Hoàn thiện để chờ cơ hội mới

14:29' - 05/09/2018
BNEWS Kể từ khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã phát huy vai trò và tăng cường cơ hội để tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.

Sau hơn 50 năm thành lập, cộng đồng ASEAN ngày càng trở nên lớn mạnh và được coi là một trong những khu vực năng động nhất châu Á. Hòa chung quá trình xây dựng và phát triển đó, Việt Nam luôn tích cực đóng góp vào nỗ lực chung, giúp thắt chặt tình đoàn kết nội khối và nâng tầm vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Không chỉ vậy, kể từ khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã phát huy vai trò và tăng cường cơ hội để tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.

Việt Nam đóng góp không nhỏ vào thành công của ASEAN. Ảnh:nguồn Bộ Công Thương

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng lợi ích và cơ hội AEC đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN; trong đó có Việt Nam vẫn được biết đến một cách chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, những thách thức về áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ đang tạo áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt.
*Nấc thang mới trong hội nhập
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, sự ra đời và phát triển của AEC thời gian qua đã mang những dấu ấn của Việt Nam khi tham gia tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN ngay từ những ngày đầu Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) mới chỉ manh nha.
Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN (từ ngày 28/7/1995), kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN và được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.
So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1996 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng xấp xỉ 7,7 lần, từ 5,91 tỷ USD năm 1996 lên 45,23 tỷ USD vào tháng 11/2017. Trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN tăng gần 12,4 lần, từ 1,6 tỷ USD năm 1996 lên 19,9 tỷ USD.
Tính tới đầu tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN là 28,1 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu là 12,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 15,9 tỷ USD.
Đặc biệt, đến năm 2018 này, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 98%.
Như vậy, trong số 10 hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan cao nhất là 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Do vậy, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập.
Ông Trần Thanh Hải-Phó Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tham gia vào thị trường ASEAN rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đã có thay đổi và mang tính cạnh tranh hơn.
Đơn cử như mặt hàng tôm, trước đây Việt Nam vẫn phải học hỏi Thái Lan và các nước khác về cách nuôi tôm công nghiệp để có thể có ngành thủy sản xuất khẩu như hiện nay. Nhưng đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận). Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Bên cạnh đó, ngay cả trong việc hình thành các mặt hàng, các doanh nghiệp cũng ý thức nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, các quy định kỹ thuật.
Hơn nữa, việc hài hòa hóa tiêu chuẩn của ASEAN cũng là những bước hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp, ít nhất là của khu vực.
Đáng lưu ý, một số mặt hàng lớn mà Việt Nam xuất khẩu đều bắt nguồn từ những nhân tố mà Việt Nam học hỏi ban đầu ở các nước bạn trong khu vực ASEAN, từ cách làm, cách phát triển sản xuất đến chuẩn mực sản phẩm cũng như cách tiếp cận thị trường.
Ngay cả thời điểm hiện tại khi Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập mới, chuẩn bị tham gia đàm phán những hiệp định thương mại tự do lớn hơn với quy mô mang tính chất toàn cầu, vị trí của Cộng đồng kinh tế ASEAN với Việt Nam vẫn vô cùng quan trọng.
Điều này tạo cho Việt Nam nền tảng và khả năng tham gia tốt hơn vào các hiệp định thương mại sắp tới. Giờ là thời điểm Việt Nam nhìn lại và rút ra những bài học kinh nghiệm từ 20 năm qua để cố gắng làm tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo.
*Đổi mới để phát triển
Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN đang cùng chia sẻ những lợi thế nổi trội khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập trên nền tảng của một ASEAN, một “trung tâm tăng trưởng” của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ về AEC.
So với các doanh nghiệp bạn trong khối ASEAN, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi sau, tiềm lực hạn chế hơn, kinh nghiệm cũng ít hơn, đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế… Đây là những trở ngại chính khi Việt Nam tham gia AEC.
Cùng với đó, viễn cảnh hàng hoá của các nước trong khối ASEAN tràn ngập thị trường Việt Nam mang lại cơ hội cho người tiêu dùng mua hàng giá rẻ, giúp kiềm chế tăng giá ngoại nhập, nhưng cũng là thách thức không dễ chịu của nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt có sức cạnh tranh thấp. Ngoài ra, Việt Nam cũng còn nhiều lúng túng trong việc xử lý các rào cản kỹ thuật bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự “đặt chân” vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó và là một người chơi có đủ năng lực.
Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ còn là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong khu vực ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định: Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được AEC chính là do nhận thức của phần đông người Việt Nam, của tuyệt đại đa số doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Hầu như 100% dân chúng đều biết về AEC nhưng tỷ lệ biết rõ, hiểu rõ về AEC thì rất thấp.
Theo ông Võ Trí Thành, mặc dù cộng đồng đều có chung cảm nhận tích cực về AEC và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam song hầu hết họ đều hoài nghi về khả năng tiến triển và thực thi của AEC.
Do vậy, nhận thức về AEC cũng cần phải thoát khỏi tư duy cũ, đừng chỉ nhìn vào kim ngạch xuất khẩu. Ngoài thương mại hàng hóa, cần nhìn cơ hội từ AEC ở góc độ rộng lớn hơn như về sản xuất tiêu dùng, về dịch vụ, đầu tư, du lịch, giáo dục… Quan trọng nhất, AEC đang mang lại cơ hội kết nối để tiến tới nền kinh tế xanh, kinh doanh văn hóa biểu tượng, công nghệ thông tin...


Cầu Vàng ở Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Để tận dụng tốt các cơ hội của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 và đảm bảo việc hội nhập một cách chủ động, tích cực và phù hợp với lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Việt Nam cần khai thác tốt hơn các ưu đãi trong các FTA trong khuôn khổ ASEAN.
Đáng lưu ý, các bộ, ngành trong hội nhập kinh tế ASEAN cần nâng cao hiệu quả điều phối, phối hợp và cải tiến cơ chế tham gia các cuộc họp cấp kỹ thuật trong ASEAN để tiết kiệm nguồn lực và ngân sách; cũng như xác định chủ trương về vấn đề đối xử đặc biệt và khác biệt trong đàm phán các FTA trong giai đoạn từ năm 2018.
Nhằm chuẩn bị cho năm 2020 khi Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác triển khai các kế hoạch hành động chiến lược đến năm 2025; rà soát, thực thi các cam kết trong các FTA ASEAN +1 và tích cực thực hiện các chương trình làm việc/hợp tác với các đối tác khác của ASEAN.
Việt Nam cũng đồng thời cùng các bên thống nhất các nội dung còn vướng mắc trên cơ sở đảm bảo Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) mang lại kết quả cân bằng về lợi ích, có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển của tất cả các nước. Mặt khác, đề nghị các nước đối tác của ASEAN điều chỉnh nội dung xuống mức khả thi cho tất cả các bên nhằm kết thúc đàm phán hiệp định này trong năm 2018.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ RCEP - hiệp định đầu tiên do ASEAN là trung tâm để thúc đẩy đàm phán và được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Đồng thời thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam và các đối tác.
Tuy nhiên, bên cạnh những hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, bản thân các doanh nghiệp phải cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm ra cơ cấu sản phẩm hợp lý và nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các FTA.
Ngoài ra, việc chủ động tìm hiểu thông tin, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng và hoạch định chiến lược dài hạn là yếu tố quan trọng, then chốt để Việt Nam phát triển bền vững trong khối kinh tế này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục