Dịch COVID-19: Cần sự điều phối thống nhất dùng nguồn lực từ tổ chức, cá nhân

11:28' - 17/05/2021
BNEWS Việc quyên góp, hỗ trợ trong tình huống dịch bệnh là việc làm cần thiết và ý nghĩa nhưng cần thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn, hiệu quả, thiết thực nhất đang là vấn đề được quan tâm.

Khi làn sóng dịch COVID – 19 lần thứ 4 bùng phát, cùng với Trung ương, chính quyền các địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đứng ra vận động, quyên góp, tổ chức hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch và người dân tại các khu vực phong tỏa, cách ly. Thực tế cho thấy nhiều hỗ trợ chưa thực sự đúng với nhu cầu tại địa điểm.

Việc quyên góp, hỗ trợ trong tình huống dịch bệnh là việc làm cần thiết và ý nghĩa nhưng cần thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn, hiệu quả, thiết thực nhất đang là vấn đề được quan tâm.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về vấn đề này. Nội dung phỏng vấn như sau:
* Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch, với vai trò là cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo, khi dịch COVID -19 có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai chương trình ứng phó với dịch như thế nào?

* Ông Trần Quốc Hùng: Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động ứng phó. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Hội luôn phấn đấu thực hiện tốt vai trò cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo nói chung và ứng phó với dịch nói riêng.
Trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã tổ chức vận động nguồn lực với nhiều hình thức, đồng bộ, sáng tạo như: Phát động, kêu gọi quyên góp trong hệ thống Chữ thập đỏ; tổ chức các chương trình nhắn tin ủng hộ chung tay phòng chống dịch COVID-19; kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kịp thời hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, đồ ăn, thức uống dinh dưỡng cho các đơn vị, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch; trợ giúp người dân tại cộng đồng, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình: Chợ Nhân đạo, cây ATM gạo, túi hàng gia đình và cấp phát tiền mặt. Tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch trong hệ thống Hội năm 2020 đạt trên 136 tỷ đồng; trong đó, huy động từ cấp Trung ương đạt trên 65 tỷ đồng.
Không chỉ hỗ trợ cho người dân trong nước, Hội còn Hỗ trợ cho Hội Chữ thập đỏ các nước thông qua hệ thống Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Đại sứ quán các nước Hoa Kỳ, Ấn Độ, Campuchia… bằng nhiều hình thức khác nhau.
*Phóng viên: Khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, Hội đã triển khai công tác điều phối viện trợ cho các vùng, địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa như thế nào, thưa ông?
* Ông Trần Quốc Hùng: Đối với các vùng, địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn quan tâm trong điều phối, hỗ trợ trang thiết bị y tế (quần áo bảo hộ, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…), đồ ăn và các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của cán bộ, người dân.
Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ 63 tỉnh, thành Hội trong cả nước trên 11 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp 17 tỉnh, thành Hội 2,9 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Các tỉnh được hỗ trợ trực tiếp là những địa phương đang có dịch tại cộng đồng, phải thực hiện cách ly, phong tỏa (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Ngãi….) và các tỉnh có đường biên giới, nhiều nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới (Đồng Tháp, Tây Ninh). Đối tượng hỗ trợ là người dân tại các vùng bị phong tỏa, cách ly và người lao động trở về từ vùng dịch ở nước ngoài.

* Phóng viên: Trong giai đoạn cả nước chống dịch, phong trào "người người, nhà nhà làm việc thiện” được dấy lên mạnh mẽ để hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu và người dân phải cách ly, bị ảnh hưởng bởi dịch, nhiều người tự đứng ra quyên góp rồi đem đến các điểm phong tỏa, cách ly để hỗ trợ. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
* Ông Trần Quốc Hùng: Tôi nghĩ rằng việc người dân đứng ra kêu goi, quyên góp hỗ trợ phòng chống dịch là một việc làm tốt, thể hiện truyền thống "tương thân tương ái" của con người Việt Nam. Tuy nhiên, việc người dân tự đứng ra quyên góp rồi đem đến các điểm phong tỏa, cách ly để hỗ trợ có những hạn chế nhất định như: Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Hàng hóa hỗ trợ chưa chắc đã phù hợp nhu cầu cán bộ y tế, người dân tại các điểm cách ly; làm gia tăng thời gian cho công tác tiếp nhận hỗ trợ, tạo thêm áp lực cho cán bộ tại các khu cách ly, phong tỏa.
* Phóng viên: Vậy việc quyên góp, hỗ trợ trong tình huống dịch bệnh nên được triển khai như thế nào để đảm bảo an toàn, kịp thời và hiệu quả, thưa ông?
* Ông Trần Quốc Hùng: Theo tôi, các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hỗ trợ nên thông qua các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo việc hỗ trợ các y bác sỹ tuyến đầu và người dân phải cách ly, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được an toàn, khoa học, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xác định là hai đơn vị chủ lực, đầu mối để tiếp nhận, triển khai các hoạt động nhân đạo.
Hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Việt nam có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến tận xã phường với hàng trăm nghìn tình nguyện viên nên thuận lợi trong vận động, điều phối, triển khai các hoạt động hỗ trợ từ trung ương đến địa phương.
Các tổ chức, cá nhân có thể phối hợp cùng Hội để thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng nói chung và dịch bệnh nói riêng. Trong quá trình phối hợp, Hội sẽ cung cấp cho các đoàn hỗ trợ về thông tin các điểm cần hỗ trợ (nơi cần hỗ trợ, khu vực nào an toàn và không an toàn); nhu cầu của người được hỗ trợ để chủ động lựa chọn mặt hàng hỗ trợ phù hợp. Hội cũng sẽ đồng hành cùng các đoàn tới tận các điểm để thực hiện trao tặng, đội ngũ tình nguyện viên hùng hậu sẵn sàng đưa đoàn tới bất cứ điểm cần hỗ trợ nào.
Bên cạnh đó, các cán bộ, tình nguyện viên của Hội đều có kiến thức về an toàn phòng chống dịch bệnh. Việc hỗ trợ luôn được công khai, minh bạch nên tránh thất thoát nguồn lực. Các yếu tố này giúp việc hỗ trợ được an toàn, kịp thời, hiệu quả hơn.
* Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì để công tác này được triển khai tốt hơn trong thời gian tới?
* Ông Trần Quốc Hùng: Qua kinh nghiệm triển khai các hoạt động ứng phó với dịch COVID-19 ở các giai đoạn, tôi thấy hoạt động cứu trợ tại Việt Nam trong thiên tai, sự cố nghiêm trọng và dịch bệnh nói chung cần có một cơ quan điều phối thống nhất để tập trung, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Công tác triển khai các hoạt động ứng phó với dịch bệnh cần được điều phối một cách chuyên nghiệp hơn nữa, dựa trên nhu cầu của các đơn vị và người dân để đảm bảo tính hiệu quả, hạn chế xảy ra trường hợp có nơi được hỗ trợ nhiều, không sử dụng hết, ngược lại có nơi thiếu thốn, không tiếp cận được nguồn hỗ trợ. Kinh nghiệm cho thấy trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, việc điều phối, triển khai bài bản chắc chắn sẽ hoạt động hiệu quả, nhanh nhạy hơn. Việc hỗ trợ kịp thời,đúng người đúng hoàn cảnh luôn là sự trợ giúp ý nghĩa nhất./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục