Giảm tổn thất điện năng - Bài 2: Thành quả của quá trình đầu tư

07:39' - 03/09/2016
BNEWS Cùng với tăng trưởng điện thương phẩm năm sau cao hơn năm trước thì việc giảm tổn thất điện năng là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng của Công ty Điện lực Bình Dương.

Cùng với Đồng Nai thì Bình Dương là một trong hai đơn vị có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp nhất trong Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).

Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, tỷ trọng công nghiệp chiếm 63% trong GDP của tỉnh và tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân 5 năm qua là 11%. Riêng 7 tháng của năm nay tăng trưởng điện đạt 12,39% so với cùng kỳ.

Cùng với tăng trưởng điện thương phẩm năm sau cao hơn năm trước thì việc giảm tổn thất điện năng là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng của Công ty Điện lực Bình Dương. “Và đây là thành quả của quá trình đầu tư trong nhiều năm”, ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương đã khẳng định như vậy.

Máy chụp ảnh nhiệt. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Theo Phó Giám đốc Nguyễn Trung Thu, Bình Dương có điều kiện thuận lợi hơn các địa phương khác do có nhiều cơ sở công nghiệp tập trung nên được đầu tư hệ thống điện khá hoàn thiện, vì vậy tổn thất điện năng cũng giảm theo.

“Mặc dù là đơn vị thực hiện chỉ tiêu tổn thất thấp so với các đơn vị trong EVNSPC nhưng với chỉ tiêu tổn thất năm sau giảm hơn năm trước thì việc thực hiện cũng rất khó khăn”, ông Thu bày tỏ.

Đặc thù của Bình Dương là tỉnh công nghiệp, đặc biệt từ khi tỉnh có chủ trương trải thảm đỏ đón nhà đầu tư thì ngành điện đã liên tục đầu tư để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn. Tuy nhiên, do vốn đầu tư sửa chữa lưới điện được EVNSPC phân bổ hàng năm còn eo hẹp nên một số khu vực lưới điện vẫn cũ nát, tổn thất điện năng cao. 

Trong khi đó, hầu hết lưới điện trên địa bàn tỉnh là lưới trần, chưa chuyển sang dây bọc. Thời gian qua, UBND tỉnh có chủ trương trồng cây xanh trong các khu vực đô thị và hầu hết đều nằm trong hành lang an toàn lưới điện nên gây khó khăn cho công tác vận hành lưới điện, gây sự cố và làm tăng tổn thất điện năng do cây chạm vào đường dây. 

Dựa vào đặc thù thực tế lưới điện tại Bình Dương, trong những năm qua, Công ty Điện lực Bình Dương đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin để lựa chọn vị trí lắp đặt tụ bù (thiết bị giảm tổn thất điện năng trên lưới điện) nhằm nâng cao điện áp. Hay lắp đặt máy biến áp Amorphous siêu tiết kiệm góp phần giảm tổn thất.

Cùng đó, tiếp tục đầu tư xây dựng mới các công trình điện, rút ngắn bán kính cấp điện, bọc kín lưới điện, tăng công suất… để nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện. Trên từng tuyến dây trung thế, từng trạm biến áp công cộng được theo dõi chặt chẽ tổn thất điện năng. Các khu vực có tổn thất cao được khoanh vùng để kiểm tra tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục kịp thời.

Mặt khác, Công ty Điện lực Bình Dương còn quản lý tốt hệ thống đo đếm điện năng, thay thế định kỳ công tơ đúng quy định và triển khai lắp đặt công tơ điện tử để phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường như công tơ hỏng, câu trộm điện…

Hiện Bình Dương đã sử dụng 185 máy biến áp Amorphous siêu tiết kiệm. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Hiện trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt công tơ điện tử cho 100% khách hàng sản xuất, còn khách hàng sinh hoạt mới lắp được 218.675 công tơ đo đếm từ xa theo công nghệ PLC, chiếm 57% trong tổng số khách hàng, đảm bảo đo đếm chính xác sản lượng điện khách hàng tiêu thụ và phát hiện kịp thời các trường hợp hệ thống đo đếm hoạt động bất thường.

Đánh giá về tổn thất điện năng mặt kỹ thuật, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương cho rằng không thể tránh khỏi do phải truyền tải và phải chấp nhận với hệ thống lưới điện của mình. Ông Thu phân tích, trên thực tế, do tốc độ tăng trưởng phụ tải của tỉnh mỗi năm tăng thêm gần 1 tỷ kWh và trên 80% các trạm biến áp trên địa bàn đều vận hành gần đầy tải nên nếu mỗi năm đưa vào vận hành một vài trạm mới thì tổn thất sẽ giảm rõ rệt.

Tuy nhiên Công ty Điện lực Bình Dương cũng chỉ ra rằng việc xây dựng các công trình điện trên địa bàn tuy chỉ mất trong khoảng 4 tháng nhưng khi triển khai phải mất hơn 1 năm do vướng đền bù giải phóng mặt bằng vì mọi thủ tục đều do địa phương thực hiện.

Vì vậy, để thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh giai đoạn 2016-2020, có xét đến 2030 thì tỉnh Bình Dương cần chỉ đạo giải phóng mặt bằng nhanh, vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa góp phần giảm tổn thất điện năng trên địa bàn.

Về tổn thất thương mại, đây mới chính là cách quản lý của từng đơn vị điện lực nếu phát hiện kịp thời các vụ việc ăn cắp điện và truy thu được. Chỉ riêng 7 tháng năm 2016, Công ty Điện lực Bình Dương đã phát hiện 28 trường hợp và hành vi ăn cắp điện, chủ yếu là khách hàng sinh hoạt.

Do đặc thù là tỉnh công nghiệp, khoảng 80% sản lượng điện thương phẩm là phục vụ cho sản xuất. Vì thế, sản lượng điện của mỗi khách hàng là doanh nghiệp rất lớn nếu như xảy ra lỗi ở hệ thống đo đếm. Do đó, giải pháp đặc biệt quan trọng đối với công ty là giám sát và quản lý khách hàng lớn thường xuyên để không xảy ra thất thoát điện năng.

Để thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng từ mức 3,28% (năm 2016) về mức 2,69% (năm 2020), một trong những giải pháp đang được Công ty Điện lực Bình Dương triển khai là từng bước đầu tư, hiện đại hóa lưới điện nhằm giảm sự cố lưới điện và giảm tổn thất điện năng.

Song song với đó, tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành, tính toán để đảm bảo vận hành tối ưu hệ thống điện. Lộ trình của công ty là đến năm 2018 sẽ lắp đặt công tơ đo đếm từ xa theo công nghệ này đến toàn bộ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Chăm sóc khách hàng TCT Điện lực Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Hiện Bình Dương đã sử dụng 185 máy biến áp Amorphous siêu tiết kiệm trong nước sản xuất, tiết kiệm trung bình từ 65-70% so với máy biến áp truyền thống tuy nhiên do chi phí mua tăng 13% so với máy biến áp thường nên sẽ phải thay theo lộ trình.

Về lộ trình thay thế lưới điện trần trong giai đoạn đến năm 2020, Công ty đã trình EVNSPC để tìm nguồn vay với tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng. Lộ trình này cũng nằm trong kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là từ nay đến năm 2020 toàn bộ lưới điện trung thế 22kV và 35kV trên địa bàn cả nước sẽ phải đảm bảo tiêu chí n-1 (đảm bảo nguồn dự phòng cho đường dây), không làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng.

Riêng trong năm 2016, theo kế hoạch sửa chữa lớn các công trình lưới điện giảm tổn thất điện năng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Tổng Công ty đã giao cho các đơn vị 393 công trình với giá trị hơn 414 tỷ đồng.

Tổng Công ty Điện lực miền Nam cũng cho biết với kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng, chỉ riêng năm 2015 đạt 5,19%, thấp hơn kế hoạch EVN giao là 0,21%, Tổng công ty đã làm lợi với giá trị hơn 146,2 tỷ đồng (tính theo giá mua điện của EVN là 1.293 đồng/kWh)./.

>> Đón đọc: Bài 3: Xây dựng phương thức vận hành tối ưu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục