Hà Nội: Kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn

17:01' - 18/08/2017
BNEWS Ngày 18/8, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị “Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Ngày 18/8, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị “Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp với Nhóm dự án hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn (Tổ chức JICA Nhật Bản) tổ chức.
Hội nghị là cơ hội để cơ sở sản xuất tiêu biểu có dịp giới thiệu các sản phẩm chất lượng đến doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng; Doanh nghiệp phân phối có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín để liên doanh liên kết; Người tiêu dùng có dịp tiếp cận với các sản phẩm chất lượng, từ đó tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín.

Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt hơn các sản phẩm an toàn được sản xuất và phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết: Với trên 10 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn rất lớn, trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ của ngành nông nghiệp mới đảm bảo khoảng 55- 60% lương thực, thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm nhập từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ chủ yếu do thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối (chiếm từ 75- 80%). Sau đó được chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng bán thực phẩm… do đó, công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm này rất khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ: hiện trạng phân phối, tiêu thụ rau trên địa bàn thành phố có 6 hình thức chính: Bán rau trực tiếp cho các siêu thị chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng; cửa hàng phân phối bán lẻ rau an toàn chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng chiếm 1,8%; các thương lái thu gom chiếm 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ bán lẻ chiếm 26,8%.

Tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp còn rất ít; chủ yếu là kênh bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8%.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thoa, việc quản lý sản xuất rau an toàn rất khó khăn do nông dân sản xuất qui mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau rất lớn với trên 200 nghìn hộ.

Nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các qui định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc kinh doanh và tiêu thụ rau an toàn. Người tiêu dùng khó mua được rau an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Người sản xuất chưa bán được rau an toàn theo đúng giá trị, trong khi có rất ít doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ; đồng thời hợp tác xã nông nghiệp hầu như không có vai trò tiêu thụ rau an toàn cho nông dân.

Người tiêu dùng thiếu lòng tin với rau an toàn khi không thể phân biệt rau an toàn với rau không an toàn bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp, nhưng có rất ít doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân không chặt chẽ.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Yên Phú (thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: Hiện nay, sản phẩm của hợp tác xã gồm các sản phẩm rau củ quả mang đặc trưng vùng miền, gồm rau an lá, rau gia vị, quả… sản xuất theo mùa vụ.

Hiện tại, các sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ trong các cửa hàng thực phẩm sạch, hợp tác xã cũng đang liên hệ, ký kết hợp đồng bao tiêu đưa rau an toàn vào chuỗi các siêu thị của Hà Nội, và các bếp ăn tập thể của địa phương.

Về sản xuất VietGap, hợp tác xã tổ chức ươm cây giống trên khay, sản xuất phân theo công nghệ hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vât theo quy tắc 4 đúng.
Chia sẻ với các nhà sản xuất Việt Nam đại diện Tổ chức JICA Nhật Bản cho biết, tại Nhật Bản người sản xuất và người mua cùng hợp tác để sản xuất và phân phối rau an toàn tới người tiêu dùng; thiết lập sự đồng thuận giữa người sản xuất và người mua.

Theo đó, người sản xuất và người mua cùng nhau lập kế hoạch sản xuất và thực hiện sản xuất dựa trên kế hoạch sản xuất đã lập.

Sự hợp tác giữa người sản xuất và người mua được thực hiện thông qua các cuộc họp mặt trực tiếp của các bên liên quan nhằm thống nhất ý kiến về chất lượng và tiêu chuẩn giao hàng cho mỗi loại rau.

Cuộc họp này sẽ thúc đẩy việc kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm; thay đổi chiến lược từ “Kiểm tra sản phẩm cuối cùng” sang “Kiểm soát từng giai đoạn”; cải tiến biện pháp sử dụng hóa chất nông nghiệp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục