Doanh nghiệp chống dịch, khôi phục sản xuất

15:57' - 08/06/2021
BNEWS Nhận thức được việc nếu không kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ gặp khủng hoảng và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chủ động và quyết liệt thực hiện các giải pháp chống dịch

Dịch bệnh COVID-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt tại các khu công nghiệp với số lao động lên đến hàng chục nghìn người. Nhận thức được việc nếu không kiểm soát dịch bệnh tốt tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, sẽ gặp khủng hoảng và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chủ động và quyết liệt thực hiện các giải pháp chống dịch.

Đây cũng là nội dung được các doanh nghiệp thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Dệt may là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, hoạt động trong các khu công nghiệp. Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, tại Tp. Hồ Chí Minh, chỉ trong 1 tuần, nhiều công ty, khu công nghiệp đã xuất hiện ca COVID-19 như Cụm công nghiệp Phong Phú, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Khu công nghiệp Tân Bình…

Để phòng chống dịch, công ty đã quyết liệt điều chỉnh giờ làm viêc trong thời gian cao điểm lây lan dịch với hơn 5.000 lao động, chia làm 2 ca sản xuất riêng biệt, ca sáng từ 5 giờ đến 13 giờ và ca chiều từ 14 giờ đến 22 giờ, giãn cách mật độ công nhân trong xưởng. Ngay cả nhà để xe, cổng ra vào của công nhân từng ca cũng được phân chia hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa 2 ca.

Đã từ rất lâu, công nhân may đã không còn sản xuất theo ca như những năm thập niên 90 nên việc này cũng gây không ít khó khăn cho quản lý và sản xuất tại công ty. Thời gian này, ngoài viêc kiểm soát chặt thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, sử dụng bàn ăn cách ly để ngồi ăn giữa ca, khai báo y tế hàng ngày…, Công ty TCM cũng đã tạm ngưng hoạt động các thang máy và máy lạnh văn phòng trong toàn công ty, mở cửa sổ thông thoáng, sử dụng quạt. Lau sàn định kỳ 2 lần trong tuần bằng dung dịch cloraminB.

Ông Trần Như Tùng, đại diện TCM cho hay, nhằm giảm tải lượng công nhân tập trung ra vào cổng chính, đồng thời hạn chế rủi ro cho ngành nhuộm - với gần 500 cán bộ công nhân viên và cho cả công ty nếu có phát sinh ca nhiễm COVID-19, công ty áp dụng phương án cách ly ngành nhuộm theo chủ trương đây là 1 nhà máy độc lập, thiết lập rào chắn và cổng bảo vệ giữa ngành nhuộm và công ty. Nếu có ca nhiễm tại ngành nhuộm thì cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị khác như dệt, may, khối văn phòng và ngược lại.

Tương tự như Thành Công, Công ty May 10 ngay từ khi dịch bùng phát trở lại, ban lãnh đạo công ty thường xuyên họp trực tuyến với các đơn vị, triệt để thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch, nâng báo động lên mức cao nhất về tình hình lây lan, người lao động tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 7K trong doanh nghiệp và trong cộng đồng.

Tại May 10, toàn bộ các hoạt động phòng chống dịch được kích hoạt, như: người lao động và khách đến làm việc đi qua buồng khử khuẩn, đeo khẩu trang và đo thân nhiệt hàng ngày; khuyến cáo mọi người thường xuyên rửa tay bằng gel kháng khuẩn; bố trí bàn ăn cơm ca có vách ngăn; tăng cường công tác chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát chặt chẽ công tác giao nhận lương thực, thực phẩm cho các bếp ăn.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 cho hay, các đợt dịch trước đã tạo cho các đơn vị tính thích ứng cao, luôn luôn cảnh giác, người lao động được rèn thói quen ứng phó, phòng dịch. Do đó, khi có đợt dịch thứ 4 này, mọi việc được triển khai nhanh chóng, nghiêm ngặt và hiệu quả hơn.

Theo chia sẻ của ông Đặng Vũ Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), chủng virus từ Ấn Độ và Anh có đặc điểm lây lan quá nhanh khiến cho từ đầu đợt dịch đến nay đã có hơn 4.000 người mắc bệnh; trong đó có nhiều lao động trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Do đó, tại các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex nghiêm túc thực hiện 5K. Với các nhà máy sợi – dệt – may có lực lượng lao động đông đảo từ hàng trăm đến vài nghìn người, thì vẫn phải đảm bảo công nhân bám nhà máy sản xuất, đặc biệt trong thời gian cao điểm cần hoàn thành các đơn hàng đúng hạn.

“Ngoài giải pháp 5K, các đơn vị cũng cần lưu ý đến các nhà thầu phụ, không được phép để họ tiếp xúc trực tiếp với người lao động. Đối với các đơn vị may, cũng cần đảm bảo an toàn sản xuất, giãn cách theo hướng dẫn khi có bên đánh giá tiêu chuẩn nhà máy hoặc trách nhiệm xã hội, kiểm hóa tới làm việc. Cần để họ làm việc trong khu vực cách xa công nhân của đơn vị, đảm bảo công nhân không phải tiếp xúc với người lạ, không để mầm bệnh lọt vào khu vực nhà máy”, ông Hùng cho hay.

Không chỉ dệt may, lĩnh vực cơ khí cũng đang căng mình phòng chống dịch. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu Tầm Nhìn Việt cho hay, công ty luôn đặt việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 lên trên hết, kể cả vào các thời điểm khi dịch bệnh được kiểm soát. Tại xưởng sản xuất, công ty thường xuyên tiến hành phun khử khuẩn xung quanh nhà máy; thực hiện đo thân nhiệt cho 100% nhân viên, công nhân, người lao động; đặt nước sát khuẩn khô tại nhiều vị trí, đồng thời, yêu cầu 100% công nhân, người lao động thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn và đeo khẩu trang.

“Với đội ngũ lái xe chở hàng và nhân viên, người lao động thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, chúng tôi trang bị mũ có kính chắn và bố trí khu giao nhận hàng riêng nhằm bảo đảm an toàn chống dịch”, ông Vinh nói.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… nơi tập trung hàng trăm nghìn công nhân nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt của các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%) tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 5 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,1% và 21,2%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Để tập trung phòng, chống, dập dịch hiệu quả, Bộ Công Thương cho biết, đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 Ủy ban Nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện nghiêm phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K; chủ động có phương án sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho hay, từng cơ sở công nghiệp phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục