Giải pháp hướng tới một doanh nghiệp, nhà máy thông minh

13:50' - 27/08/2021
BNEWS Các quốc gia trên thế giới đẩy nhanh khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn do ảnh hưởng của đại dịch, sớm khôi phục kinh tế, ổn định xã hội.

Trong khuôn khổ dự án “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ngày 27/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Microsoft Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp thực tiễn hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất”.

Từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu, đẩy lùi đà phát triển của đa số ngành công nghiệp. Nhưng ở một khía cạnh tích cực, các quốc gia tập trung đẩy nhanh khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn do ảnh hưởng của dịch, sớm khôi phục kinh tế, ổn định xã hội.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Điều này đánh thức các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực từ tài chính ngân hàng, đến y tế, giáo dục và đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nhanh chóng thực hiện công cuộc chuyển đổi số để không bị tụt hậu

Bàn đến vấn đề chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; đồng thời, đưa ra những chính sách và các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số nhằm vượt qua đại dịch, chuyên gia công nghệ Lê Văn Khương cho biết, việc sử dụng hệ thống quản lý trong sản xuất trên môi trường điện toán đám mây đã được thực hiện trước đây khá lâu ở nhiều nước phát triển. Qua đó, có thể kiểm soát chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, các dây chuyền sản xuất cũng như toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp. 

Đó cũng là hướng đi để tiến tới một doanh nghiệp, một nhà máy thông minh hay các doanh nghiệp thông minh trong tương lai. Hiện nay, khá nhiều cơ quan bộ, ngành đang triển khai các chương trình chuyển đổi số. Chẳng hạn như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện Chương trình chuyển đổi số giai đoạn từ 2021-2025.

Những doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân quan tâm hoặc có nhu cầu được tư vấn về chuyển đổi số chỉ cần truy cập vào các địa chỉ trang web có liên quan đều có thể được cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết. Thậm chí, có thể tham khảo trên trang nguồn lực số và sử dụng như một công cụ. Qua đó, có thể đánh giá được năng lực công nghệ của doanh nghiệp mình và tham khảo sổ tay chuyển đổi số, hướng dẫn chuyển đổi số trong từng lĩnh vực cho doanh nghiệp.

Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu tham dự đều có chung quan điểm, trước mọi khó khăn, thách thức của thị trường do sự tác động tiêu cực của dịch COVID-19 như hiện nay, sự chủ động chính là chiến lược đúng đắn và kịp thời nhất. Khi hầu hết mọi doanh nghiệp đều đã đặt chân lên "con thuyền" số hóa và việc chuyển đổi số đã trở thành một nhiệm vụ căn bản thì các nhà quản trị doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng tốc bứt phá. Từ đó, mới mong đạt được sự tăng trưởng bền vững nhất. 

Ông Nguyễn Trung Kiên, Quản lý cấp cao từ đối tác Microsoft Việt Nam cho hay, có nhiều cách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong thời đại số; trong đó, nổi bật là việc sử dụng nền tảng CEO của Microsoft.

Là một nhà sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ và các thiết bị đầu cuối máy tính, Microsoft thấu hiểu những khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp sản xuất đang gặp phải. Một xu hướng của thời đại hiện nay là các doanh nghiệp G 2000 sẽ sử dụng và áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo IA. Đồng thời, phát triển những công nghệ này để đưa ra những quyết định về mặt sản xuất.

Hiện, có 90 % các doanh nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng sẽ đầu tư vào công nghệ để cải tiến quy trình nghiệp vụ; 30% các doanh nghiệp xác định đầu tư vào những công nghệ quản lý trên nền tảng số. Vì thế, chuyển đổi số đã thực sự trở thành một yêu cầu tất yếu, nếu các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển.

Bất kỳ doanh nghiệp nào, muốn thành công, mở rộng quy mô và phát triển đều có thể ứng dụng công nghệ số để đáp ứng nhu cầu của chính mình. Thông qua công nghệ, doanh nghiệp có thể lấy được thông tin về dữ liệu máy móc, dữ liệu về quá trình sản xuất hay về năng suất lao động, về nguồn nguyên vật liệu. Từ đó, đưa ra những quyết định phải tiết kiệm hay tăng thêm chi phí; tinh giảm nhân sự hay tăng thêm lao động; tăng cường năng lực sản xuất của công ty...

Doanh nghiệp cũng cần liên tục đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới hướng tới sự chuyên nghiệp và tạo dựng sự khác biệt trên thị trường. Hiện có rất nhiều công nghệ và nền tảng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi số, với nhiều nhà cung cấp và dịch vụ về công nghệ số khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả những công cụ này lại có thể được kết nối với nhau và khả năng tích hợp ấy lại nhờ tới công nghệ điện toán đám mây để giải quyết; đặc biệt là với với các doanh nghiệp trong ngành sản xuất.

"Tất cả những công nghệ này đều không phải là sự đầu tư phần cứng mà có thể thấy được ngay hiệu quả trong vòng vài phút, hoặc là một vài giờ tùy theo mức độ cao của sản phẩm và đáp ứng trúng vào nhu cầu trực tiếp mỗi ngày" ông Kiên bày tỏ./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục