Doanh nghiệp có vai trò gì trong ứng phó với biến đổi khí hậu?

14:58' - 18/06/2019
BNEWS Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng to lớn, nặng nề của biến đổi khí hậu do bờ biển dài, nhiều khu vực có bình độ thấp.
Hội thảo ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 18/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.

Hội thảo nhằm cập nhật thông tin chung về chủ trương, chính sách của Nhà nước về biến đổi khí hậu; đồng thời, nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sự gắn kết giữa các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới.

Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng to lớn, nặng nề của biến đổi khí hậu do bờ biển dài, nhiều khu vực có bình độ thấp; trong đó, riêng đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.

Dự báo, nếu nước biển dâng thêm 1m thì khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 11% đồng bằng sông Hồng cùng 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Riêng Tp. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập 20% và khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp; tổn thất lên tới 10% GDP...

Theo ông Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ở Việt Nam, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5-0,7 độ, mực nước biển đã dâng thêm 20 cm và biến đổi khí hậu đã gây ra nạn lũ, lụt, hạn hán với hậu quả ngày càng nghiêm trọng. biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây đói nghèo, cản trở quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030...

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững; trong đó, tập trung vào mục đích thích ứng và giảm nhẹ thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Riêng trong giai đoạn ngắn hạn thì ưu tiên vào việc tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách về phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu cần được nghiên cứu, ban hành theo tiêu chí đồng bộ, kết hợp khoa học và thực tiễn, có tính gắn kết và liên vùng; phối hợp giữa mục tiêu kinh tế và xã hội...

Bên cạnh đó, thông qua ứng phó tổt với biến đổi khí hậu Chính phủ cần tìm ra môi trường, mô hình tăng trưởng phù hợp, hướng tới bảo đảm phát triển bền vững. Thực tế cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực nhận thức, thực thi chính sách, biện pháp trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu; trong đó doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ những tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần làm tốt việc nghiên cứu, đầu tư thỏa đáng cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, nhận thức về biến đổi khí hậu của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đồng đều gây ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Từ đó, cần huy động và tận dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như sự tự giác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất để đáp ứng yêu cầu chung; ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục