Điều chỉnh tín dụng phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế

14:02' - 08/05/2019
BNEWS Ngày 8/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019 với chủ đề "Để ngân hàng Việt vươn xa" .
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; trong đó, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN
* Khó giảm lãi suất

Nhìn lại bức tranh ngành ngân hàng năm 2018, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điểm sáng là ổn định vĩ mô kiềm chế lạm phát; thứ hai lãi suất, tỷ giá ổn định trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỷ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước.

Theo ông Võ Trí Thành, từ năm 2012 tới nay, Ngân hàng Nhà nước có 3 nhiệm vụ cơ bản là chính sách tiền tệ ổn định thúc đẩy tăng trưởng; xử lý nợ xấu; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo thông lệ tốt nhất, song vẫn còn khó khăn là lành mạnh hoá ngân hàng và đáp ứng thông lệ tốt nhất.

Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh 3 nhiệm vụ này sẽ tiếp tục là thách thức lớn với Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, đặc biệt, cần phải nhìn nhận vấn đề lãi suất khó có thể giảm thêm.

Theo ông Võ Trí Thành, ngành ngân hàng cần chuẩn bị cho một tương lai trung hạn không quá dài và phải chuyển sang bằng được điều hành lạm phát theo mục tiêu. Khi đó, sự phát triển hệ thống tài chính mới là quản theo giá, từ đó có cơ sở để điều hành lãi suất tốt hơn.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hiện vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do vậy, về dài hạn, cần phải nâng cao vai trò của thị trường vốn.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bước sang năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng ở mức hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.

* Nợ xấu nội bảng giảm xuống dưới 2%

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, kết quả xử lý nợ xấu từ khi thực hiện theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tính đến 31/1, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 204.400 tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40% tổng nợ xấu được xác định (riêng năm 2018 xử lý được 113.400 tỷ đồng).

Theo ông Bùi Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát an toàn hệ thống ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng được nâng cao, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng, năng lực tài chính được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Điều này đã giúp cho “tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống dưới 2% cuối năm 2018”, ông Bùi Văn Hải nói.

Ông Bùi Văn Hải cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo đúng quy định về sở hữu cổ phần, hiện các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục được một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo.

Chia sẻ thêm, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)  cho biết, Vietcombank đã xử lý được khối lượng lớn nợ tồn đọng, bao gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý và trích lập đầy đủ, mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), đưa nợ xấu về một con số sớm trước 3 năm so với đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, hết tháng 3/2019, Vietcombank tự xử lý được 22.800 tỷ đồng nợ xấu, đạt 76% kế hoạch; trong đó, thu hồi được 8.863 tỷ đồng nợ ngoại bảng đạt 118% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2018), đạt 71% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2020).

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý và xử lý nợ có vấn đề; kiện toàn bộ máy nhân sự tham gia xử lý nợ và thống nhất phương thức quản lý và xử lý nợ xấu trong hệ thống kiên quyết không cạnh tranh cho vay bằng cách hạ chuẩn tín dụng.

Để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, ông Bùi Văn Hải cho biết, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, bộ, ngành chủ quản hỗ trợ, chỉ đạo về định hướng cơ cấu lại từ các Tập đoàn/ Tổng công ty Nhà nước đối với phương án cơ cấu của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém có chủ sở hữu/ cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng công ty Nhà nước.

Ngoài ra, theo ông Bùi Văn Hải, Bộ Tài chính cần sớm triển khai giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.

UBND tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tới các cấp chính quyền cơ sở (phường, xã) để hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết 42./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục