Diễn biến mới nhất dịch COVID-19 đến sáng 25/3: Số ca mắc mới tại Italy tiếp đà giảm

07:08' - 25/03/2020
BNEWS Trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 là từ châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%. Italy ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận đà giảm số ca nhiễm mới trong ngày.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tới nay đã xuất hiện tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng 24 giờ qua có thêm 2.091 người thiệt mạng và 38.816 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn thế giới lên trên 417.600 người. Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19 đã khiến 18.605 người tử vong.

Trong những ngày qua, Trung Quốc đại lục liên tục không ghi nhận thêm ca trong nước nào mắc COVID-19, chỉ có ca mới đến từ bên ngoài.

Italy ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận đà giảm số ca nhiễm mới trong ngày.

Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 là từ châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới.

Tại châu Âu - tâm dịch hiện nay của thế giới - số ca nhiễm COVID-19 trong ngày 24/3 đã vượt 200.000 người, trong đó Italy với 63.927 ca nhiễm và Tây Ban Nha với 39.673 ca đã chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm tại khu vực này.

Với 200.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 10.732 ca tử vong, châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xếp thứ hai là châu Á với 98.748 ca nhiễm và 3.570 ca tử vong.

Một số bang của Đức có kế hoạch giúp điều trị các bệnh nhân nặng nhiễm bệnh từ Pháp, Italy.

* Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Tính đến nay, Trung Quốc, Italy, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Iran, Pháp, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Anh là 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới.

1. TRUNG QUỐC: Trong những ngày qua, Trung Quốc đại lục liên tục không ghi nhận thêm ca trong nước nào mắc COVID-19, chỉ có ca mới đến từ bên ngoài. Thành phố Vũ Hán cũng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào kể từ ngày 18/3.

Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 81.171 người và 3.277 ca tử vong.

Tuy vậy, Trung Quốc không thể lơ là trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do vẫn còn nguy cơ lây nhiễm. Đây là tuyên bố được người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc Mễ Phong đưa ra trong cuộc họp báo ngày 24/3.

Trong khi đó, danh sách các ca mắc COVID-19 của Trung Quốc không bao gồm những trường hợp không biểu hiện triệu chứng hoặc trong thời gian ủ bệnh, điều này làm dấy lên quan ngại trên các trang mạng xã hội về nguy cơ những người mang mầm bệnh có thể tạo ra đợt bùng phát dịch mới một khi lệnh hạn chế đi lại được nới lỏng.

Cùng ngày, giới chức tỉnh Hồ Bắc thông báo tỉnh miền Trung này sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại sau hai tháng bị phong tỏa do dịch COVID-19. Theo đó, những người dân khỏe mạnh, có giấy chứng nhận sức khỏe, không tiếp xúc với bất kỳ ca bệnh hoặc trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh nào, sẽ được phép rời tỉnh từ nửa đêm 25/3, trong khi người dân thành phố Vũ Hán - nơi khởi phát dịch bệnh, sẽ được dỡ bỏ hạn chế từ ngày 8/4.

2. ITALY: Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 24/3, nước này ghi nhận thêm 5.249 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus tại nước này lên thành 69.176 trường hợp.

Đây là ngày thứ 3 Italy ghi nhận đà giảm số ca nhiễm mới trong ngày. Số ca tử vong tăng lên 6.820 trường hợp (tăng 743 ca). Số ca hồi phục tăng lên 8.326 ca (tăng 894 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 21.937 ca nhập viện, 3.396 ca phải điều trị tích cực và 28.697 ca cách ly tại nơi ở.

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho rằng, tại Italy “đang xuất hiện tia hy vọng”. Trong hai ngày qua, Italy đã ghi nhận đà giảm của số lượng ca nhiễm mới và số ca tử vong, song các số liệu này vẫn còn rất cao và còn quá sớm để đưa ra những đánh giá lạc quan.

Tại Italy, những người bị phát hiện rời khỏi nhà mà không có lý do chính đáng sẽ chịu phạt từ 400-3.000 euro (430-3.227 USD) so với mức cũ là 206 euro. Mọi doanh nghiệp không cần thiết đều được lệnh đóng cửa cho tới ngày 3/4, người dân được yêu cầu ở nhà.

3. MỸ: Hiện Mỹ đang trở thành "điểm nóng" thứ 3 về dịch bệnh với thêm 132 ca tử vong.

Tính đến tối 24/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 46.168 trường hợp mắc COVID-19 và 582 trường hợp tử vong. Thành phố New York có số ca tử vong nhiều nhất nước Mỹ.

Trả lời phỏng vấn Fox News, Tổng thống Trump cho biết đã tìm cách để nới lỏng các khuyến cáo người lao động nên ở nhà và đóng cửa trường học khi cảnh báo rằng những biện pháp trên sẽ dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ trên diện rộng và phá hủy đất nước. Ông khẳng định mong muốn các doanh nghiệp Mỹ sẽ mở cửa trở lại vào dịp Lễ Phục sinh (12/4).

Ngày 24/3, chính quyền Tổng thống Mỹ kêu gọi những người đã từng ở New York tự cách ly 14 ngày nhằm hạn chế khả năng lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng virus mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Cùng ngày, các nhà lập pháp đảng Dân chủ và Cộng hòa cho biết họ gần đạt được thỏa thuận về dự luật hỗ trợ và kích kích nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD, mở đường cho việc Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật nhằm hạn chế sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ do dịch COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng cho biết các nhà lập pháp hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong vòng 2-3 giờ tới, đồng thời xác nhận có sự thay đổi đối với khoản tiền hỗ trợ ngành công nghiệp với sự giám sát tốt hơn.

Theo đó, cùng với khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp, dự luật này sẽ dành 500 tỷ USD hỗ trợ trực mỗi gia đình người dân Mỹ khoản tiền lên tới 3.000 USD, 350 tỷ USD cho các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD cho hỗ trợ thất nghiệp mở rộng và ít nhất 75 tỷ USD cho các bệnh viện.

4. TÂY BAN NHA: Tại Tây Ban Nha trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 514 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.696 người, tăng 23,5% so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới tăng gần 20% lên 39.673 trường hợp.

5. ĐỨC: Tính đến 21 giờ ngày 24/4 (theo giờ Đức), trên toàn nước Đức đã ghi nhận gần 34.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 với 144 ca tử vong và 837 người được chữa khỏi. Riêng thủ đô Berlin có 1.425 trường hợp nhiễm bệnh và 3 ca tử vong.

Truyền thông Đức ngày 24/3 đưa tin chính quyền bang Nordrhein-Westfalen và bang Bayern đang lên kế hoạch tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng nhiễm chủng mới của virus corona SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19  từ Italy.

Trước đó hôm 23/3, Thủ hiến bang Sachsen Michael Kretschmer cho biết bang này sẽ tiếp nhận và chữa trị cho các bệnh nhân theo đề nghị của Chính phủ Italy. Được biết, không quân Italy đã đưa một nhóm bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tới Đức vào lúc 1 giờ sáng 23/3 (theo giờ địa phương) và được các xe cứu thương đưa đến các bệnh viện ở bang Sachsen.

Trong khi đó, một số bang ở Đức gồm bang Saarland, bang Rheinland-Pfalz và bang Baden-Württemberg cũng đề nghị giúp điều trị các bệnh nhân nặng nhiễm bệnh từ nước láng giềng Pháp.

6. IRAN: Iran là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19, với hơn 1.800 người chết và 23.049 người nhiễm bệnh. Theo Bộ Y tế Iran, trung bình cứ 10 phút có 1 người thiệt mạng vì COVID-19 tại nước này.

Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) sẽ gửi 20 triệu Euro viện trợ nhân đạo cho Iran để giúp chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

7. PHÁP: Ngày 24/3, giới chức Pháp đã ghi nhận thêm 240 ca tử vong do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 1.100 người, điều này khiến Pháp trở thành quốc gia thứ 5 có hơn 1.000 trường hợp tử vong vì dịch bệnh sau Trung Quốc, Italy, Iran và Tây Ban Nha.

Phát biểu họp báo, Giám đốc Cơ quan Y tế Pháp Jerome Salomon cho biết, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Pháp đã tăng lên 22.300 người, tăng 12% trong vòng 24 giờ qua. Theo ông Salomon, 2.516 người hiện đang trong tình trạng nguy kịch, tăng 21% so với ngày 23/3.

8. HÀN QUỐC: Số liệu của Cơ quan quản lý và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố sáng 24/3 cho biết trong ngày 23/3 Hàn Quốc ghi nhận thêm 76 trường hợp nhiễm COVID-19, tăng nhẹ so với con số 64 ca ghi nhận một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 9.037 người. Số ca tử vong tăng 9 trường hợp lên 120 ca.

Chính phủ nước này bắt đầu áp dụng "thủ tục nhập cảnh đặc biệt" ngay tại sân bay đối với tất cả hành khách đến từ khu vực châu Âu từ 0h ngày 23/3. Theo đó, tất cả công dân Hàn Quốc và người nước ngoài nhập cảnh từ châu Âu sẽ phải điền vào bản khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt ngay tại sân bay.

Ngày 24/3, Hàn Quốc công bố gói cứu trợ khẩn cấp 42.000 tỷ won (34 tỷ USD) để giảm bớt tình trạng căng thẳng tín dụng và ổn định thị trường tài chính do tác động xấu của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Gói cứu trợ trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh đến các công ty Hàn Quốc cũng như thị trường tài chính nước này. Theo Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC), hàng chục công ty tài chính Hàn Quốc sẽ cùng thành lập quỹ bình ổn thị trường trái phiếu trị giá 20.000 tỷ won theo gói cứu trợ trên.

Thị trường trái phiếu Hàn Quốc chịu tổn thất nặng nề cho dù các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, cắt giảm mạnh lãi suất để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 tới nền kinh tế.

9. THỤY SỸ: Theo Ban thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ, đã có 21.000 công ty xin giảm giờ làm việc trong tháng 3/2020 khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 buộc phải đóng cửa nhiều doanh nghiệp.

Các hồ sơ tham gia vào chương trình Kurzarbeit của chính phủ (trợ cấp cho những người mất thu nhập do dịch COVID-19) bao gồm 315.000 nhân viên, tương đương với 6,1% lực lượng lao động, vượt xa so với nhu cầu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Dịch bệnh đã buộc phải đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng và thậm chí các trung tâm thể thao cho đến ngày 19/4. Chính phủ Thụy Sĩ đã công bố các biện pháp trị giá hơn 40 tỷ CHF để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo Thụy Sĩ đang hướng tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm nay do tác động của dịch COVID-19. Tính đến trưa 23/3, Thụy Sĩ đã có tới 8.060 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và số người tử vong lên tới 66.

10. ANH: Ngày 24/3, Anh ghi nhận thêm 87 ca tử vong sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 422 người.

Tính tới ngày 24/3, Anh ghi nhận 8.077 ca mắc COVID-19, tăng hơn 1.400 ca so với mức 6.650 ca trong ngày 23/3.

Theo mô hình tính toán của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể đã xâm nhập nhiều người tại Anh hơn so với các ước tính trước đó, thậm chí có thể hơn một nửa dân số Anh đã nhiễm loại virus nguy hiểm này.

Không nằm trong 10 nước nói trên song các nhà khoa học mới đây cảnh báo Indonesia có thể ghi nhận 71.000 ca mắc COVID-19 vào cuối tháng 4 nếu chính quyền không thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh.

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng một tuần qua, từ mức 172 trường hợp hôm 17/3 lên 686 trường hợp trong ngày 24/3, trong đó có 55 ca tử vong. Đại dịch cũng đã lan đến ít nhất 22 trong số 34 tỉnh thành của quốc gia này.

Ngày 24/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi  thông báo sẽ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày tính từ đêm 24/3. Theo mạng The Hindu, tính đến tối 24/3, Ấn Độ đã ghi nhận 561 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 11 người tử vong.

Ngày 24/3, LàoMyanmar đã công bố những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Như vậy, tất cả các nước châu Á đều đã có bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Tại Nhật Bản, sự kiện được chờ đợi nhất trong năm là Thế vận hội Tokyo 2020 (Olympic Tokyo 2020) đã phải hủy bỏ vì dịch COVID-19. Ngày 24/3, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 và Nhật Bản đã nhất trí hoãn tổ chức sự kiện thể thao được cả thế giới mong đợi này sang năm 2021.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết tính đến hết ngày 24/3 theo giờ địa phương, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.193 người, chưa kể 710 ca mắc trên tàu Diamond Princess được cách ly tại cảng Yokohama. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận 52 ca tử vong do COVID-19, bao gồm các trường hợp trên tàu du lịch này.

Trong khi đó tại Nga, cho đến cuối ngày 24/3, Nga đã ghi nhận 495 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 22 người đã khỏi bệnh và chưa có trường hợp nào tử vong do COVID-19.

Bên cạnh đó, hiện 85 người Nga đang có mặt trên tàu Costa Victoria, con tàu chở khoảng 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn; trong số đó, một du khách người Argentina được chẩn đoán nhiễm SARS-COV-2 và đã được đưa vào bệnh viện trên đảo Crete (đảo lớn nhất và đông dân nhất của Hy Lạp) hôm 22/3.

* Cập nhật mới nhất diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam (nguồn: Bộ Y tế)

- Tử vong: 0

 - Số trường hợp mắc: 134

Trong số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam hiện nay có 31 người bị lấy nhiễm từ nguồn trong nước; 103 người đến/trở về Việt Nam từ nước ngoài (46 người đến/trở về Việt Nam từ Anh, 15 người đến/trở về Việt Nam từ Pháp, 8 người đến/trở về Việt Nam từ Malaysia, 5 người đến/trở về Việt Nam từ Tây Ban Nha, 4 người đến/trở về Việt Nam từ Mỹ, 4 người đến/trở về từ Thái Lan, số còn lại từ những nước khác).

 - Tổng số ca bình phục là 17:

 + 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

+ 01 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 20/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2)

>>> CẬP NHẬT TIN TỨC MỚI NHẤT DỊCH COVID-19 TẠI ĐÂY

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục