Hiệu ứng lan tỏa của nông nghiệp đến nền kinh tế

10:43' - 18/12/2018
BNEWS Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Những năm gần đây, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa hình thức tổ chức, mô hình sản xuất chuyển dần từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, liên kết theo chuỗi giá trị từng bước được hình thành. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ ổn định. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm về những thành công này.

Hiệu ứng lan tỏa của nông nghiệp đến nền kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Phóng viên:Thưa ông, qua 5 năm triển khai Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án“Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, kết quả cho thấy đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng như sự thay đổi tích cực trong đời sống nông thôn, nông dân. Vậy xin ông cho biết nhận định về nội dung này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Giai đoạn 2013-2017, sản xuất nông nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai nặng nề trên khắp mọi miền đất nước; biến động bất lợi của thị trường tiêu thụ nông sản, tác động của hội nhập quốc tế và sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự cố gắng vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nông dân, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế.

Đặc biệt trong giai đoạn này hàng loạt chính sách mới ra đời, đã kịp thời bổ sung về nguồn lực, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực then chốt của ngành nông nghiệp như: chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tái canh cà phê; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo; chính sách về phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; tăng cường cung cấp tín dụng cho nông nghiệp nông thôn; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; đào tạo nhân lực; tháo gỡ khó khăn về thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; chính sách tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh...

Cụ thể, giai đoạn 2013-2017, tốc độ giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá so sánh 2010 bình quân mỗi năm tăng 2,52%/năm; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,83%/năm; ngành lâm nghiệp tăng 6,44%/năm và ngành thủy sản tăng 4,40%/năm. Nhờ chuyển dịch cơ cấu hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và có thị trường nên sức sản xuất của ngành ngày càng được tăng cường.

Phát triển mô hình trồng rau thủy canh tại Trang trại nông nghiệp công nghệ cao DELCOFARM tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Phóng viên:Là cơ quan thống kê, Tổng cục Thống kê đã phân tích, đánh giá những đóng góp của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cho nền kinh tế cụ thể như thế nào?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Nhiều ngành trọng điểm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tác động lan tỏa tốt đến nền kinh tế. Tổng cục Thống kê đã dựa vào bảng cân đối liên ngành (I/O) phản ánh cấu trúc kinh tế để phân tích, xác định những đóng góp của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cho nền kinh tế. Kết quả cho thấy ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có các ngành nhỏ cung cấp đầu vào rất lớn cho các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế; trong đó, trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản là những ngành luôn thể hiện sự cần thiết so với các ngành còn lại của nền kinh tế; ngành trồng rừng và chăm sóc rừng cũng đang dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng cung cấp đầu vào cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là hai ngành sử dụng nhiều đầu vào từ các ngành khác, hai ngành này có hệ số lan tỏa lớn hơn mức trung bình chung của nền kinh tế, cho thấy các ngành này càng phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành cung ứng đầu vào.

Ngoài ra, có đến 7/11 ngành có hệ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao hơn mức trung bình chung của nền kinh tế và đều có hệ số lan tỏa đến nhập khẩu thấp hơn mức trung bình chung. Điều đó cho thấy những ngành này càng phát triển sẽ tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho nền kinh tế và sử dụng ít các sản phẩm đầu vào nhập khẩu; trong đó có nhóm ngành nuôi trồng thuỷ sản đang ngày càng đóng góp nhiều hơn vào giá trị tăng thêm cho nền kinh tế.

Phóng viên: Thưa ông, bên cạnh thành tựu đạt được, quá trình chuyển dịch cơ cấu trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn những hạn chế và khó khăn. Ông nghĩ sao về tình hình này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, trước hết là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ vẫn phổ biến trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, số đơn vị sản xuất quy mô lớn ít, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất còn hạn chế. Chúng ta còn chưa tận dụng và phát huy hết vai trò của khoa học công nghệ; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất chưa nhiều.

Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư cho nông, lâm nghiệp và thủy sản còn hạn chế; tỷ lệ lao động qua đào tạo và năng suất lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp; hiệu quả sản xuất chưa cao, việc dự báo cung, cầu chưa hiệu quả nên còn hiện tượng nông sản dư thừa, tiêu thụ chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân.

Đặc biệt, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều ngành trọng điểm có tác động lan tỏa tốt đến nền kinh tế nhưng chưa được quan tâm đầu tư nên mức độ ảnh hưởng có xu hướng giảm sút…

Khâu khử trùng, tuyển chọn chuối xuất khẩu tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (Ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN

Phóng viên: Thưa ông, từ những đánh giá trên, Tổng cục Thống kê có những kiến nghị, đề xuất gì để giúp cho ngành nông nghiệp phát huy hiệu quả và có tác động lan tỏa tốt đến nền kinh tế trong giai đoạn tới?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần theo hướng xóa bỏ hạn điền để khuyến khích tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp theo từng vùng sản xuất tập trung từng loại cây trồng, vật nuôi; hướng mục tiêu tích tụ ruộng đất vào những hộ có năng lực, có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất để tiếp cận các hỗ trợ của Chính phủ về tín dụng, kỹ thuật, công nghệ…

Mặt khác, thúc đẩy quá trình hình thành và vận hành thị trường đất trong nông nghiệp để các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho mượn, góp vốn, thừa kế, quyền được đền bù đất nông nghiệp theo giá thị trường khi bị thu hồi đất thực sự đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, thống nhất cơ chế phối hợp giữa ngành công thương với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong xúc tiến thương mại, tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời tối đa hóa hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và công nghệ sau thu hoạch. Đầu tư vốn ngân sách thỏa đáng cho nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ngang bằng với các nước trong khu vực ở mức từ 4-5% hiện nay lên mức 7-8%/năm. Cùng đó, đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu công nghệ mới, đồng thời xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới đi đôi với bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Một trong những nội dung rất cần tập trung đó là nguồn lực đầu tư cho những ngành trọng điểm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý, ưu tiên ngành trọng điểm, ngành có hệ số lan tỏa hoặc có độ nhạy cao…
Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục