Giải pháp nào cho phát triển ngành công nghiệp điện tử?

15:09' - 28/11/2017
BNEWS Sáng 28/11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam”.

Hội thảo nhằm đánh giá và đề xuất một số ý kiến, gợi ý cho mục tiêu tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử trong tương lai.

Hội thảo "Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam". Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 12 thế giới về kết quả xuất khẩu mặt hàng điện tử, với hành chục tỷ USD/năm cho thấy sự đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế. Do đó, đã đến lúc đánh giá, tổng hợp lại những thành công và tồn tại của ngành; trong đó, nhấn mạnh đến sự góp mặt của một số công ty hàng đầu thế giới mà Samsung là tiêu biểu.

“Thực tế cũng cho thấy, nhờ sự tham gia của những “người khổng lồ” quốc tế mà diện mạo ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có bước thay đổi tích cực, đáng ghi nhận...”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp điện tử tuy hình thành chậm sau một số ngành khác nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, những thành công vừa qua của ngành công nghiệp điện tử, chủ yếu là do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận.

Bởi họ chiếm tới 95% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, cũng như vai trò của doanh nghiệp trong nước rất mờ nhạt, thiếu sức sống. Phần lớn doanh nghiệp nội vẫn chủ yếu tham gia vào các công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Cao Bảo Anh, đại diện Cục Công nghiệp cho hay, ngành công nghiệp điện tử phát triển không có chiến lược dài hạn, thị trường điện tử Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng. Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất hiện nay là các mặt hàng điện tử dân dụng như: các thiết bị nghe nhìn, các phương tiện giải trí…

Trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam thì điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với doanh số chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Trong một thời giai dài ở Việt Nam đã có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng, hiệu suất đầu tư toàn ngành thấp.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm (R&D) của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm mà chưa thực hiện được các công đoạn “chế biến sâu” trong chuỗi giá trị ngành.

Chỉ ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự kém phát triển của công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam, bà Vũ Thị Thanh Huyền, Giảng viên Trường Đại học Thương mại bày tỏ, do việc thực thi chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm. Tiếp đến là sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ngành điện tử, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử.

Để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp điện tử, ông Bùi Bài Cường, Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón lõng xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới...

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, hầu như quốc gia nào cũng có ngành công nghiệp điện tử nhưng không phải nước nào cũng thành công. Muốn thành công phải có sự kết hợp nhiều yếu tố, từ cấp vĩ mô đến doanh nghiệp, sự ủng hộ và chia sẻ hiệu quả của hiệp hội ngành nghề. Muốn xây dựng ngành điện tử đích thực đòi hỏi cả sự táo bạo, nguồn đầu tư vật chất lớn của đội ngũ doanh nghiệp.

Ông Cao Bảo Anh cũng đề xuất, trong thời gian tới, cần tập trung hỗ trợ phát triển ngành điện tử, bám sát nhu cầu thế giới và huy động các nguồn lực cho tăng trưởng. Theo đó, nên thực hiện theo hướng đa dạng hóa, kết hợp giữa vốn quốc tế và vốn trong nước.

Đặc biệt, cần vận động doanh nghiệp nước ngoài chủ động chuyển giao công nghệ hiện đại cho đối tác Việt Nam, kể cả kinh nghiệm, cách làm phù hợp để tiệm cận, làm chủ tình hình trong bối cảnh hội nhập. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp nội có thể hình thành thương hiệu, tiến tới tham gia rộng rãi hơn vào mạng cung ứng trên thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tổng hợp, nhất là chất xám để tạo ra sự đột phá, ứng dụng chất xám trong việc sáng tạo ra sản phẩm mới, với ý tưởng táo bạo, độc đáo nhằm tạo dựng uy tín của ngành điện tử Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục