Giải pháp nào để phát triển bền vững cây ăn quả?

15:41' - 15/03/2019
BNEWS Ngày 15/3, tại Long An, Bộ NN và PTNT phối hợp UBND tỉnh Long An, tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam” nhằm tìm ra giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả.

Ngày 15/3, tại Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Long An, tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam” nhằm tìm ra giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả.

Đây cũng là cơ hội để định hướng, mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế về cây ăn quả của Việt Nam nói chung và các tỉnh Nam bộ nói riêng.

Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cần triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Các địa phương cũng cần tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như chuối, xoài, dứa, nhãn....phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu.

Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ,...), đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch.

“Bên cạnh đó, nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị sản xuất; đồng thời, tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm tươi sống, mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề thực trạng, giải pháp, thị trường cho cây ăn quả; những vấn đề về kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất tuy được quan tâm đầu tư nhưng nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống các cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển, chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ; phần lớn các cơ sở chế biến chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.…

Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện diện tích cây ăn trái Tiền Giang không ngừng tăng lên. Năm 2018 đạt hơn 77.700 ha, tăng khoảng 9.000 ha so với năm 2013; sản lượng thu hoạch đạt 1.498 triệu tấn, tăng 0,344 triệu tấn so năm 2013 (1,154 triệu tấn).

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún còn phổ biến. Việc đầu tư, chăm sóc chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; đồng thời, biến đổi khí hậu hiện hữu ngày càng rõ nét, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn của Nhà nước để tích ứng nhưng nguồn lực của tỉnh còn hạn chế.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, hiện công tác quản lý giống cây trồng gặp nhiều khó khăn do kinh doanh giống cây trồng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, chưa có văn bản hướng dẫn về việc cấp phép sản xuất cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất - kinh doanh giống cây trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.

Việc trồng cây ăn trái, nhất là cây có múi một cách tự phát, mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, làm cho tình hình dịch bệnh vàng lá gân xanh, phát triển gây hại, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân.

Còn ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiến nghị các ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị, quảng bá giới thiệu các sản phẩm cho thị trường trong nước và ngoài nước; tăng cường hỗ trợ đầu tư hệ thống kênh thông tin về giá cả thị trường, thông tin khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, các ngành cũng hỗ trợ công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch; hỗ trợ nghiên cứu, chọn tạo các giống thanh long nhằm đa dạng sản phẩm và các biện pháp quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp trên thanh long và chanh…

“Sau hội nghị này, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất, kinh doanh cây ăn quả các tỉnh phía Nam sẽ tiếp nhận được nhiều thông tin để bàn bạc, trao đổi và đề xuất biện pháp phát triển cây ăn quả bền vững. Qua đó, thông tin tiếp cận ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trong thời kỳ cách mạng 4.0 nhằm thích ứng thị trường chuyển biến mạnh mẽ”, ông Phạm Văn Cảnh chia sẻ.

Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 diện tích cây ăn quả phía Nam ước đạt 596.331 ha, chiếm 60% diện tích cây ăn quả cả nước. Tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước, tăng trên 61% so năm 2010. Hiện miền Nam có 14 loại quả có diện tích lớn trên 10.000 ha/loại; trong đó, xoài có diện tích lớn nhất 80.000 ha, tiếp đến là chuối 78.000 ha, thanh long 53.000 ha, cam 44.000 ha, bưởi 44.000 ha….

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam. Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung. Điều này, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại quả như thanh long, chuối, cây có múi đang hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn.

Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam, đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả đạt 1 triệu ha; trong đó, diện tích các cây ăn quả chủ lực 810.000 ha; tổng sản lượng 9,5 triệu tấn (tăng hơn 11,7% so năm 2016). Năng suất bình quân 11,5 tấn/ha (tăng trên 15% so với năm 2016); giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 4,5 tỷ USD; trong đó, sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỷ USD (> 80%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục