Doanh nghiệp ô tô gặp khó gì trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hoá?

20:44' - 03/11/2019
BNEWS Tỷ lệ nội địa hóa ô tô phụ thuộc khá nhiều vào quy mô sản lượng của thị trường và khả năng cung ứng của mạng lưới các nhà cung cấp phụ trợ.
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam

Bên thềm Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019, phóng viên Ban Biên tập tin Kinh tế (BNEWS/TTXVN) đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam về việc Bộ Công Thương đang đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với phần sản xuất trong nước đối với ô tô lắp ráp; dự báo thị trường ô tô những tháng cuối năm 2019 và năm 2020.

Phóng viên: Thưa ông, Bộ Công Thương đang đề xuất không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với phần sản xuất trong nước? Nếu như việc này được thông qua Ford có đẩy mạnh sản xuất lắp ráp trong nước, nội địa hóa thêm nhiều dòng xe khác hay không?

Ông Phạm Văn Dũng: Cách tính thuế mới hứa hẹn giúp các doanh nghiệp sản xuất xe trong nước giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện tại, Ford Việt Nam đang từng bước tăng số lượng xe lắp ráp trong nước, mới đây nhất là sản phẩm Ford Tourneo và dự kiến trong năm 2020 chúng tôi sẽ triển khai lắp ráp thêm sản phẩm mới là Ford Escape.

Gian hàng của Ford Việt Nam thu hút đông khách tham quan tại Triển lãm Ô tô Việt Nam. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Về kế hoạch tăng cường sản xuất trong nước, yếu tố quyết định nhiều nhất là sản lượng. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ có các chính sách hỗ trợ, giải pháp để nâng cao dung lượng thị trường, giảm chi phí sản xuất (giảm thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện sản xuất).

Phóng viên: Ford Việt Nam từng nói rằng việc một mẫu xe có được nội địa hóa hay không phụ thuộc vào sản lượng và doanh số. Trong khi đó, Ford Việt Nam có 2 sản phẩm bán rất chạy là Ranger và Everest nhưng lại nhập khẩu, vậy Ford có lắp ráp 2 mẫu xe này ở trong nước hay không?

Ông Phạm Văn Dũng: Việc chuyển hai mẫu sản phẩm nhập khẩu đang bán chạy là Ford Ranger và Everest về lắp ráp trong nước là có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào chiến lược của Ford tùy theo tình hình thị trường ở các giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi sẽ cập nhật với các anh chị ngay khi có thông tin chính thức.

Mẫu xe đa dụng Ford Tourneo vừa ra mắt thị trường Việt Nam

Bên cạnh đó, như chúng tôi đã chia sẻ, nhà máy Ford Hải Dương đang tập trung lắp ráp dòng xe Ford Tourneo trong năm nay và dự kiến là Ford Escape vào năm 2020. Ford Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu nhu cầu và phản hồi của thị trường để lựa chọn dòng xe phù hợp nhất đưa vào sản xuất tại Việt Nam.

Ford Tourneo vừa ra mắt thị trường Việt Nam

Phóng viên: Sau khi ra mắt Tourneo, Ford có kế hoạch giới thiệu thêm những mẫu xe nào trong thời gian tới, nhập khẩu hay lắp ráp trong nước?

Ông Phạm Văn Dũng: Sau Ford Tourneo, vào năm 2020 Ford sẽ đưa Ford Escape trở lại thị trường Việt Nam. Mẫu SUV hạng trung này sẽ chính thức được lắp ráp và ra mắt vào năm sau. Thương hiệu Ford Escape vốn đã rất nổi tiếng và có chỗ đứng trong lòng khách hàng Việt Nam. Với phiên bản mới cùng các tính năng, công nghệ hiện đại thì chúng tôi hy vọng rằng đây sẽ là một lựa chọn hợp lý cho các gia đình và doanh nhân năng động.

Phóng viên: Là doanh nghiệp vừa nhập khẩu vừa lắp ráp xe trong nước, Ford Việt Nam có gặp khó khăn gì trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ở Việt Nam?

Ông Phạm Văn Dũng: Tỷ lệ nội địa hóa phụ thuộc khá nhiều vào quy mô sản lượng của thị trường và khả năng cung ứng của mạng lưới các nhà cung cấp phụ trợ. Hiện tại, dung lượng thị trường Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với các nước khác trong khu vực và chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam vẫn còn cao hơn khoảng 20% so với họ. 

Concept Escape tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Nhiều năm qua, Tập đoàn Ford luôn kiên trì đi tìm các nhà cung cấp nội địa tại Việt Nam đủ chất lượng theo tiêu chuẩn của Tập đoàn và đưa họ vào danh sách các nhà cung cấp Q1 đạt chuẩn trong toàn bộ hệ thống sản xuất của Ford trên toàn cầu. Hiện nay, Ford đang có khoảng 6-7 nhà cung cấp Q1 ở Việt Nam. 

Chúng tôi hy vọng trong giai đoạn tới khi các chính sách ổn định và thuận lợi theo định hướng phát triển lâu dài ngành công nghiệp ô tô thì các nhà cung cấp nội địa của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, giúp các hãng sản xuất ngày càng nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa của mình và giảm giá thành sản xuất.

Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì về doanh số bán hàng sau kỳ triển lãm này cũng như những nhận định về thị trường ô tô, ở các phân khúc từ nay đến cuối năm 2019 và dự báo năm 2020?

Ông Phạm Văn Dũng: Thị trường ô tô Việt Nam trong 9 tháng năm 2019 đạt mức doanh số hơn 170.000 xe và tăng 33% - đây là một mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung của các hãng đã dồi dào trở lại và nhu cầu sử dụng xe của người tiêu dùng vẫn tăng cao. 

Ford Escape sẽ được lắp ráp trong nước và ra mắt thị trường Việt Nam trong năm 2020

Bên cạnh việc tháo gỡ dần các vướng mắc từ Nghị định 116 giúp ổn định nguồn cung của xe nhập khẩu, thì thị trường còn ấm lên nhờ tín hiệu tăng trưởng sản xuất trong nước từ nhiều hãng FDI. Chúng tôi kỳ vọng trong 3 tháng cuối năm 2019 vẫn giữ được mức tăng trưởng này và năm 2020 thị trường ô tô Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng từ 10-20%.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này

Xem thêm:

>>Ford Escape sẽ lắp ráp trong nước và ra mắt thị trường năm 2020

>>Ford bất ngờ giới thiệu concept Escape tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục