo nên bổ sung thêm các tài liệu nguồn trích dẫn. Chúng ta cứ giao nhiều kết luận, nghị quyết nhưng thực hiện không được kết quả như mong muốn, nên cần xem lại vấn đề này.

Để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, chắc chắn cần hệ thống đồng bộ, các giải pháp từ tổng thể đối với toàn nền kinh tế đến giải pháp đối với từng ngành, lĩnh vực và vùng, địa phương.

Theo đó, ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị, cần khắc phục tình trạng nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI ở cả cấp độ địa phương, ngành và toàn nền kinh tế. “Khắc phục điểm mất cân bằng này không có nghĩa là hạn chế, kìm hãm đầu tư nước ngoài mà làm cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn so với hiện nay”, ông Cung nói.

Bên cạnh đó, cần khắc phục sự thiếu kết nối, bổ sung hợp lý giữa các thành phần kinh tế đồng thời làm cho kinh tế trong nước hướng ngoại nhiều hơn, mở rộng kinh doanh toàn cầu.

Đặc biệt, cần có giải pháp chung về cải cách thể chế và phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng và phát triển với tốc độ bứt phá khu vực kinh tế tư nhân trong nước năng động, có sức cạnh tranh toàn cầu và trở thành động lực quan trọng tiến tới là động lực chủ yếu của phát triển kinh tế đất nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều đưa ý kiến đồng tình với báo cáo và cũng đề xuất nghiên cứu thêm về thước đo những việc làm cụ thể và trách nhiệm người thực hiện.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục