Tận dụng nguồn ngoại lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

16:51' - 17/02/2020
BNEWS Chính phủ đã cho phép thông quan hàng hóa ở cửa khẩu, với điều kiện kiểm soát dịch bệnh do chủng mới virus corona. Điều này sẽ góp phần gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.
Chế biến mủ cao su phục vụ xuất khẩu tại nông trường Cao su Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra tại Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam, sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy, mục tiêu chiến lược được Bộ đưa ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay là tận dụng nguồn ngoại lực.

Thu hút FDI dự báo sẽ giảm tới 50%

Tổng cục Thống kê dự báo, trong trường hợp không có dịch COVID-19, tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020 ước tính đạt 39,6 tỷ USD; trong đó, quý I đạt 12,1 tỷ USD; quý II và quý III cùng đạt 8,4 tỷ USD và quý IV đạt 10,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, do COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc kiểm soát chặt đường biên, hàng hoá xuất nhập khẩu hạn chế đã ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp sản xuất và thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2020.

Theo đó, ảnh hưởng của thu hút đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam quý I sẽ giảm 50% và quý II sẽ giảm 30%; đồng thời, ảnh hưởng lan tỏa tới dòng đầu tư của các quốc gia khác tương ứng trong quý I và quý II cũng sẽ giảm 10% và 5%.

Dự báo quý I/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I đạt 10,3 tỷ USD, giảm 1,8 tỷ USD, tương ứng với giảm 16,6 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu (trong đó Trung Quốc giảm 0,7 tỷ USD, tương ứng 6,6 điểm phần trăm; các quốc gia khác giảm 1,1 tỷ USD, tương ứng 9,9 điểm phần trăm).

Quý II/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý II/2020 ước đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,66 tỷ USD, tương ứng với giảm 8,7 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu (trong đó Trung Quốc giảm 0,3 tỷ USD, tương ứng 3,9 điểm phần trăm; các quốc gia khác giảm 0,37 tỷ USD, tương ứng 4,8 điểm phần trăm).

Tất cả các xe nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đều được phun thuốc khử trùng trong khoang lái và tổng thành xe. ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Tính chung cả năm 2020, thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ giảm 2,46 tỷ USD, tương ứng với giảm 6,8 điểm phần trăm tăng trưởng so với kịch bản ban đầu; trong đó, Trung Quốc giảm 1,01 tỷ USD, tương ứng với 2,8 điểm phần trăm; các quốc gia khác giảm 1,44 tỷ USD, tương ứng với 4 điểm phần trăm.

Giảm đầu tư của toàn nền kinh tế

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ.

Do đó, khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn; đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những ngành sản phẩm chịu nhiều thiệt hại nhất là dệt may, da giày, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, sản xuất xe có động cơ, sản xuất kim loại…, do phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc.

Theo đó, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI), đối tượng bị ảnh hưởng là người Trung Quốc làm việc trong các dự án FDI tại Việt Nam, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm với Trung Quốc (bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc và các nước khác).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước khác nói chung cũng có nhiều khả năng bị trì hoãn, bao gồm các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, các hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư…

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, hiện một số hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, hay các hoạt động xúc tiến đầu tư đang bị ảnh hưởng.

Hãng HP dự kiến trung tuần tháng 2 sẽ tới Việt Nam để tìm kiếm và thảo luận về các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhưng kế hoạch này đã bị lùi lại.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu sẽ giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn.

Các nhà đầu tư mới sẽ do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

“ Khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa làm ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ của các dự án ở Việt Nam. Nguồn nhân công nhiều dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam giảm do rất nhiều cán bộ, kĩ sư, chuyên gia của Trung Quốc không vào được Việt Nam khi có các hạn chế đi lại từ các lệnh cấm bay", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Cụ thể, Công ty Fomosa (Hà Tĩnh) có 7.500 lao động; trong đó lao động Đài Loan (Trung Quốc) có 700 người, chiếm khoảng 9,5%. Hiện, công ty còn thiếu 500 lao động về nghỉ Tết chưa trở lại làm việc do Việt Nam hạn chế nhập cảnh.

Formosa cũng cho hay, việc không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mới đây, LG thông tin nếu dịch COVID-19 không được ngăn chặn trong vòng 2 tuần tới, công ty sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Hay việc hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu của công ty đang bị ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản thực phẩm Tân Hương, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) mỗi ngày thu mua, chế biến, xuất khẩu gần 80 tấn cà rốt sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông, doanh thu gần 4 tỷ đồng/ngày, tăng gấp 2 lần so với trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh: "Dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng một cách toàn diện lên nền kinh tế. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt, thì ngay cả đầu tư cũng bị tác động”.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để chủ động ứng phó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong giai đoạn phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh cần chủ động tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời và hiệu quả. Đồng thời đấu tranh quyết liệt với những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng để củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, chung sức, đồng lòng, tham gia phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, đa mục tiêu, kịp thời khắc phục các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng, miền và ngành, lĩnh vực.

“Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để có thể sớm khởi công các dự án đầu tư công quan trọng của quốc gia như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các dự án giao thông và thủy lợi giữ nước ngọt tại vùng Đồng bằng sông Cửu long”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan đề xuất, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư của một số dự án hạ tầng BOT nhằm vừa đẩy mạnh kích cầu đầu tư công lành mạnh thời kỳ “hậu dịch”, không ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, vừa sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề xuất: Để tiếp tục duy trì các hoạt động thu hút đầu tư FDI, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch COVID-19.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Qua đó Việt Nam có thể tiếp nhận, làm quen rồi học tập những tiến bộ về kỹ thuật - công nghệ mới, hiện đại và gắn liền với trào lưu thế giới.

Hiện nay, Chính phủ đã bắt đầu cho phép thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu, với điều kiện là kiểm soát chặt dịch bệnh. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, để tăng cường thu hút đầu tư, Cục sẽ tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, có tính chất mũi nhọn và khả năng bứt phá, tạo ra nhiều giá trị gia tăng như: công nghệ mới, dược phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp sạch và chế biến thực phẩm....

Mục tiêu chiến lược đặt ra là tận dụng nguồn ngoại lực để thúc đẩy tăng trưởng kết hợp tăng tốc độ hoàn thành quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục