Doanh nghiệp còn dè dặt vay vốn giá rẻ

07:05' - 22/11/2016
BNEWS Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang lúng túng vì thiếu định hướng và hạn chế về năng lực khi phải thực sự bước chân vào cuộc đua hội nhập với thương mại toàn cầu.
Doanh nghiệp còn dè dặt vay vốn giá rẻ. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay từ 1% đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn.

Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhắm tới đối tượng cho vay là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dành cho một số lĩnh vực kinh tế được ưu tiên phát triển. 

Khi được hỏi về đánh giá của doanh nghiệp đối với chính sách hạ lãi suất cho vay để khuyến khích sản xuất, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch, Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương nhận định: “Lãi suất cho vay giảm là điều đáng mừng, nhất là đối với doanh nghiệp. Chính sách này sẽ là lực hút hấp dẫn doanh nghiệp tích cực hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Song cái chính là việc hạ lãi suất sẽ kéo dài bao lâu? Điều kiện để được hưởng chính sách này như thế nào và quan trọng hơn là lúc này các doanh nghiệp cũng khá dè dặt vay vốn. Họ phải tính toán kỹ hơn đến tính hiệu quả; vay vốn rẻ mà sản xuất và tiêu thụ khó thì cũng đành chịu !”. 

Từ thực tế của chính doanh nghiệp mình, ông Thanh cho rằng, cái khó của doanh nghiệp hiện nay là câu chuyện thị trường, là việc cạnh tranh trong tiêu thụ. Rất nhiều doanh nghiệp đang lúng túng vì thiếu định hướng và hạn chế về năng lực khi phải thực sự bước chân vào cuộc đua hội nhập với thương mại toàn cầu. Vì thế, nếu trước đây, vốn là tất cả mối quan tâm thì nay người ta chỉ xem là 1 trong vô vàn nỗi lo lắng. 

Hơn nữa, cũng như nhiều thành viên thuộc Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, ông Thanh cho biết, chưa hề nắm được các thông tin liên quan tới chính sách hạ lãi suất cho vay từ các ngân hàng thương mại. Phải chăng, chỉ khi doanh nghiệp cần thì phải tự xúc tiến tìm hiểu, chứ các ngân hàng cũng không mặn mà, quảng bá gì về chính sách này. 

Công ty cổ phần ôtô dịch vụ bất động sản Hoàng Anh cũng là một trong những đơn vị chuyên kinh doanh vận tải tại khu vực phía Nam. Với nhu cầu mở rộng và phát triển, doanh nghiệp cũng đã tìm nhiều cách để tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi lãi suất nhằm tăng năng lực tài chính và cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm để giành lợi thế cạnh tranh. Song thực tế, con đường tiếp cận vốn rẻ không dễ dàng và thuận lợi. 

Ông Nguyễn Trung Đoàn, Giám đốc, Công ty cổ phần ôtô dịch vụ bất động sản Hoàng Anh cho biết, quá vui mừng khi nghe thấy thông tin ngân hàng sẽ cho vay lãi suất thấp để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ mới biết, chính sách ấy chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất. Còn những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lại không thuộc đối tượng được hưởng lợi. 

"Vì ngành nào thì cũng đóng góp và có giá trị đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Thương mại dịch vụ cũng nắm vai trò quan trọng, kích thích đầu ra cho sản xuất. Đầu vào được tiếp vốn mà đầu ra lại không thông thì bài toán vốn rẻ liệu sẽ mang lại hiệu quả gì ?", ông Đoàn nhấn mạnh. 

Thực tế, chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2016, giai đoạn nước rút để các doanh nghiệp dồn sức hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc hạ lãi suất cho vay đối với những khoản vay ngắn hạn (có thời hạn dưới 1 năm) là chưa đủ với nhu cầu vốn của phần đông doanh nghiệp hiện nay. Đó là chưa kể, các ngân hàng cũng rất thận trọng và kiểm soát rất ngặt nghèo đối với những khoản vay theo diện này. 

Ông Lê Phương Lĩnh, Phó Chủ tịch, Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam (Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) xác nhận, thường thì những doanh nghiệp có tài sản thế chấp, họ có khả năng tự thương thảo với các ngân hàng thương mại về chuyện vay vốn.

Chỉ những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đặt nhiều hy vọng và trông đợi vào chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Các khoản vay lãi suất thấp cũng vẫn quy định phải có tài sản thế chấp.

Mà đây lại là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp quy mô nhỏ hiện nay. Cái họ cần là được tín chấp và nếu lãi suất thấp thì lại càng tốt. 

Gần đây, hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cũng được xới xáo lại ở một số nơi, một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa bàn tới việc hình thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chủ trương này đang được cộng đồng doanh nghiệp hồ hởi đón nhận và nhiệt tình ủng hộ. Nếu xây dựng được Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp thì đây sẽ là kênh dẫn vốn hiệu quả và đáp ứng thực chất nhất nguyện vọng và nhu cầu thiếu vốn của doanh nghiệp. Lãi suất thấp mà điều kiện vay khó thì cũng bằng không, ông Lĩnh nhấn mạnh./.

>>> BIDV ưu đãi doanh nghiệp Siêu nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn chỉ từ 6,5%/năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục