Tìm cách tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng

16:56' - 14/08/2018
BNEWS Nguồn thu này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Qua đánh giá tác động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chính phủ cho phép đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp và cơ sở nuôi trồng thủy sản vào Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp để thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới.
Để triển khai Luật Lâm nghiệp, thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam phối hợp các đơn vị triển khai rà soát, nghiên cứu, thí điểm nhằm thể chế hóa đưa vào Nghị định quy định đối tượng phải chi trả, mức chi trả, phương thức chi trả dịch… đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp và các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Dự kiến, khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp và cơ sở nuôi trồng thủy sản, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng trên toàn quốc hàng năm sẽ thêm trên 65 tỷ đồng.
Nguồn thu này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, tạo ra động lực phát triển bền vững cho các chủ rừng.
Qua triển khai thí điểm ở 4 tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tiền dịch vụ môi trường rừng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong doanh thu (0,0045%) và lợi nhuận (0,3674%) của đơn vị sản xuất công nghiệp.
Khi triển khai toàn quốc, với mức chi trả 50 đồng/m3, dự kiến tiền thu được từ cơ sở sản xuất công nghiệp là trên 63,7 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 3.6% tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng của cả nước. Như vậy, đề xuất quy định mức chi trả dịch môi trường rừng 50 đồng/m3 đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp để áp dụng chính thức là rất khả thi.
Đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản, 21 tỉnh thành có thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và có tiềm năng thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng có 5.115 cơ sở; trong đó, 131 doanh nghiệp.

Khi triển khai toàn quốc, tiền thu được từ dịch vụ này chỉ chiếm khoảng 0,08% tổng tiền dịch vụ môi trường rừng; doanh thu, lợi nhuận của các cơ sở sẽ không biến động đáng kể. Hầu hết các cơ sở nuôi trồng thủy sản và thu mua tiêu thụ thủy sản đã chấp thuận mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cao hơn 1% doanh thu.
Như vậy, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng của các cơ sở nuôi trồng thủy sản là doanh nghiệp tính tối thiểu bằng 1% doanh thu thực hiện trong kỳ sẽ không ảnh hưởng đáng kể với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện nguồn thu dịch vụ môi trường rừng còn thấp so với tiềm năng. Thực tế, mới có 3 loại dịch vụ môi trường rừng được thực hiện là thủy điện, nước sạch và du lịch.

Các dịch vụ chưa được thực hiện gồm: cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố môi trường, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản; dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp; dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng vẫn chưa được thực hiện.
Từ năm 2011 đến tháng 12/2017, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 8.200 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính bền vững hỗ trợ bảo vệ gần 6 triệu ha rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân miền núi, các chủ rừng là tổ chức, đặc biệt là 85 công ty lâm nghiệp trong bối cảnh đóng cửa rừng tự nhiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục