Hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

16:13' - 20/04/2018
BNEWS Ngày 20/4, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Sản xuất các đơn hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo, cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 123 điều, trong đó bổ sung thêm 1 chương mới (8 điều), 2 điều mới, gộp 7 điều thành 2 điều, bỏ 3 điều, bổ sung một số điểm, khoản... 
Các đại biểu tham gia hội thảo nghe giới thiệu những nội dung mới đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) so với bản dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Theo đó, Luật Cạnh tranh quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh. Theo đánh giá của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo, phạm vi điều chỉnh tại dự thảo lần này đã đưa ra các cơ sở pháp lý để xử lý cả các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. 
Trong các nội dung chỉnh lý, nội dung quan trọng nhất là bổ sung Chương VII- Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Quy định này được bổ sung bởi qua thảo luận, nhiều ý kiến còn băn khoăn và hoài nghi về tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi luật của cơ quan cạnh tranh trong tương lai. Qua thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến tính độc lập cũng như thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, vì theo dự án Luật, Ủy ban này trực thuộc Bộ Công Thương. Các ý kiến cho rằng sẽ khó có tính độc lập, chưa kể Ủy ban vừa quản lý về cạnh tranh lại vừa tiến hành tố tụng cạnh tranh là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc cũng như tính thực chất của Ủy ban này. Bên cạnh đó, đại diện cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ lo ngại việc quy định doanh nghiệp phải nộp hồ sơ thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế là hình thức giấy phép con trá hình, gây khó khăn cho doanh nghiệp… 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định sẽ không có tình trạng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lạm quyền cũng như tạo ra giấy phép con, bởi “mọi quyết định của cơ quan này đều được kiện ra tòa”. “Đúng là còn nhiều tiêu chí về tập trung kinh tế cần được cụ thể hóa hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp thu và chỉnh lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiến hành tập trung kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết. 
Đồng chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết các ý kiến trong hội thảo sẽ được cơ quan thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh tiếp thu để trình với Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5 tới./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục