Dịch COVID-19 sáng 29/3: Mỹ có số ca mắc và tử vong tăng cao kỷ lục

06:02' - 29/03/2020
BNEWS Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới với 123.313 ca; còn Italy là quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất thế giới với 10.023 ca, bỏ xa Trung Quốc và Mỹ.

 

Tính đến 7 giờ sáng ngày 29/3, toàn thế giới có 199 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong đó, Mỹ là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới với 123.313 ca; còn Italy là quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất thế giới với 10.023 ca, bỏ xa Trung Quốc và Mỹ.
Số liệu tổng hợp từ website worldometers.info cho thấy tính đến 7 giờ ngày 29/3 (giờ Việt Nam), cả thế giới có 662.674 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 30.845 ca tử vong và 141.945 ca đã bình phục.
Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 66.308 ca mắc mới và số ca tử vong là 3.501 ca. 
Bên cạnh đó, trong số 489.884 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị, chỉ có 5% số bệnh nhân trong tình trạng nặng và nguy kịch tương đương với 25.401 người; 95% còn lại tương đương với 464.483 bệnh nhân trong tình trạng nhẹ.
*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Trong 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới tính đến 0 giờ GMT ngày 29/3 tức 7 giờ sáng giờ Hà Nội, Mỹ đã có tới hơn 123.313 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đứng đầu danh sách. Tiếp theo đó là Italy với 92.472 ca. Trung Quốc đứng thứ ba với 81.439 ca bệnh.
Kế tiếp là Tây Ban Nha, Đức, Iran, Pháp, Anh, Thụy Sỹ và Hà Lan. 
Trong đó, thứ tự 10 nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới đã có sự thay đổi về mặt thứ hạng so với ngày 27/3. Cụ thể, 
Hà Lan với tổng cộng 9.762 ca nhiễm đã vượt qua Hàn Quốc để lên vị trí thứ 10. 
Hai nước ở Đông Bắc Á là Hàn Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 11 và Nhật Bản ở vị trí 29. 
1. MỸ

Theo thông tin cập nhật của đại học John Hopkins đến 7 giờ sáng 29/3 theo giờ Hà Nội, nước Mỹ đã ghi nhận số ca mắc và tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao kỷ lục với gần 120.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và gần 2.000 ca tử vong.
Theo chuyên trang thông tin của đại học John Hopkins, tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ tiếp tục cao nhất thế giới với 119.748 ca, trong đó có 1.991 ca tử vong. 
Thành phố New York của Mỹ hiện là nơi có nhiều ca tử vong nhất với 517 trường hợp. Trong khi đó, tính trên phạm toàn bộ “tâm dịch” của nước Mỹ là bang New York, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là 52.318 trường hợp, trong đó có 728 ca tử vong. Thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins cho thấy thành phố New York là nơi tập trung nhiều ca nhiễm nhất, chiếm hơn 50% số ca nhiễm trên cả nước Mỹ.
Thống đốc bang New York Andrew Coumo thông báo lùi thời điểm của cuộc bầu cử sơ bộ từ ngày 28/4 sang ngày 23/6

Chính quyền bang New York đang lên kế hoạch xây dựng 4 bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch bệnh. Thống đốc bang này - ông Andrew Cuomo  dự đoán dịch sẽ lên đến đỉnh điểm trong vòng 21 ngày tới và các trường học trên toàn bang sẽ đóng cửa ít nhất là đến ngày 15/4.
Điểm nóng thứ hai của Mỹ về dịch COVID-19 là bang New Jersey đã ghi nhận 11.124 ca mắc COVID-19, trong đó 140 ca tử vong. Bang California ở bờ Tây nước Mỹ cũng đã ghi nhận 4.950 ca nhiễm bệnh, trong đó có 104 ca tử vong.
Trước diễn biến trên, ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc biện pháp cách ly bắt buộc đối với các bang New York, New Jersey và Connecticut (nơi đã ghi nhận 1.291 ca mắc COVID-19, trong đó có 27 ca tử vong) nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ông Trump cũng đã thông qua tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Michigan, nơi đã ghi nhận 4.193 ca nhiễm bệnh, trong đó 111 ca tử vong. 
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho hay ông đang xem xét biện pháp cách ly cũng như việc mở cửa trở lại nền kinh tế vào ngày 12/4 tới khi khẳng định: "Chúng tôi sẽ xem, điều gì xảy ra".
Trước đó, Tổng thống Trump đã thông qua tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Michigan cho phép bang này được bổ sung nguồn hỗ trợ từ liên bang để chống dịch bệnh COVID-19. 
Như vậy, Michigan là bang tiếp theo trong danh sách các bang và vùng lãnh thổ ông Trump tuyên bố về tình trạng thảm họa trong tuần gồm các bang Massachusetts, Missouri, Maryland, Illinois, New Jersey, North Carolina, Texas, Florida và các vùng lãnh thổ Guam, Puerto Rico. 
2. ITALY
Theo số liệu do Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 28/3, nước này ghi nhận thêm 5.974 ca mới nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy lên 92.472 trường hợp. Số ca tử vong tăng lên 10.023 trường hợp (tăng 889 ca). Số ca hồi phục tăng lên 12.384 ca (tăng 1.434 ca). 
Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện có 26.676 ca nhập viện, trong đó có 3.856 ca phải điều trị tích cực và 39.533 ca cách ly tại nơi ở.
Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, từ ngày 28/3 Italy áp dụng quy định mới đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước này. 
Theo đó những người nhập cảnh bằng đường không, đường sắt, đường biển, đường bộ đều phải cung cấp cho người điều hành phương tiện các thông tin về lý do di chuyển, địa chỉ nơi ở đồng thời cũng là nơi người nhập cảnh sẽ phải cách ly bắt buộc đủ 14 ngày, số điện thoại cá nhân để nhận các thông tin trong thời gian cách ly. 
Người nhập cảnh vào Italy, kể cả những người không có các triệu chứng nhiễm bệnh, đều phải có trách nhiệm liên hệ ngay với cơ quan chức năng địa phương và chịu sự giám sát tình trạng sức khỏe của cơ quan y tế. Hành khách khi lên các phương tiện phải được đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang và đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1m
3. TRUNG QUỐC
Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 649 ca nhiễm SARS-CoV-2 tử nước ngoài nhập cảnh. Trong khi đó, báo cáo cập nhật sáng 28/3 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo không có ca lây nhiễm nội địa nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 27/3. 
Đến 7 giờ sáng ngày 29/3 theo giờ Việt Nam, trang worldometer.info đã ghi nhận  Trung Quốc đại lục có tổng cộng 81.439 trường hợp mắc COVID-19 và 3.300 người tử vong. Đặc biệt, số ca mắc mới trong ngày chỉ là 45 ca và số ca tử vong chỉ còn 5 ca so với ngày hôm qua.
Ngày 28/3, một phần của thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, nơi được coi là điểm khởi phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đã bắt đầu hoạt động trở lại sau hơn 2 tháng gần như phong tỏa hoàn toàn.
Vũ Hán bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa từ tháng 1/2020, người dân không được rời khỏi thành phố, các tuyến đường xung quanh bị chặn và mọi sinh hoạt thường nhật đều gián đoạn. Tới nay, thành phố công nghiệp và đầu mối giao thông quan trọng của Trung Quốc, đang đi đến những ngày cuối cùng của giai đoạn phong tỏa.
Hầu hết các mạng lưới tàu điện ngầm tại Vũ Hán hoạt động trở lại trong ngày 28/3 trong khi một số trung tâm mua sắm cũng sẽ mở cửa trong tuần tới. Các ngân hàng đã hoạt động vào đầu tuần này. Người dân vẫn được khuyến cáo hạn chế đi lại sau khi một số tuyến xe buýt công cộng được nối lại. 
Các lệnh cấm cư dân Vũ Hán rời khỏi thành phố sẽ có hiệu lực đến hết ngày 8/4. Đây cũng là thời điểm các sân bay sẽ hoạt động trở lại để phục vụ các chuyến bay nội địa. Vũ Hán cũng là địa phương cuối cùng của tỉnh Hồ Bắc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh hạn chế đi lại, một số tuyến đường cao tốc tới thành phố này đã lưu thông trở lại trong tuần này.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2019, Vũ Hán ghi nhận hơn 50.000 ca mắc bệnh và tổng số ca tử vong cao vì dịch bệnh cũng cao nhất cả nước. Ngày 28/3, giới chức y tế thành phố này công bố thêm 3 ca tử vong vì dịch bệnh nhưng số ca nhiễm mới trong cả tuần qua chưa đến 20 ca.
Sau cuộc họp thường kỳ của Ủy ban chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cho biết các tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung có thể kiểm soát được. 
PBoC cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã duy trì khả năng phục hồi mạnh mẽ và nền tảng kinh tế phục vụ mục tiêu tăng trưởng dài hạn vẫn không thay đổi.
PBoC cũng tuyên bố sẽ sử dụng nhiều công cụ chính sách để duy trì thanh khoản thị trường ở mức hợp lý và giữ giá cả ổn định, đồng thời hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng cường hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp nối lại hoạt động, tăng cường sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo cùng nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
4. TÂY BAN NHA
Số liệu tổng hợp từ website worldometers.info cho thấy tính đến 7 giờ ngày 29/3 (giờ Việt Nam), Tây Ban Nha có tổng cộng 72.235 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 7.516 ca so với hôm qua, trong đó, số ca tử vong 5.982 ca tử vong, tăng 844 ca.
Như vậy, hiện Tây Ban Nha là quốc gia có số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 cao thứ 2 trên thế giới sau Italy có 10.023 ca.
Theo bộ Y tế Tây Ban Nha, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha tăng mạnh trong hai ngày vừa qua sau khi nước này tăng đáng kể số lượng người được xét nghiệm.
Thủ đô Madrid tiếp tục là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với 2.757 ca tử vong và 21.520 ca nhiễm bệnh, dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Các số liệu trên được đưa ra vào thời điểm đánh dấu tròn 2 tuần kể từ khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc chưa từng có nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến ít nhất là ngày 11/4 tới.
5. ĐỨC
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ, tính đến 6 giờ sáng ngày 29/3 theo giờ Hà Nội, trên toán nước Đức đã ghi nhận 53.340 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) và 399 ca tử vong.
Ba bang tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất là Nordrhein-Westfalen (12.744 ca nhiễm, 105 ca tử vong), Bayern (11.862 ca nhiễm, 85 ca tử vong) và Baden-Württemberg (9.781 ca nhiễm và 101 ca tử vong). Thủ đô Berlin hiện ghi nhận 2.161 ca nhiễm và 8 ca tử vong.
Chánh Văn phòng Chính phủ Đức Helge Braun cùng ngày cho hay Đức sẽ vẫn giữ nguyên những hạn chế trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho đến ít nhất là ngày 20/4 tới.
Phát biểu trên báo Tấm gương hàng ngày (Tagesspiegel), ông Braun cho biết Đức chưa tính đến việc nới lỏng các hạn chế trước ngày 20/4, đồng thời nêu rõ những người cao tuổi sẽ phải tính tới việc tuân thủ lâu hơn những hạn chế so với những người trẻ, bởi họ là nhóm người có nguy cơ cao. 
Theo ông, các hạn chế này sẽ góp phần quyết định làm chậm tốc độ lây nhiễm. Ông cũng bày tỏ tin tưởng Đức đang đi đúng hướng, bởi người dân có ý thức chấp hành các hạn chế mà Chính phủ đưa ra, đồng thời cho biết kết quả của các biện pháp hạn chế sẽ cho kết quả trong vài ngày tới.
Theo PV TTXVN tại Đức, phát biểu với báo Tiêu điểm (Focus), nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank, ông David Folkerts-Landau nói: “Chi phí để quản lý khủng hoảng sẽ ở mức từ 1-1,5 nghìn tỷ euro”. 
Tuy nhiên, ông cho rằng nước Đức vẫn có thể xử lý tốt, bởi nợ công thấp so với mức dưới 60% GDP hiện nay. Ông nói rằng, tình huống này đã cho thấy sự đúng đắn về chính sách ngân sách lành mạnh của Đức trong những năm qua. 
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần phải tăng thuế về trung hạn để bù đắp hậu quả do cuộc khủng hoảng này gây ra. Theo ông, nền kinh tế Đức sẽ sụt giảm khoảng 7-8% trong năm 2020, song sẽ phục hồi từ quý 4/2020 và đạt tăng trưởng khá trong năm 2021.
6. PHÁP
Cơ quan y tế Pháp ngày 28/3 công bố 319 ca tử vong mới do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 2.314 trường hợp, trong lúc chính phủ đang cố gắng tăng số giường bệnh chăm sóc tích cực trên toàn quốc. 
Cơ quan y tế Pháp cũng cho hay, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng lên 37.575 trường hợp so với 32.964 ca một ngày trước đó.
Tổng số ca tử vong do chính phủ thống kê mới chỉ tính đến số người tử vong tại các bệnh viện, trong khi nhà chức trách cho biết họ sẽ cộng thêm dữ liệu về những người tử vong tại nhà vào tuần tới, mà có thể khiến con số tử vong sẽ tăng nhiều hơn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cùng ngày cho biết, nước này đã đặt mua thêm hơn 1 tỷ khẩu trang, phần lớn từ Trung Quốc, nhằm tăng nguồn lực trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 
Theo ông Olivier, mỗi tuần cả nước Pháp dùng đến 40 triệu chiếc khẩu trang để đối phó với dịch bệnh và trong 3 tuần qua nước này đã thiếu nguồn cung vật tư này.
Cũng trong ngày 28/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi châu Âu triển khai ngân sách và đoàn kết trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
Pháp cũng đã thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15/4, thay vì đến 31/3 như dự kiến ban đầu. Theo thông báo các quy định hạn chế di chuyển vẫn giữ nguyên, song cảnh báo rằng có thể tiếp tục gia hạn tùy theo tình hình thực tế.
7. IRAN
Bộ Y tế Iran ngày 28/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 139 ca tử vong do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh nguy hiểm ở quốc gia Trung Đông này lên 2.517 người.
Quan chức trên cũng cho hay tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Iran hiện đã tăng lên thành 35.408 người.
8. ANH
Theo trang worldometer, tính đến 7 giờ ngày 29/3 theo giờ Hà Nội, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 của Anh là 17.089 trường hợp, tăng 2.546 ca so với số liệu chính thức được công bố hôm 27/3 là 14.543 trường hợp. Số ca tử vong tại Anh hiện là 1.019 ca, tăng 260 ca so với ngày hôm qua.
Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 27/3 thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh - Giáo sư Chris Whitty ngày 28/3 cũng cho biết ông đã xuất hiện những triệu chứng nhẹ của bệnh COVID-19 và đang tự cách ly.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách vùng Scotland - ông Alister Jack cùng ngày cũng quyết định tương tự sau khi có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2. 
Thủ tướng Johnson khẳng định ông sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ thông qua hình thức trực tuyến trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà số 10 phố Downing. 
Hiện tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Anh đã lên đến 1.019 người trong tổng số 17.089 ca được xác định dương tính với virus gây bệnh. Khoảng 6.200 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện tại Vương quốc Anh.
9. THỤY SỸ
Theo trang worldometer, tính đến 7 giờ ngày 29/3 theo giờ Hà Nội, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 của Thuỵ Sỹ là 14.076 trường hợp, tăng 1.148 ca so với ngày hôm qua. Số ca tử vong tại Thuỵ Sỹ hiện là 264 ca, tăng 33 ca so với ngày hôm qua.
Trong khi đó, Chính phủ liên bang của Thụy Sĩ đã trao quyền cho nhà chức trách các địa phương tạm thời đóng cửa hoặc hạn chế các lĩnh vực kinh tế nếu cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Động thái trên nhằm tạo sự phối hợp nhịp nhàng trong hệ thống chính trị chặt chẽ của Thụy Sĩ, được đưa ra vào thời điểm số ca tử vong tại nước này do COVID-19 là 207 ca, trong khi số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên đến 12.311 người.
10. HÀ LAN:
Theo số liệu từ trang worldometes.info, tính đến 7 giờ sáng ngày 29/3 theo giờ Hà Nội, Hà Lan có 9.762 ca mắc COVID-19, trong đó có 639 ca tử vong. Với số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua tăng 1.159 ca, Hà Lan đã vượt qua Hàn Quốc để lên vị trí thứ 10 trong danh sách 10 nước có số ca mắc COVID-19 lớn nhất thế giới.
Khu vực Mỹ Latinh cũng ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-COV-2 vượt ngưỡng 10.000. Kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại khu vực này hôm 26/2 tại Brazil, tới nay trên toàn khu vực đã có tổng cộng gần 10.500 ca nhiễm và 182 ca tử vong. Brazil, tâm dịch của Mỹ Latinh, ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm và 77 ca tử vong, tiếp đến là Chile với hơn 1.600 ca nhiễm và 5 ca tử vong. Ecuador ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm và 34 ca tử vong.
Châu Á: Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh của Hàn Quốc (KCDC) ngày 28/3 thông báo tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này là 9.478 ca, trong khi số ca tử vong là 144 ca. 
Theo KCDC, số ca mắc COVID-19 tăng lên sau khi cơ quan y tế nước này phát hiện thêm một ổ dịch mới tại bệnh viện Jamie ở thành phố Daegu, miền Đông Nam nước này, và nhiều ca mắc bệnh từ nước ngoài về.

Ngày 28/3, Thống đốc thủ đô Jakarta của Indonesia - ông Anies Baswedan đã tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp từ ngày 5-19/4 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, Jakarta tiếp tục hạn chế các hoạt động bên ngoài của người dân, đóng cửa các điểm du lịch và các trường học trên địa bàn thành phố. Ông Anies kêu gọi người dân hợp tác với chính quyền và tuân thủ "dãn cách xã hội" nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trước đó, ngày 20/3, Thống đốc Anies đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài từ ngày 23/3 đến ngày 5/4.
Hiện Indonesia đã ghi nhận 1.155 trường hợp mắc COVID-19 và 102 ca tử vong. Thủ đô Jakarta với khoảng 10 triệu cư dân là nơi có ca mắc bệnh cao nhất (627 ca) và số trường hợp tử vong cao nhất trên toàn quốc (62 người).
TRUNG ĐÔNG: Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Đông, với các ca nhiễm gia tăng ở nhiều nước. Ai Cập ghi nhận tổng cộng 536 ca nhiễm và 30 ca tử vong. Các nước khác như Oman, Iraq, Qatar... cũng ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng tất cả các dịch vụ đường sắt liên thành phố và hạn chế các chuyến bay nội địa từ ngày 28/3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Tổng thống Tayyip Erdogan (Tay-íp Éc-đô-gan) kêu gọi người dân "tự nguyện cách ly" ở nhà và chỉ ra đường để mua nhu yếu phẩm. Trong thông báo về các biện pháp hạn chế đi lại, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ tất cả người dân nước này không được phép rời khỏi thành phố nơi họ cư trú, trừ khi được phép của nhà chức trách và có giấy chứng nhận của bác sĩ.

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt nhiều nước trên thế giới, trong đó riêng trong 24 giờ qua có thêm 2.069 ca theo số liệu của Bộ Y tế nước này, theo đó tổng số ca nhiễm hiện là 5.698 người, với 92 ca tử vong.
CHÂU PHI: Hiện 39/47 quốc gia châu Phi là thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang bị COVID-19 tấn công, trong khi một tháng trước đó chỉ có một quốc gia bị ảnh hưởng. 
Dịch bệnh diễn biến theo hướng nghiêm trọng khi trong những ngày gần đây, châu Phi ghi nhận 300 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Theo thống kê của hãng tin AFP, tổng số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Phi trong tuần qua đã lên tới gần 3.500 người và 94 trường hợp tử vong.
NGA lần đầu tiên ghi nhận có hơn 200 ca nhiễm trong một ngày. Tính đến 6 giờ sang ngày 29/3, Nga đã ghi nhận thêm 228 trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2 tại 26 tỉnh thành, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 1.264. 
Trong số 228 ca nhiễm mới, có tới 114 ca ở thủ đô Moskva. Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Nga đã quyết định đóng cửa đường biên giới kể từ ngày 30/3; tất cả các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng của nước này sẽ đình chỉ hoạt động cho đến ngày 1/6; tất cả các quán cà phê và nhà hàng trên cả nước cũng phải đóng cửa trong một tuần, từ ngày 28/3 đến ngày 5/4.
*Diễn biến dịch COVID-19  tại Việt Nam

 Đến 6h sáng ngày 29/3/2020, đã ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 của Việt Nam lên 179.
Bốn ca trong số này liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); ca còn lại được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Hiện số ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai là 16 ca trong đó có 4 ca là cán bộ, nhân viên của bệnh viện, 8 ca liên đới.

Diễn biến dịch COVID -19 đến 6h sáng tại Việt Nam cụ thể:

-Tử vong: 0  

-Số trường hợp mắc: 179

Trong số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có 50 người bị lây nhiễm từ nguồn trong nước; 129 người đến/trở về Việt Nam từ nước ngoài (56 người đến/trở về từ Anh, 16 người đến/trở về từ Pháp, 8 người đến/trở về từ Malaysia, 6 người đến/trở về từ Tây Ban Nha, 10 người đến/trở về từ Mỹ, 6 người đến/trở về từ Thái Lan, số còn lại từ những nước khác). 

Trong đó, tổng số ca bình phục là 21:

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 

-  05 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 28/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN18, BN22, BN23, , BN33, BN35

* Từ ngày 18/3 đến nay, liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Bộ Y tế đã xác định Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch lớn, nguy hiểm.  Hiện số ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai là 16 ca trong đó có 4 ca là cán bộ, nhân viên của bệnh viện, 12 ca liên đới. 

Bệnh viện Bạch Mai tiến hành các biện pháp kiểm soát, tạm dừng đón tiếp bệnh nhân và thực hiện việc cách ly toàn bệnh viện để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.

Tối 28/3, Binh chủng Hoá học (Bộ Quốc phòng), Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân miền Bắc đã phun hoá chất tẩy độc, khử trùng.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục