Doanh nghiệp thành lập giảm do biến động giá và chi phí vận chuyển tăng cao

12:19' - 01/08/2022
BNEWS Tổng cục Thống kê lý giải, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm là do ảnh hưởng trước những biến động của giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.

Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong tháng 7/2022, cả nước có gần 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 123,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 106,2 nghìn lao động, giảm 0,7% về số doanh nghiệp, tăng 2,4% về vốn đăng ký và tăng 37,6% về số lao động so với tháng 6/2022.
Tổng cục Thống kê lý giải, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm là do ảnh hưởng trước những biến động của giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.
So với cùng kỳ năm trước, tăng 50,7% về số doanh nghiệp, tăng 1% về số vốn đăng ký và tăng 49% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,4 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cũng trong tháng 7, cả nước còn có 2,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, với đà tăng mạnh trong các tháng trước, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động 7 tháng vẫn tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 9%.
Cụ thể, cả nước có 89,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.006,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 621 nghìn lao động, tăng 17,9% về số doanh nghiệp, giảm 5,6% về vốn đăng ký và tăng 11,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2022 đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 2.329,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 31,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2022 là 3.335,8 nghìn tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 44,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2022 lên 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực; trong đó phải kể đến các lĩnh vực đã chịu nhiều tác động bởi dịch COVID-19 trong thời gian qua: Hoạt động dịch vụ khác (1.264 doanh nghiệp, tăng 212,9%), giáo dục và đào tạo (1.108 doanh nghiệp, tăng 68,4%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.575 doanh nghiệp, tăng 54,9%). Bình quân một tháng có 19,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.


Theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay có 1.239 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; tuy vậy số doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ vẫn tăng lầ lượt 9,3% và 21,7%.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 56 nghìn doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước; 28,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,6%; gần 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9%. Bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cũng trong 7 tháng qua, có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành cần tiếp tục bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điên tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục