Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội

11:55' - 11/02/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới được dự báo phục hồi chậm nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn lạc quan đặt ra mục tiêu tăng trưởng khả quan.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động phát triển kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới”.

Mặc dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực khi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) đã trải qua giai đoạn khởi động với ưu đãi lớn về thuế quan và điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi.

Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh ở châu Âu được kiểm soát tốt nhờ vắc-xin thì cơ hội này càng trở nên rõ rệt khi EVFTA và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) cùng phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên.

Kết quả xuất khẩu ngay tháng đầu năm 2021 cũng đã cho thấy sự khởi sắc, theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1/2021 ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng 71,6% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 15,6 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 9,7 tỷ USD, tăng 32,3%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 21,4%. Nhóm hàng thủy sản đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ dù đã qua thời vụ xuất khẩu.

Là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chịu thiệt hại lớn nhất trong năm 2020, tuy nhiên bước sang năm 2021, các doanh nghiệp da giày đã nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định cho hay, cuối năm 2020 đầu năm 2021 đơn hàng của ngành da giày đã tăng trở lại.

Riêng Gia Định đã hồi phục được100% đơn hàng xuất khẩu ở thời kỳ trước dịch và còn tăng hơn trước. Hiện công ty Gia Định đã có đơn hàng đến tháng 3/2021 và đang tích cực sản xuất để kịp giao hàng.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, năm 2021 là năm được các doanh nghiệp da giày lạc quan sẽ có sự tăng trưởng mạnh về đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu vì Việt Nam đang có lợi thế về sản xuất sau COVID-19 so với các nước khác.

Xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc và một số quốc gia khác về Việt Nam vẫn đang tiếp diễn…Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp nắm bắt, đẩy mạnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội da giày Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: Các doanh nghiệp da giày đặt nhiều kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát dịch COVID-19 trên thế giới và tận dụng các ưu đãi từ FTA thế hệ mới để vực dậy hoạt động sản xuất, phục hồi xuất khẩu trong năm 2021.

"Tới hiện tại, các doanh nghiệp lớn đã có khá nhiều đơn hàng cho năm 2021 do nhu cầu tiêu dùng ở một số khu vực thị trường xuất khẩu đã bắt đầu phục hồi. Một số doanh nghiệp thậm chí phải đi tìm đơn vị gia công bên ngoài để kịp giao hàng. Bên cạnh việc tận dụng EVFTA thì với việc UKVFTA được ký kết và có hiệu lực ngay từ đầu năm 2021 cũng góp phần khích lệ hoạt động xuất khẩu da giày bởi Anh là một trong 4 thị trường nhập khẩu giày da lớn nhiều nhất của Việt Nam tại châu Âu bên cạnh Italia, Tây Ban Nha và Đức.", ông Nguyễn Văn Khánh phân tích.

*Phát huy nguồn lực để tăng trưởng

Về đích ngoạn mục trong năm 2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD trong năm 2021.

Trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng, với mục tiêu tăng 15% và đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD.

Với cá tra, dự báo mức tăng khoảng 5% so với năm 2020, đạt 1,6 tỷ USD và các sản phẩm thủy sản khác tăng 6% đạt 3,4 tỷ USD.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep phân tích, cơ sở để Vasep đưa ra dự báo và đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 là nhu cầu tiêu dùng của thế giới đối với thủy sản vẫn có xu hướng tăng dù mức tăng không nhiều.

Trong khi đó, Việt Nam có ưu thế về nguồn nguyên liệu nuôi trồng chủ động chiếm tới hơn 70% sản lượng chế biến.

Khả năng kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian qua tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sản xuất, chế biến liên tục trong khi ở một số quốc gia cạnh tranh trực tiếp đang bị phong tỏa khiến nguồn cung sụt giảm.

Thêm vào đó, một trong những động lực quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 là các FTA cũng được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là EVFTA, UKVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP)…

Đáng chú ý UKVFTA được ký kết và thực thi kịp thời, giúp duy trì được lợi thế liên tục cho doanh nghiệp thủy sản bởi thị trường Anh đang chiếm tới 1/3 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU.

Cùng chung nhận định, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, nguồn cung thủy sản thế giới, đặc biệt là tôm suy giảm nên sản lượng và doanh số xuất khẩu tôm trong năm 2021 vẫn rất lạc quan dù giá bán sẽ không cao.

Đối với cá tra, sự phục hồi cả về sản lượng và giá bán bình quân sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong cả năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021 khi vắc xin COVID-19 được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ và EU, điều này có thể khuyến khích tiêu thụ thủy sản tại kênh nhà hàng.

Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, dù chưa hết khó khăn nhưng năm 2021, kinh tế Việt Nam đang có nhiều động lực phát triển khả quan hơn; trong đó việc phòng chống dịch phát huy hiệu quả và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, điều này tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh và được các khách hàng ưu tiên lựa chọn hợp tác.

Về phía doanh nghiệp, sau khoảng thời gian đối mặt với những khó khăn bất ngờ đã có kinh nghiệm trong việc thích nghi và linh hoạt hơn trong việc tìm hướng đi mới.

Theo ông Trương Tiến Dũng, sau cú sốc COVID-19, doanh nghiệp đã ý thức được việc phải chủ động nâng tầm chất lượng và uy tín cho sản phẩm mới có thể tồn tại, phát triển trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và rủi ro.

Đối với ngành thực phẩm, yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, bên cạnh tính tiện lợi và khả năng cạnh tranh về giá cả.

Dù dịch bệnh còn phức tạp nhưng lương thực thực phẩm là nhu cầu thiết yếu nên nếu biết cách tận dụng lợi thế sản xuất thì đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần và tạo vị thế mới.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nhận định: Năm 2021 dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng xuất hiện cơ hội cho doanh nghiệp nhạy bén nắm bắt và vươn lên.

Cụ thể, Việt Nam được thế giới đánh giá, có uy tín cao trong công tác phòng, chống dịch, trở thành điểm đến an toàn nên được nhiều quốc gia chọn đầu tư dài hạn và bền vững.

Điều này thể hiện uy tín quốc gia về nỗ lực phòng chống dịch, môi trường kinh doanh cũng như khả năng thực thi các cam kết quốc tế.

Theo phân tích của ông Chu Tiến Dũng, năm 2020 mặc dù thương mại quốc tế bị gián đoạn nhiều thời điểm nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục xuất siêu với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước.

Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có năng lực mở rộng thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, việc hoàn thành ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thời gian qua đã khẳng định Việt Nam là quốc gia hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thông qua các FTA, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có cơ hội kết nối với tất cả các thị trường trên thế giới, đây là lợi thế đặc biệt mà nhiều quốc gia không có được.

“COVID-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong năm qua và đó cũng là nền tảng để các doanh nghiệp ứng dụng vào tái cấu trúc, đầu tư, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Với khả năng linh hoạt, thích ứng tốt, các doanh nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng “khoảng hở” trong giai đoạn hình thành chuỗi cung ứng mới để bứt tốc và khẳng định vị thế mới trên thương trường.”, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục