Doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế từ “Quy định xác định trước”

16:26' - 31/05/2017
BNEWS Quy định xác định trước về mã số đã được Tổng cục Hải quan Việt Nam ban hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa qua biên giới.
Doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế từ “Quy định xác định trước”.Ảnh minh họa: Hoàng Hùng - TTXVN

Quy định xác định trước về mã số, xuất xứ và trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được Tổng cục Hải quan Việt Nam ban hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa qua biên giới.

Tuy nhiên, đến nay phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt và tận dụng được những lợi ích mà quy định này mang lại.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị “Quy định xác định trước: Tình hình áp dụng tại Việt Nam và lợi ích cho doanh nghiệp” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức ngày 31/5.

Nhiều lợi ích thiết thực

Quy định xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, gọi tắt là “Quy định xác định trước” được ngành Hải quan Việt Nam áp dụng nhằm thực hiện các cam kết về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan theo cam kết khi tham gia Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người khai hải quan và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Quy định này cũng đã được đề cập trong Luật Hải quan (2014) và một số văn bản như Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính Quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Các chuyên gia nhận định “Quy định xác định trước” là một trong những chính sách hải quan tiến bộ nhất đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh thương mại quốc tế.

Ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý – Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu biết tận dụng “Quy định xác định trước” sẽ mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cụ thể, việc xác định trước trị giá hải quan giúp doanh nghiệp ước tính trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan; xác định trước mã số hàng hóa sẽ hạn chế phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và hải quan cửa khẩu.

Ngoài ra, việc thực hiện quy định xác định trước các thông số liên quan đến hàng hóa cũng làm minh bạch và thống nhất thủ tục hải quan trên toàn quốc, ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức hải quan.

Cùng quan điểm, ông Nestor Scherbey, chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) cho biết, việc áp dụng “Quy định xác định trước” không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, kịp thời nắm bắt được cơ hội kinh doanh trên thị trường mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tận dụng các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Theo đó, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khu vực kinh tế lớn trên thế giới mà hầu hết điều kiện ưu đãi thuế quan đều liên quan đến chứng minh xuất xứ hàng hóa.

Do đó, khi thực hiện “Quy định xác định trước” về nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp sẽ sớm được xem xét việc miễn thuế ngay từ khâu thông quan, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí.

Ngoài ra, “Quy định xác định trước” cũng giúp doanh nghiệp lường trước những rủi ro khi tiếp cận một số thị trường có yêu cầu khắt khe về quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và nguồn gốc hàng hóa; hạn chế các tình huống “thảm họa” như: bị trả hàng, tạm giữ hàng hay tệ hơn là tiêu hủy hàng hóa, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và uy tín…

Doanh nghiệp chưa tận dụng được

Mặc dù lợi ích từ việc áp dụng “Quy định xác định trước” đã rất rõ ràng, tuy nhiên theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến nay, cả nước mới có hơn 500 hồ sơ xác định trước mã số hàng hóa, 5 trường hợp xác định trước giá trị hải quan và chưa có hồ sơ nào xác định trước về xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Những con số này cho thấy, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt thông tin, quy trình xác định trước vào hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã đặt câu hỏi: Có bắt buộc phải áp dụng Quy định xác định trước đối với tất cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay không? Doanh nghiệp được lợi gì khi xác định trước về mã số và xuất xứ hàng hóa, các hiệp định thương mại tự do tác động thế nào đối với doanh nghiệp?...

Lý giải vì sao một quy định mang lại nhiều lợi ích như “Quy định xác định trước” nhưng chưa phát huy được tác dụng, ông Đặng Thái Thiện cho rằng, bên cạnh những doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin thì thực tế đã có một số doanh nghiệp xảy ra tranh cãi với cơ quan hải quan khi xin xác định trước các thông số hàng hóa.

Nguyên nhân là do thủ tục thông quan ở Việt Nam hiện nay bao gồm nhiều thủ tục của nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành khác nhau, trong đó, những quy định của ngành hải quan chỉ chiếm một phần nhỏ. Vướng mắc nhất và tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình thông quan hàng hóa là các quy định kiểm tra chuyên ngành.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng phản ánh nhiều bất cập trong việc áp mã số hàng hóa khi làm hồ sơ xác định trước. Đại diện Công ty tư vấn Xuất nhập khẩu Toàn Cầu cho biết, công ty nhập thiết bị lọc nước từ nước ngoài và sản phẩm đó chưa có trong danh mục mã số được công bố tại Việt Nam, khi làm thủ tục thông quan, cơ quan hải quan đã áp mã số của máy bơm nước, mặc dù đây là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau.

“Quy định xác định trước” là một trong những chính sách hải quan tiến bộ nhất đang được áp dụng. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng - TTXVN

Không đồng ý với cơ quan hải quan, công ty đã gửi hồ sơ đến một số đơn vị để xác định lại mã số cho sản phẩm này nhưng hơn 1 tháng vẫn chưa có câu trả lời.

Nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, thủ tục xin xác định trước hiện nay quá phức tạp như phải cung cấp vận đơn, hợp đồng mua bán, hóa đơn thanh toán… trong khi những chứng từ này chỉ có sau khi đã giao dịch, như vậy thủ tục “xác định trước” trở thành “xác định sau” và không còn ý nghĩa gì với doanh nghiệp.

Chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nestor Scherbey cho biết, thủ tục xin xác định trước về mã số, xuất xứ và định giá hải quan ở các nước khác trên thế giới khá đơn giản, chỉ bao gồm đơn đề nghị xác định trước, mẫu hàng hóa hoặc thông số kỹ thuật, vật liệu tạo ra sản phẩm.

Tại Mỹ, mặc dù yêu cầu về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhập khẩu rất khắt khe nhưng thủ tục xác định trước cũng rất đơn giản và được hoàn tất trong 30 ngày, có giá trị vô thời hạn (trừ trường hợp thay đổi thông số hàng hóa).

Theo ông Nestor Scherbey, để “Quy định xác định trước” đến được với nhiều doanh nghiệp và phát huy hiệu quả trong việc tạo thuân lợi thương mại, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết.

Đơn cử như việc thay thế các chứng nhận kiểm tra chuyên ngành bằng việc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro hay cấp thư xác nhận kèm theo điều kiện ràng buộc cho doanh nghiệp.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho rằng, bất cứ một quy định nào khi đưa vào áp dụng thực tế đều cần sự nỗ lực từ hai phía: cơ quan thực thi và đối tượng điều chỉnh.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành hải quan đã nỗ lực cải cách, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí thông quan.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tìm hiểu các quy định và quy trình để áp dụng đúng và phù hợp. Điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý giải quyết thủ tục nhanh chóng mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng được những ưu đãi chính đáng vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa thật sự quan tâm đúng mức cho việc tìm hiểu các chính sách, quy định liên quan tới thương mại hàng hóa.

Đây là thiếu sót và cũng là thiệt thòi cho chính doanh nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập và nhiều ngành hàng chủ yếu phục vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam phải ý thức việc nắm bắt thông tin và kỹ năng áp dụng các quy định mới có thể bắt nắm bắt cơ hội tham gia vào thị trường thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục