Điều gì giúp thị trường bất động sản biến tiềm năng thành cơ hội trong năm 2022?

16:40' - 12/01/2022
BNEWS Nhiều năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển nhưng hệ thống quản lý, khai thác thông tin chưa tương ứng, nhất là việc áp dụng công nghệ 4.0 nên chưa phát huy được hiệu quả.

Ngày 12/1, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức lễ ra mắt hệ thống thông tin điện tử và nhận định thị trường bất động sản 2022 với chủ đề xu hướng và thách thức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường đất động sản (Bộ Xây dựng), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia tài chính, kinh tế cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Chủ tịch VARS cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển qua nhiều năm nhưng hệ thống quản lý, khai thác thông tin trên thị trường bất động sản thì chưa tương ứng. Việc áp dụng công nghệ 4.0 và áp dụng đối với các thành phần tham gia thị trường chưa phát huy được hiệu quả.

Trong bối cảnh thông tin đa chiều, trong đó có cả thông tin gây nhiễu loạn thị trường, VARS đã nỗ lực nghiên cứu thông tin để phát hành hàng quý. Các ấn phẩm này nhằm phụ vụ cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ, khách quan cho thị trường. Tuy nhiên, chưa tối ưu vì chưa khai thác triệt để công nghệ trong nghiên cứu, cung cấp thông tin.

Bởi vậy, sau khi nghiên cứu, xây dựng, VARS chính thức ra mắt hệ thống thông tin điện tử về thị trường bất động sản trên trang điện tử tại địa chỉ http://vnrea.vn như 1 bước khởi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ hội viên, thành viên của thị trường tốt hơn; góp phần nâng cao chất lượng của của thông tin và tính minh bạch của thị trường bất động sản trong thời gian tới – ông Đính khẳng định.

Theo đó, hệ thống thông tin bao gồm việc cập nhật thông tin, xu hướng, diễn biến, chính sách tác động và giao dịch nổi bật trên thị trường bất động sản. Đây cũng là cơ sở dữ liệu cho phép tra cứu thông tin, đánh giá tình trạng pháp lý các dự án, năng lực của các sàn giao dịch, nhà môi giới đang hoạt động trên thị trường. Ông Đính cho rằng, đây cũng chính là những điểm đang thiếu mà các nhà đầu tư cần kiểm chứng.

Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp thông tin về bất động sản các địa phương, đánh giá giao dịch... được cập nhật theo tháng, quý và năm; đồng thời có tổng kết diễn biến và dự báo về xu hướng thị trường giai đoạn tiếp theo; cung cấp các dịch vụ phục vụ hội viên về dữ liệu của dự án, sản phẩm bất động sản, đào tạo, truyền thông...  Sản phẩm ra mắt đầu tiên trên hệ thống thông tin của VARS chính là báo cáo thông tin về thị trường năm 2021 và nhận định xu hướng, thách thức của năm 2022.

Nhận định về thị trường, ông Đính cho biết, liên tiếp thị trường bất động sản Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng trong thời gian tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững. Với dự báo sẽ duy trì tăng trưởng hơn 6% trong những năm tới, Việt Nam đang là 1 trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh... so với nhiều nước trong khu vực . Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh tranh giúp bất động sản Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định, vượt qua lực cản dịch bệnh.

“Tăng trưởng kinh tế sẽ biến nhu cầu thành thực cầu, tiềm năng thành cơ hội. Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, thực cầu và cơ hội tại Việt Nam rất hấp dẫn, trải đều trong các phân khúc từ nhà ở, văn phòng, bán lẻ, kho vận, khách sản, du lịch... Khi thị trường bất động sản phát triển, tính minh bạch sẽ là đòi hỏi tất yếu” – ông Đính cho hay.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, hệ thống thông tin dữ liệu nói chung của nền kinh tế và bất động sản thời gian qua còn nhiều bất cập. Việc ra mắt hệ thống thông tin của VARS là hiệu ứng tích cực nhằm thích ứng nhu cầu của người sử dụng.

Nhận định về triển vọng của thị trường bất động sản và xây dựng thời gian tới, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế phục hồi nhanh nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hội, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Cùng đó, Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2023 cũng đang dần hoàn thiện. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược với việc đầu tư công được thúc đẩy mạnh. Đây  là những yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, các “nút thắt” về pháp lý cũng đang dần được tháo gỡ như: Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Nghị định 30/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014; hay “1 luật sửa 8 luật” - dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự vừa được thông qua; Luật Đất đai, Luật Nhà ở cũng dự kiến cũng được sửa đổi năm 2022; Ban hành các Nghị định sửa đổi về khu công nghiệp...

Dự báo thị trường bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó chủ tịch VARS cho rằng, những yếu tố lợi thế của bất động sản Việt Nam vẫn giữ nguyên trong dài hạn. Việt Nam đang là điểm đến hứa hẹn khi các thị trường xung quanh nóng lên. Cùng đó, thị trường bất động sản cũng tận dụng được lợi thế từ các gói kích thích cũng như chính sách tín dụng có điều chỉnh. Bởi vậy, năm, 2022 tiếp tục là năm củng cố về thể chế; tập trung vào các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong một giai đoạn dài, vấn đề thông tin ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đây vẫn là nội dung cần tiếp tục thực hiện nâng cấp, hoàn thiện để có 1 hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu.

Điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thông tin cơ bản về thị trường, về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, có định hướng sát thực tế trong việc hoạch định chính sách, tham mưu ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Theo ông Khởi, bất động sản luôn luôn có độ trễ và năm 2022 sẽ là thời điểm thực hiện độ trễ đó. Một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị của năm 2020, 2021 chưa thực hiện được nhưng năm 2022 sẽ có hiệu lực và được thụ hưởng. Đó là các vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý vì hệ thống pháp luật liên quan hiện đã dần hoàn thiện nên không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp  luật về đầu tư.

Đơn cử như Luật Đầu tư đã sửa, hay các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng đã sửa. Do đó, năm 2022, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hiệu lực của các chính sách tác động đến nguồn cung trên thị trường.

Đáng chú ý, Quốc hội cũng đã thông qua chính sách tài khóa; trong đó có việc dành 65 nghìn tỷ đồng cho chính sách phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ dành 15 nghìn tỷ đồng thực hiện phát triển nhà ở xã hội, còn lại 40 nghìn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở với lãi suất 2% nhằm tăng nguồn cung cho nhà ở xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục