Giải quyết tranh chấp hợp đồng các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư

15:46' - 05/07/2019
BNEWS Một số vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam như pháp luật trong nước thường xuyên thay đổi, có nhiều luật nhưng quy định pháp luật chưa rõ ràng.
Sẽ hoàn thiện và đơn giản hóa các quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc phê duyệt và quản lý các dự án sử dụng vốn hỗn hợp từ Nhà nước và tư nhân. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại hội thảo “Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng Luật về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang được xây dựng, sẽ hoàn thiện và đơn giản hóa các quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc phê duyệt và quản lý các dự án sử dụng vốn hỗn hợp từ Nhà nước và tư nhân, hoặc vốn tư nhân hoàn toàn.

Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 5/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, luật về dự án PPP cũng sẽ cung cấp, sửa đổi các quy định pháp luật về hỗ trợ dự án PPP và các nhà đầu tư, trong đó có việc bảo lãnh của Chính phủ về doanh thu tối đa cho doanh nghiệp, bảo lãnh rủi ro ngoại hối và các khoản vay; từ đó giảm thiểu quan liêu, quấy rối và tham nhũng ở các ngành, đồng thời tăng cường minh bạch, đối xử công bằng với các doanh nghiệp, đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phán quyết trọng tài và quyết định của tòa án.

Cũng theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, một số vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam như pháp luật trong nước thường xuyên thay đổi, có nhiều luật nhưng quy định pháp luật chưa rõ ràng, khả năng thực thi của hợp đồng và các cam kết chưa cao, cơ chế giải quyết tranh chấp và xét xử hợp đồng các dự án PPP thiếu nhất quán.

Tranh chấp các hợp đồng PPP ngoài việc được áp dụng ở Việt Nam có được áp dụng ở các nước nơi doanh nghiệp tham gia hợp đồng hay không? Khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan nào đứng ra giải quyết, có trường hợp hòa giải thành, có trường hợp phải đưa ra trọng tài Việt Nam, trọng tài quốc tế.

Những vấn đề này cần quy định cụ thể trong luật về các dự án PPP và cần thiết phải điều chỉnh những luật liên quan để tạo cú hích cho các nhà đầu tư nước ngoài an tâm đầu tư vào Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Hong Sik Chung, Giáo sư luật tại Đại học Chung Ang, Hàn Quốc, cho biết hiện nay do nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông PPP ở Hàn Quốc đã bão hòa, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, tập trung trong các lĩnh vực như đường, điện, giao thông, cảng hàng không, bệnh viện…

Tuy nhiên, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng băn khoăn về vấn đề doanh thu, chuyển đổi tiền tệ, chấm dứt sớm hợp đồng, các khoản thanh toán… khi tham gia dự án PPP ở Việt Nam.

Những vấn đề này cần phải có điều khoản rõ ràng trong hợp đồng hoặc thỏa thuận thực thi giữa các bên. Đồng thời, các dự án PPP chỉ khả thi khi tìm kiếm được vốn vay và kiểm soát được rủi ro, phân bổ rủi ro với sự bảo trợ của Chính phủ.

Nói về cơ chế giải quyết tranh chấp, theo Luật sư Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC): Luật Đầu tư 2014 quy định các tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh được giải quyết bằng phương thức trọng tài thương mại, trong đó nhà nước là một bên trong tố tụng Trọng tài thương mại.

Tuy nhiên, trước đó hòa giải thương mại được xem là hướng tiếp cận mới, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đối tác công tư.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 289 dự án PPP với tổng số vốn 54 tỷ USD, trong đó có 207 dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, 18 dự án năng lượng.

Thành phố Hồ Chí Minh có 23 dự án đã hoàn thành với tổng số vốn 71.000 tỷ đồng, 130 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị với tổng số vốn 400.000 tỷ đồng và 243 dự án kêu gọi đầu tư với tổng số vốn khoảng 870.000 tỷ đồng./.

Xem thêm:

>>Duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

>>Bộ GTVT kêu gọi doanh nghiệp tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư cao tốc Bắc-Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục