Đổi thay vùng rốn lũ hạ lưu sông Vệ

08:59' - 08/01/2019
BNEWS Ngôi làng rốn lũ vùng hạ lưu sông Vệ đã "thay da đổi thịt" kể từ khi Chương tình 716 của Chính phủ được triển khai.
Ngôi nhà tránh lũ của gia đình anh Cúc. Ảnh: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Trong ký ức của ông Mai Tú, người dân ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, những trận lũ hàng năm đi qua ngôi làng ven sông Vệ này không phải là điều lạ lẫm.

Chỉ có điều, mùa lũ nay đã khác xưa. Khác ở chỗ mỗi khi lũ về không còn cảnh những mái nhà lô nhô trong biển nước mà thay vào đó là những căn chòi tránh lũ cao chót vót. Với ông Tú, đây là một sự đổi thay lớn cho ngôi làng rốn lũ vùng hạ lưu sông Vệ.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông Tú chẳng thể nhớ nổi đã có bao nhiêu trận lũ đi qua ngôi làng này. “Nhiều lắm, không nhớ nổi, tôi chỉ biết rằng ngày ấy cứ mỗi lần lũ đến là coi như cửa nhà sạch bách, lại phải chạy ăn từng bữa.

Bởi thế nên bà con nơi đây không chỉ sống chung với lũ mà còn sống chung với cái nghèo”, ông Tú nheo mắt nhìn xa xăm nói.
Không biết từ bao giờ, người dân xã Hành Thiện buộc phải quen với việc năm nào con sông Vệ chảy qua xã cũng đem về theo đôi ba trận lũ.

Còn nhớ trận lũ lịch sử trung tuần tháng 11/2013, xã Hành Thiện là một trong những vùng bị ngập sâu nhất, chưa bao giờ Hành Thiện bị thiệt hại lớn đến thế.

Trận lũ lụt đó Hành Thiện bị thương 4 người, 1.690 trên tổng số 1.743 hộ bị ngập; trong đó 33 nhà bị sập, hư hại. Thiệt hại cả xã lên tới gần 25 tỷ đồng, xã nghèo càng nghèo thêm, nhiều hộ dân coi như tay trắng.
Năm 2013, Hành Thiện được chọn là một trong 2 xã của toàn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện thí điểm hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo Quyết định số 716/QĐ-TTg (Chương trình 716).
Gia đình anh Nguyễn Văn Cúc (thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện) được vay chương trình này và xây chòi năm 2013. Anh được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 10 triệu đồng cùng với vốn hỗ trợ từ Chương trình 716. Nhờ đó anh Cúc xây được căn nhà chòi kiên cố.

Dù mới chỉ cứu được người và tài sản cơ bản nhưng căn gác cao trong ngôi nhà đã giúp gia đình anh Cúc chủ động hơn, không còn canh cánh lũ về ngày hay đêm như trước.
Anh Cúc nói: “Trước đây mỗi lần được cảnh báo lũ sắp về, cả làng trẻ già lũ lượt dắt díu nhau mang trâu, bò, lợn, gà đi gửi. Chúng tôi không còn thấy sợ bởi đã quá quen với cảnh nhà bị ngập, bụng đói meo hoặc xót ruột vì phải nhai mỳ tôm sống”.
Tuy nhiên, theo anh Cúc, kể từ khi có ngôi nhà chống lũ, cuộc sống của người dân đã khác. “Lũ về thì lên chòi, cả nhà quây quần bên căn chòi chờ lũ qua, không phải leo lên nóc nhà như trước kia nữa. Thường thì 1 ngày 1 đêm là qua thôi, lâu hơn thì vài ngày”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Nhung ở xã Hành Thiện cũng được thụ hưởng căn nhà chòi chống lũ xây từ “cú hích” tín dụng chính sách.
Bà Nhung chia sẻ: “Ngày thường, cái chòi gác được xây kiên cố từ tiền hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội được gia đình dùng làm nơi cất thóc gạo và vật dụng. Ngày nước lên thì đây là nơi tránh trú của cả gia đình. Nếu không có nhà chòi này thì mỗi lần lũ về gia đình rất vất vả, nhiều lần nước lên rất nhanh, người may mắn chạy thoát còn tài sản thì đành để trôi theo lũ”.
Ông Hồ Kim Việt, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Phú Lâm Tây cũng hồ hởi chia sẻ, từ khi có chương trình hỗ trợ bà con làm nhà chống lũ, ngôi làng này như khoác chiếc áo mới. Nhà cửa khang trang hơn, tài sản của bà con được bảo đảm.
“Lũ đi qua người còn, của còn, đấy là điều không gì mừng hơn. Đây là chương trình không chỉ rất hiệu quả mà còn đầy tính nhân văn. Trước kia mỗi trận lũ qua nhà nào nhà đấy trống trơn, nhiều gia đình cả năm dành dụm nuôi được con trâu, con gà đến mùa lũ lại trắng tay. Nay được như thế này chúng tôi không biết dùng lời nào để diễn tả hết sự phấn khởi”, ông Tổ trưởng bày tỏ.
Đến nay, khi Chương trình 716 được triển khai đại trà, toàn huyện Nghĩa Hành đã có 450 hộ nghèo được thụ hưởng chính sách.

Như vậy đã có 450 căn nhà chòi được xây lên và 450 gia đình không còn canh cánh nỗi lo mất trắng tài sản khi lũ về. Dù rất hài lòng với con số này nhưng ông Hồ Kim Việt vẫn bày tỏ mong muốn thêm nhiều hộ gia đình nơi đây có nhà chống lũ.
“Chương trình hiệu quả, nhân văn thì ai cũng thấy, nhưng hiện tại nhu cầu của bà con được hỗ trợ vay vốn xây nhà tránh lũ vẫn còn lớn lắm, hiện chỉ hộ nghèo mới được vay thôi. Được biết, Chính phủ đã có kế hoạch kéo dài Chương trình 716. 

Chúng tôi chỉ mong trong giai đoạn kéo dài này, Chính phủ nâng mức vay lên cho phù hợp với tình hình thực tế. Tôi cũng mong muốn chương trình mở rộng thêm cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thậm chí tất cả các đối tượng khác nữa”, ông Hồ Kim Việt nói.
Ông Việt phân tích thêm: “Ranh giới cái nghèo ở đây rất mong manh, chỉ 1 trận lũ đi qua thôi nếu không có biện pháp phòng tránh tốt bà con sẽ trắng tay, khi ấy nghèo lại hoàn nghèo, chính vì vậy, mong muốn của chúng tôi là tất cả các hộ dân đều được hỗ trợ, không nhiều thì ít”.
Còn ông Trần Duy Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Quảng Ngãi chia sẻ, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang đề nghị UBND tỉnh cho phép lồng ghép nguồn tài trợ hỗ trợ người dân vùng lũ của Quỹ khí hậu xanh (GCF) và các tổ chức khác với vốn vay ưu đãi khi chương trình 716 kéo dài được thực hiện, để người dân có thể xây những căn nhà, căn gác tránh lũ kiên cố hơn, hữu dụng hơn.
Khi chúng tôi hỏi tại sao bà con nơi đây không di cư đến một nơi khác cao hơn để không còn phải đối mặt với những trận lũ, ông Mai Tú chỉ cười hiền, nụ cười của lão nông đã trải qua sương gió thay cho bao lời muốn nói.
“Ly nông bất ly hương, ấy là cái gốc không thể thay đổi của bà con ta đấy nhà báo. Dù có thế nào thì làng xóm, nơi chôn rau cắt rốn vẫn là nơi ai cũng muốn gắn bó. Hơn nữa, giờ đây chuyện lũ về không còn là điều gì lạ lẫm, chúng tôi đã quen.

Rồi bây giờ được Chính phủ hỗ trợ xây nhà chòi cao ráo thì việc tránh lũ không có gì đáng ngại. Giờ thì bà con yên tâm làm ăn, cuộc sống đã khá hơn rất nhiều”, ông Tú chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục