Gỡ khó để ngành du lịch thực sự “cất cánh”

17:02' - 15/01/2018
BNEWS Du lịch Việt Nam năm 2018 sẽ phải triển khai các giải pháp gì để tháo gỡ các nút thắt, đồng thời tiếp tục phát huy kỳ tích đã đạt được trong năm qua và đóng góp hiệu quả hơn nữa cho nền kinh tế?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương và Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist Phùng Quang Thắng, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam.

Phóng viên: Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, xin Vụ trưởng Nguyễn Quý Phương cho biết đâu là “đòn bẩy” quan trọng nhất để ngành du lịch Việt Nam ghi được dấu ấn sâu đậm trong năm 2017?

Ông Nguyễn Quý Phương: Có thể nói kỳ tích này là kết quả của cả một quá trình cố gắng của nhiều cấp, nhiều ngành, của cả cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển du lịch.

Trước hết, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 làm cơ sở để định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong năm 2017, Quốc hội đã thông qua và ban hành luật Du lịch để triển khai trong năm 2018.

Bên cạnh đó là một loạt cố gắng của các bộ ngành và doanh nghiệp. Hiện chúng ta đã miễn thị thực (visa) cho 23 quốc gia và cấp visa điện tử cho công dân của 46 quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, cơ sở vật chất của ngành du lịch như các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khu vui chơi giải trí, các khách sạn hạng sang đã được đầu tư xây dựng đáp ứng như cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch cao cấp. Ngoài ra, thành tích năm 2017 của ngành du lịch còn có sự vào cuộc của cả cộng đồng dân cư.

Kết quả của ngành du lịch trong năm 2017 không chỉ thể hiện qua con số về lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 13 triệu lượt và doanh thu hơn 500.000 tỷ đồng mà còn từng bước xây dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam là điểm đến hàng đầu châu Á năm 2017, Tổng cục Du lịch được công nhận là cơ quan hàng đầu quốc gia về du lịch năm 2017; khách sạn Intercontinental Đà Nẵng Hotel Resort lần thứ 4 được vinh danh là khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được công nhận là hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hoá và hàng đầu thế giới về hạng phổ thông đặc biệt.

Phóng viên: Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã dịch mốc các mục tiêu chính trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” sớm 10 năm. Vậy theo ông Nguyễn Quý Phương đâu sẽ là thách thức lớn nhất với ngành du lịch trong năm 2018 và đâu là giải pháp để ngành du lịch vượt qua thách thức, hoàn thành mục tiêu đề ra?

Ông Nguyễn Quý Phương: Thời gian qua, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã tạo ra sức ép với ngành du lịch. Trước hết đó là sức ép về cơ sở hạ tầng giao thông như sân bay, bến cảng khiến khách du lịch phải đối mặt với nạn tắc đường, chờ đợi ở sân bay. Thứ hai là sức ép liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là tại các khu du lịch trọng điểm.

Khi khách du lịch tăng mạnh thì chất lượng phục vụ cũng có thể bị ảnh hưởng. Liên quan đến công tác điểm đến, khi khách du lịch tăng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh môi trường điểm đến và đây cũng chính là sức ép với các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

Tôi cho rằng, với các sức ép như vậy thì giải pháp phù hợp là tiếp tục tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển. Bên cạnh đó, giải pháp tăng cường quản lý điểm đến cần tiếp tục đẩy mạnh. Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá du lịch cần được đầu tư thích đáng và trọng điểm hơn nữa.

Phóng viên: Thưa ông Phùng Quang Thắng, các doanh nghiệp lữ hành đang gặp phải những thách thức nào đối với việc hiện thực hoá các mục tiêu tăng trưởng khách du lịch trong năm 2018? Ông có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn này?

Ông Phùng Quang Thắng: Du lịch là ngành rất nhạy cảm chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và khó dự đoán như tình hình chính trị, thiên tai. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp du lịch đều có những giải pháp thay thế về mặt thị trường.

Đối với công tác xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư để quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến với thị trường quốc tế nhưng do hầu hết doanh nghiệp du lịch Việt Nam đều ở quy mô nhỏ và vừa nên tổng lực để tự làm xúc tiến cũng bị hạn chế.

Đặc biệt, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch cũng là thách thức mà nhiều doanh nghiệp lữ hành đang gặp phải. Thực tế là cơ sở đào tạo nhân lực du lịch của Việt Nam cũng có nhưng chưa thể đáp ứng về số lượng và chất lượng cho các công ty lữ hành nhất là trong bối cảnh có sự tăng trưởng mạnh về số lượng khách du lịch đến Việt Nam.

Phóng viên: Với những thách thức với du lịch Việt Nam như hiện nay, Tổng cục Du lịch dự báo như thế nào về triển vọng du lịch 2018, thưa ông Nguyễn Quý Phương?

Ông Nguyễn Quý Phương: Với kết quả đạt được của năm 2017, Tổng cục Du lịch dự báo năm 2018, Việt Nam sẽ đón khoảng 15,5-16 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách nội địa và doanh thu đạt khoảng 620.000 tỷ đồng.

Để hiện thực hoá mục tiêu này, toàn ngành du lịch sẽ phải nỗ lực triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp như đã nói ở trên, cùng với việc đưa Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch đi vào cuộc sống. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần nâng cấp các cảng biển bởi nhu cầu khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển sẽ tăng nhanh chóng trong năm 2018.

Phóng viên: Thưa ông Phùng Quang Thắng, ông đánh giá như thế nào về nhìn nhận triển vọng du lịch 2018 của Tổng cục Du lịch ?

Ông Phùng Quang Thắng: Tôi đồng tình với dự báo năm 2018 của Tổng cục Du lịch. Tuy nhiên, để có thể đạt mức tăng trưởng trên 20% như kỳ vọng thì ngành du lịch Việt Nam cần phải có sự đột phá. Câu chuyện ở đây chính là phải tiếp tục tháo gỡ nút thắt về xuất nhập cảnh, có thể xem xét miễn thị thực visa cho thêm một số nước nữa để thúc đẩy số lượng khách đến Việt Nam.

Vấn đề thứ hai chính là tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong công tác quản lý điểm đến. Thực tế là khách du lịch cần một điểm đến vệ sinh, thân thiện và an toàn. Và những yêu cầu với một điểm đến như vậy để hấp dẫn khách du lịch thì doanh nghiệp không thể làm nổi nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương tại điểm đến đó.

Phóng viên: Xin cảm ơn hai ông đã tham gia cuộc trao đổi !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục