Điện mùa khô 2017 - Bài 2: Chủ động phòng ngừa sự cố

09:26' - 01/05/2017
BNEWS 80% khối lượng đường dây của Đội Truyền tải Điện Tuy Hòa (Truyền tải Điện Phú Yên) bị nhiễm mặn, thường xuyên bị phóng điện trên sứ, gây sự cố khiến đơn vị phải đăng ký lịch cắt điện để sửa chữa.
Công nhân Truyền tải điện Tam Kỳ xử lý tiếp địa đường dây 500kV mạch 2 Đà Nẵng-Dốc Sỏi. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đội Truyền tải Điện Tuy Hòa (Truyền tải Điện Phú Yên) quản lý 41,5 km đường dây 220 kV Tuy Hòa-Nha Trang, từ vị trí 1 đến vị trí 128.

Trong đó, 70% khối lượng đi qua vùng rừng núi, phần đi qua ven biển thì cũng có tới 80% khối lượng đường dây bị nhiễm mặn, thường xuyên bị phóng điện trên sứ, gây sự cố nên hàng quý đơn vị đều phải đăng ký lịch cắt điện để xin sửa chữa.

Anh Hoàng Văn Đức, Đội trưởng chia sẻ: “Nhờ duy trì công tác phát quang hành lang tuyến vào mùa khô, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là cao điểm của mùa khô, đơn vị phải phát dọn thực bì thường xuyên, do vậy từ khi đưa đường dây vào vận hành từ năm 2008 đến nay chưa xảy ra sự cố cháy trong hành lang tuyến.”

Năm nay, Truyền tải Điện Tuy Hòa có kế hoạch phát quang, phòng chống cháy rừng và cháy mía của 112 khoảng cột thuộc 3 đường dây 220 kV là Quy Nhơn-Tuy Hòa; Tuy Hòa-Nha Trang và Nhà máy Hạ Sông Ba đến Trạm biến áp 220 kV Tuy Hòa.

Bữa cơm trưa giữa rừng của công nhân Đội Truyền tải điện Tuy Hòa. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đến vị trí 26, cách đường Quốc lộ hơn 2km trên chiếc xe xử lý sự cố lưới điện Quốc gia, công nhân bậc 4/7 Đặng Tất Hân cho biết, mỗi lần các anh đi phát quang hành lang tuyến, mỗi người phải mang vác hơn 10 kg thiết bị gồm cưa máy, máy cắt cỏ, dao quắm và cơm nước để ăn trưa luôn trên tuyến. 

“Vị trí này còn dễ đi chứ các vị trí khác như từ dưới chân Đèo Cả lên đỉnh phải đi bộ mất hàng giờ, còn nếu đi xuyên qua Đèo Cả thì phải mất cả ngày,” anh Hân nói.

Công việc của “lính truyền tải” nhọc nhằn là vậy, luôn phải đối mặt với nguy cơ ong đốt, rắn độc cắn nhưng họ vui và hòa đồng lắm. Nhìn các anh ăn trưa ngon lành ngay dưới chân cột sau nửa ngày làm việc mới thấu hiểu những vất vả của nghề.

Theo Giám đốc Truyền tải Điện Phú Yên Nguyễn Duy Ngọ: “Để hun lửa giữ nghề, chúng tôi phải thường xuyên quán triệt CBCNV về trách nhiệm và nghĩa vụ của người công nhân truyền tải khi thực hiện nghiêm túc quy trình quản lý vận hành lưới điện. Đặc biệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trong công tác của mỗi cán bộ công nhân”.

“Không chỉ kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm, sai sót, thiếu trách nhiệm trong quản lý vận hành mà chúng tôi còn kịp thời động viên, khuyến khích các cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc xét thưởng hàng tháng. Đó là cái gốc khiến anh em công nhân gắn bó có trách nhiệm với nghề nhọc nhằn này”, anh Ngọ chia sẻ.

Nhờ thực hiện tốt công tác thống kê, theo dõi sự cố, xác định các cung đoạn có sự cố lặp lại để tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp khắc phục triệt để. Đặc biệt, sau mỗi sự cố, đơn vị phải tìm được nguyên nhân, đề ra các biện pháp khắc phục, nghiêm khắc rút kinh nghiệm và xem xét quy trách nhiệm các cá nhân liên quan. 

Khu vực tỉnh Phú Yên nguy cơ cháy xảy ra thường trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 6 sang năm, thời tiết khô hạn, nắng gắt kéo dài cùng thời điểm người dân thu hoạch mía. Vì vậy, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền cho bà con không đốt rừng, rẫy, lá mía trong khu vực hành lang an toàn lưới điện.

Đồng thời tăng tần suất kiểm tra (2 lần/tuần) từ tháng 12 đến tháng 3. Thời điểm cao điểm thu hoạch (tháng 4-5), đơn vị cử công nhân túc trực thường xuyên, tuần tra canh gác cho đến khi thu hoạch xong.

Tại các thời điểm có nguy cơ cháy cao, thời tiết khô hạn, đơn vị còn huy động lực lượng và thuê nhân công ngoài giúp người dân di dời lá mía ra khỏi phạm vi hành lang tuyến; đồng thời cử công nhân giúp bà con thu gom lá mía trong hành lang để đốt có kiểm soát và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía cho bà con. 

Bên cạnh đó chuẩn bị các giải pháp giảm sự cố do sét đánh ở những vị trí có chỉ số tiếp địa cao, tăng cường cách điện của chuỗi sứ. Ở những vị trí gần biển, độ nhiễm mặn cao, thay thế sứ cách điện composite. Đơn vị cũng áp dụng phần mềm quản lý kỹ thuật mới, theo dõi sét trên biển. Tại các trạm biến áp lắp đặt thiết bị theo dõi điện áp.

Ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, Bình Định, hộ ông Nguyễn Văn Tân có hơn 1.000 cây sao đen và cây keo lá tràm bị ảnh hưởng khi xây dựng đường dây 220 kV An Khê-Quy Nhơn; trong đó có 150 cây sao đen, loại cây làm nguyên liệu gỗ đã được 2 năm tuổi nằm ngay trong hành lang đường dây, sẽ ảnh hưởng đến an toàn lưới điện khi cây sẽ phát triển cao đến 15-20m.

Anh Tân phấn khởi cho biết: “Được Truyền tải Điện Bình Định cử lực lượng đến giúp dân di chuyển khối lượng cây trên ra khỏi vị trí hành lang để đảm bảo lưới điện vận hành ổn định và lâu dài, đây là điều mà người dân chúng tôi nên làm”.

Phát quang hành lang tuyến. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Giám đốc Truyền tải Điện Bình Định, ông Đặng Đình Phụng cho biết, để hạn chế các sự cố do cây vi phạm hành lang an toàn và cháy rừng xảy ra trên địa bàn quản lý, đơn vị đã tập trung toàn bộ nhân lực triển khai phát quang, đốt chống cháy có kiểm soát tại những khoảng cột có lau sậy, cỏ tranh, tre/le trên các tuyến đường dây, đảm bảo không để xảy ra sự cố do cháy. 

Cùng với đó, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát thường xuyên các khu vực, vị trí có nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện như đốt rừng làm nương rẫy, thả diều, bạt phơi… trong phạm vi quản lý để tuyên truyền và có giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế nhằm ngăn ngừa sự cố.

“Chúng tôi cũng bố trí lực lượng thường xuyên ứng trực, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường dây, đặc biệt các đoạn đường dây đi qua vùng rừng trồng tập trung diện tích lớn.

Hay duy trì kiểm tra, kiểm soát dọc tuyến các cung đoạn đường dây trọng điểm nằm gần Quốc lộ, khu công nghiệp, khu đông dân cư nhằm sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm hành lang, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn”, ông Phụng cho biết.

Để chủ động phòng chống cháy rừng và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trong mùa khô năm nay, ngay từ đầu năm, Công ty Truyền tải điện 2 đã tổng kiểm tra, rà soát các tuyến đường dây quản lý, đặc biệt khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, các khu vực có nhiều cây cỏ khô, thực bì, khu vực mà người dân có tập quán đốt rẫy canh tác. 

Đồng thời phân vùng, tổng hợp các khoảng cột, các khu vực trên tuyến đường dây theo cấp độ nguy cơ có thể xảy ra cháy cao để có các biện pháp phòng ngừa thích hợp và ngăn chặn kịp thời các trường hợp phát nương, đốt rẫy, đốt thực bì, cháy lây lan, tro bụi bay... gần tuyến đường dây.

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty cho biết, Công ty thường xuyên kiểm tra các tuyến đường dây trên địa bàn đơn vị quản lý nhằm phát hiện kịp thời những khu vực người dân phát nương, đốt rẫy, khai thác cây rừng trồng, đốt thực bì gần đường dây. 

Cùng với đó, tập trung phát dọn  hành lang tuyến, xử lý cây cối, thực bì tại các khu vực khi cháy có thể góp tụ lửa gây phóng điện. Từ đó, giải phóng cây cối, lau lách ra khỏi hành lang tuyến sau khi đã phát dọn để tạo vành đai chống cháy lan từ ngoài hành lang tuyến vào. 

Các Đội đường dây bố trí công nhân quản lý đoạn tuyến theo dõi, nhắc nhở, hướng dẫn người dân, đốt rẫy, thu dọn thực bì không để gần khu vực hành lang tuyến đường dây. Mặt khác, thường xuyên kiểm tra tại các khu vực có nguy cơ cháy gây ảnh hưởng đến đường dây. 

Các Đội đường dây còn Lập bảng danh sách các chủ rừng, có số điện thoại kèm theo, chủ động liên hệ với các chủ rừng, chủ rẫy để nắm được thời gian đốt thực bì và yêu cầu thông báo cho đơn vị quản lý vận hành thời gian người dân đốt thực bì nhằm chủ động phối hợp xử lý.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn đơn vị thi công đường bộ giao chéo với đường dây để nắm được khoảng cách an toàn khi thi công dưới, sát đường dây truyền tải điện. Hàng tháng các Đội quản lý đường dây còn kết hợp với công tác sửa chữa thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ tuyến đường dây 500 kV. 

Đến thời điểm này, các Truyền tải điện trực thuộc trong Công ty Truyền tải điện 2 đã hoàn thành xử lý tất cả các khoảng cột và hành lang các tuyến đường dây có nguy cơ cháy, ảnh hưởng đến quá trình vận hành lưới điện truyền tải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục