EU thắt chặt quy định sàng lọc các nhà đầu tư nước ngoài

12:54' - 01/07/2022
BNEWS Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về những quy định mới cho phép sàng lọc các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về những quy định mới cho phép sàng lọc các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó ngăn chặn các công ty được nhà nước trợ cấp tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách không công bằng.

 

Một khi được triển khai, các quy định mới sẽ trao quyền hạn cho các cơ quan quản lý cạnh tranh của EU điều tra các công ty nước ngoài muốn mua lại các công ty có trụ sở tại EU hoặc giành được các hợp đồng trong lĩnh vực công.

Văn bản pháp lý cuối cùng đã được các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) và Pháp, nước giữ chức chủ tịch luân phiên EU đến ngày 1/7, thảo luận và thống nhất.

Chia sẻ trên Twitter, Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager thông báo nhiệm kỳ chủ tịch EU của Pháp khép lại bằng một thỏa thuận về vấn đề trợ cấp nước ngoài.

Bà Vestager cho rằng đây là một biện pháp nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng khi EU hiện đã kiểm soát vấn đề trợ cấp nhà nước với các danh nghiệp nội khối, để các nền kinh tế thành viên không phải chịu thua thiệt vì các công ty nước ngoài được trợ cấp nhà nước tiến vào thị trường EU.

Văn kiện trên cần được các nước thành viên EU phê chuẩn cũng như được thông qua tại phiên họp toàn thể của EP. Tuy nhiên, khả năng các quy định mới bị phản đối là rất thấp. Bà Vestager cho biết quy định mới dự kiến sẽ được triển khai từ giữa năm 2023.

Theo quy định mới, cơ quan chống độc quyền của EU sẽ điều tra các công ty nước ngoài nhận trợ cấp nhà nước có doanh thu thường niên hơn 500 triệu euro (524 triệu USD) muốn mua lại các doanh nghiệp EU.

Tương tự, các công ty được nhận trợ cấp nhà nước với doanh thu thường niên hơn 250 triệu euro, muốn giành các hợp đồng lớn trong lĩnh vực công của EU, như đường sắt hoặc viễn thông, cũng sẽ bị điều tra.

Nếu cần thiết, Brussels có thể thực hiện các biện pháp nhằm điều chỉnh những yếu tố phi cạnh tranh được phát hiện và trong một số trường hợp có thể cấm thực hiện hợp đồng sáp nhập hoặc trao hợp đồng cho công ty bị điều tra.

EU được phép áp mức phạt tối đa 10% doanh thu nếu công ty không minh bạch thông tin trợ cấp với giới chức. Cơ quan chức năng được phép tiến hành điều tra lịch sử nhận trợ cấp của công ty trong vòng 5 năm trước khi quy định mới có hiệu lực. Quy định mới cũng trao quyền cho EC tổ chức đối thoại với các nước ngoài EU liên tục có những hoạt động trợ cấp thiếu lành mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định thỏa thuận này cung cấp một công cụ mới giúp loại bỏ yếu tố cạnh tranh không công bằng từ các nước trợ cấp thiếu lành mạnh cho ngành công nghiệp, một bước tiến quan trọng để bảo vệ lợi ích kinh tế của khối.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng có nội dung nêu rõ EU cam kết thúc đẩy các quy định quốc tế nhằm loại bỏ hoạt động trợ cấp thiếu lành mạnh, đặc biệt thông qua cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ hoài nghi về quy định mới, cho rằng sẽ dẫn tới thói quan liêu, bất ổn pháp lý, gây thêm gánh nặng quản lý cho các doanh nghiệp trong và ngoài EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục