Giải bài toán bãi đỗ xe ở Hà Nội - Bài 1: Khủng hoảng thiếu bãi đỗ xe

17:19' - 19/06/2017
BNEWS Trong khi Hà Nội đang thiếu trầm trọng bãi đỗ xe thì nhiều dự án bãi đỗ xe lại biến tướng thành nhà hàng, quán cà phê, trụ sở văn phòng cho thuê...
Hà Nội khủng hoảng thiếu bãi đỗ xe. Ảnh minh họa: TTXVN

Những cây cầu qua sông, những con ngõ khu tập thể bị chiếm dụng làm nơi đỗ ô tô, nhiều tòa nhà chung cư, khu tái định cư chưa có bãi đỗ xe ngầm. Các điểm trông giữ chưa đáp ứng đủ nhu cầu khiến phương tiện đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường là thực tế đang diễn ra hàng ngày trên địa bàn Hà Nội.

Vi phạm tràn lan

Do nhu cầu bức thiết phục vụ đời sống, nhiều người dân ở Hà Nội đã sắm cho gia đình một chiếc ô tô để đi lại. Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, với nhiều người, giờ đây phương tiện đi lại “sang chảnh” này lại biến thành “cục nợ” vì quá thiếu chỗ đỗ xe.

Quản lý địa bàn tập trung rất nhiều cơ quan đơn vị, nhà hàng, trung tâm thương mai, bệnh viện, quán cà phê…, phường Phạm Đình Hổ rất thiếu điểm đỗ xe. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc duy trì trật tự giao thông đô thị trên địa bàn.

Phản ánh thực trạng này, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ chia sẻ, hiện nay, lực lượng công an phường liên tục phải dẹp, thông báo trên loa để “đẩy, đuổi” phương tiện vi phạm nhưng vẫn không “xuể” vì lượng xe vi phạm quá lớn.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, năm 2017, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn. Qua rà soát, toàn thành phố có 728 điểm trông giữ phương tiện dưới lòng đường, vỉa hè, dải phân cách giữa; có 74 điểm không phép và hết phép.

Qua kiểm tra Sở đã xử lý, giải tỏa và yêu cầu hoàn thiện thủ tục cấp phép đối với các điểm trông giữ không phép, hết phép.

Đối với các bãi đỗ xe tập trung, thời gian qua, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Thanh tra thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm đối với dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe; dự án bãi đỗ xe kết hợp cây xanh khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng…

Để giải quyết nhu cầu cấp bách, trước mắt về bãi đỗ xe cho người dân, mới đây, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội và Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu cấp phép cho trông giữ xe dưới lòng đường tại 87 tuyến phố có mặt cắt từ 7,5 m trở lên.
Nếu phương án này được thông qua thành phố sẽ có thêm khoảng 300 điểm đỗ xe.

Trước đó, thành phố Hà Nội cũng đã quyết định cấp phép cho gần 340 điểm trông giữ xe dưới lòng đường với tổng diện tích trên 65.000m2 nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu đỗ xe ngày càng lớn trong nội đô.
Nhiều dự án bãi đỗ xe bị biến tướng

Theo số liệu của ngành chức năng, hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và điểm trông giữ xe công cộng tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu. Các phương tiện giao thông đều đang phải đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện…

Nhiều dự án bãi đỗ xe lại bị biến tướng cho thuê làm dịch vụ nhà hàng, quán cà phê, văn phòng… Nóng bỏng nhất hiện nay phải kể đến vi phạm ở khu vực mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình).

Ô đất rộng hơn 4.253 m2 với mục đích trong giấy chứng nhận là làm bãi để xe ô tô, dịch vụ, nhà rửa xe và công trình phụ trợ đã bị Công ty cổ phần Đa quốc gia đang sử dụng đất sai mục đích hết công suất có thể.

Một dự án khác cũng trong tình trạng tương tự, đó là dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ ở mặt đường Nguyễn Khánh Toàn do Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp thương mại và Dịch vụ làm chủ đầu tư cũng đang sử dụng 14.000 m2 thuộc dự án sai mục đích.

Các sai phạm này đã tồn tại trong một thời gian dài ngay ở giữa trung tâm Thủ đô song không bị xử lý, khiến người dân bức xúc.

Để chấn chỉnh sai phạm trên, mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội làm rõ cơ sở pháp luật cho thuê mương thoát nước Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô để sử dụng làm mặt bằng kinh doanh và các vi phạm pháp luật trong việc cho thuê đất, xây dựng trên đất hai con mương thoát nước trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/6.

Ngoài ra một số công trình công cộng như cầu, đường cũng bị các hộ dân chiếm dụng để trông giữ xe, như khu vực cầu Kuo (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), bắc qua sông Kim Ngưu, nối liền ngõ 299 đường Hoàng Mai và ngõ 281 Tam Trinh, hay bãi trông xe trái phép chiếm dụng gần như toàn bộ lối đi nhỏ hẹp ở ngõ 538 đường Láng Hạ, quận Đống Đa… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Cần xử lý nghiêm sai phạm

Để dẫn đến những sai phạm trên là do chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư cũng còn nhiều kẽ hở khiến nhà đầu tư lợi dụng vi phạm.

Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra đòi hởi các cơ quan chức năng sớm có lời giải đáp để trả lại mục đích ban đầu cho dự án bãi đỗ xe. Đó là tại sao doanh nghiệp lại có thể tự ý chuyển nhượng, dẫn tới sai nghiêm trọng mục tiêu đầu tư của dự án mà không bị xử lý. Và tại sao các tổ chức, cá nhân lại có thể kinh doanh các ngành, nghề không đúng với mục tiêu dự án nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh… Nhà đầu tư đã thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ quá trình đầu tư dự án ra sao?

Trước thực trạng đáng lo ngại trên, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng khuyến cáo thành phố Hà Nội cần phải lập một quy hoạch mới ở các khu vực còn quỹ đất để làm bãi đỗ xe.

Đối với các dự án bãi đỗ xe đang được sử dụng không đúng mục đích,UBND thành phố cần chỉ đạo phá dỡ các công trình sai mục đích, trả lại đúng mục đích cho dự án như dự án đỗ xe sau cống hoá mương Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), Phan Kế Bính (Ba Đình), đừng để mục tiêu làm bãi đỗ xe chỉ là “nhãn mác” để doanh nghiệp làm sai và thu lợi…
Bài 2: Quy hoạch còn ngổn ngang bất cập

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục