Động lực mới nào cho ngành công thương tái cơ cấu?

10:58' - 14/08/2018
BNEWS Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành công nghiệp và hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, đa quốc gia với đầy đủ kỹ năng để cạnh tranh.

Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành công thương, các ngành công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến chế tạo, giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách các chỉ số về năng lực cạnh tranh công nghiệp so với các nước ASEAN-4 (Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan).

Để tạo ra những động lực mới, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành công nghiệp và hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, đa quốc gia với đầy đủ kỹ năng để cạnh tranh trên trường quốc tế.

Bộ Công Thương tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu, tinh gọn lại bộ máy tổ chức với 72 đơn vị cấp phòng được cắt giảm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

*Hiện đại hóa hành chính

Ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng (Bộ Công Thương) chia sẻ, để góp phần thực hiện thông điệp của Thủ tướng về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, thời gian qua Bộ Công Thương liên tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên cả 6 lĩnh vực là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Theo ông Trần Hữu Linh, mục tiêu của chương trình này không chỉ cắt giảm về số lượng mà đơn giản hóa và tiến tới bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa yêu cầu điều kiện, thành phần hồ sơ nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức.

Mới đây nhất, ngày 27/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT ban hành Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2018 của Bộ Công Thương nhằm bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật.

Là bộ luôn đi đầu trong hiện đại hóa dịch vụ công, tất cả 296 thủ tục hành chính cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của bộ. Đáng lưu ý là có nhiều dịch vụ công trực tuyến áp dụng mức độ 4.

Ngoài ra Bộ Công Thương tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu, tinh gọn lại bộ máy tổ chức với 72 đơn vị cấp phòng được cắt giảm, tương đương giảm 36,5%.

Đánh giá về hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, thời gian qua, ngành công thương đã có nỗ lực lớn trong xây dựng chính sách đồng bộ, toàn diện trong mảng quản lý nhà nước góp phần ổn định và cân đối các chỉ tiêu vĩ mô, ổn định kinh tế, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển Chính phủ kiến tạo, tạo cơ hội hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, từ nay đến cuối năm, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là hoạt động trọng tâm và triển khai mạnh mẽ.

Chính vì vậy, bộ sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; đơn giản hóa và hiện đại hóa hành chính công, làm sao để doanh nghiệp, người dân tiếp cận giấy phép nhanh nhất.

“Điều quan trọng là phải đánh giá được hiệu quả thực chất của cải cách hành chính. Đơn cử, về dịch vụ công trực tuyến, không chỉ nhìn vào con số bao nhiêu thủ tục được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến cấp 3, 4 mà quan trọng là cắt giảm được bao nhiêu thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp như thế nào. Cùng đó, phải có bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cải cách hành chính”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

*Những dấu hiệu hồi sinh

Nhận định thêm về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, xử lý triệt để các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chủ trương và kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ trên tinh thần khẩn trương, tích cực theo đúng kế hoạch và lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Theo đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ thông qua 3 Đề án về tái cơ cấu các tập đoàn công nghiệp lớn 100% vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và đã tiến hành thoái vốn thành công đối với một số doanh nghiệp có qui mô lớn như trường hợp thoái vốn nhà nước của Sabeco vào cuối năm 2017, thu về 110 nghìn tỷ đồng cho nhà nước...

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng thực hiện thành công việc cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thu về cho nhà nước khoảng 16.700 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo) diễn ra mới đây, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PV Tex) đang đi vào quỹ đạo hoạt động ổn định và báo lãi 65 tỷ đồng. Mới đây, PV Tex đã ký hợp đồng gia công với An Phát Holdings và Công ty cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn.

Ngoài ra, nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã sẵn sàng để hoạt động trở lại. Đáng lưu ý, Nhà máy Thép Việt Trung đã cơ bản khắc phục được những tồn tại.

Do đó, Bộ Công Thương cũng đang cân nhắc xin đưa Nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách các dự án thua lỗ trong thời gian tới.
Trong 6 dự án thua lỗ gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 1 Hải Phòng, DAP số 2 Lào Cai, Thép Việt Trung, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), đến nay, 2 nhà máy đã bắt đầu kinh doanh có lãi trở lại là DAP số 1 Hải Phòng và Thép Việt Trung.

Liên quan tới 3 dự án đầu tư xây dựng dở dang gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 và Nhà máy bột giấy Phương Nam thì 2 dự án đầu hiện đang triển khai một số biện pháp đầu tư để hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo ông Đặng Hoàng An, việc xử lý các dự án thua lỗ, đặc biệt là các dự án trước đây đã từng bị dừng hoạt động giờ đây đi vào hoạt động ổn định, thậm chí có dự án đã có lãi trở lại là những tín hiệu tích cực cho thấy định hướng giải quyết là phù hợp, nhiều công đoạn xử lý đã đạt tiến độ kế hoạch.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến tiến độ xử lý gặp vướng mắc, dẫn tới chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra, nổi cộm; trong đó là việc xử lý các vấn đề phát sinh do tranh chấp tại các hợp đồng EPC của dự án còn chậm.

Dự kiến, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án qua việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

*Khơi thông điểm nghẽn

Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), để khơi thông điểm nghẽn và tạo tiền đề cho ngành công thương phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng với 8 nhóm nhiệm vụ lớn và 46 nhiệm vụ ưu tiên tập trung vào xử lý các vấn đề cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm xử lý nhanh và có hiệu quả trong phát triển các ngành công nghiệp.

Vì vậy, Bộ Công Thương ưu tiên vào xử lý các điểm nghẽn về chính sách, thể chế và tiếp cận tích cực hơn các nguồn lực cho phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, chú trọng các nhóm ngành công nghiệp lớn của đất nước theo đặc thù phát triển của từng ngành để khai thác tối đa các lợi thế cạnh tranh.

Đây sẽ là những tiền đề và động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhằm đảm bảo thực hiện thành công quá trình cơ cấu lại ngành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, tới đây, bộ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược qua việc xây dựng hoàn thiện thể chế; đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước theo Kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020.

Hơn nữa, thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN và đổi mới việc tổ chức triển khai thực hiện các cam kết nhằm bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục