Hội nghị trực tuyến tới 640 điểm cầu về phòng chống bạo lực học đường

17:03' - 17/04/2019
BNEWS Ngày 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị toàn quốc về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Em Nguyễn Thị H.Y bị bạn đánh hội đồng tại lớp. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN 

Hội nghị được thực hiện trực tuyến tới 640 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của gần 20.000 đại biểu nhằm quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng chống bạo lực học đường.

Thông qua đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, nhà giáo và học sinh, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; các Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ; đại diện lãnh đạo Công đoàn giáo dục Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội...

Chủ trì các điểm cầu tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo là đại diện lãnh đạo UBND tỉnh hoặc lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo.

*Cần “hóa giải” nguyên nhân bạo lực học đường

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường đã được ban hành.

Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều thông tư, văn bản, chỉ thị về nội dung này, mới đây nhất là Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, bạo lực học đường có xu hướng lan rộng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ đặc điểm lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội…

Vì vậy, việc chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để phòng bạo lực học đường, “hóa giải” nguyên nhân dẫn đến bạo lực không chỉ là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, ban giám hiệu nhà trường… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên trong nhà trường; trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội.

Vai trò của nhà trường, của hiệu trưởng, nhất là thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo phụ trách Đoàn, Hội, Đội cần phải được nâng cao.

Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần lấy việc giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về hình phạt, răn đe.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục.

Cá biệt, một số vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội; giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh… trong khi tâm sinh lý của học sinh thay đổi nhanh chóng.

Một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; công tác tuyên truyền, giáo dục liên quan đến nội dung này chưa hiệu quả.

Một số nhà giáo, cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện ở cơ quan quản lý cấp trên chưa thường xuyên, kịp thời. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại các địa phương thiếu chặt chẽ…

*Thầy cô là điểm tựa của học sinh

Là địa phương mới xảy ra sự việc được dư luận chú ý về học sinh bị bạn đánh hội đồng, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên chia sẻ: Đây chỉ là trường hợp đáng tiếc, cá biệt. Tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt xử lý nghiêm để làm gương.

Ngày 7/4, ngành giáo dục Hưng Yên đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác phòng, chống bạo lực học đường với hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tại gần 600 điểm cầu.

Qua hội nghị này cho thấy, dù Sở đã triển khai đến tận cán bộ quản lý nhưng một số cán bộ quản lý triển khai công tác phòng, chống bạo lực học đường tại đơn vị mình còn hời hợt, nên giáo viên chưa nắm chắc, dẫn đến xử lý các vụ việc chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Vì vậy, để đảm bảo an ninh an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội để đảm bảo môi trường lành mạnh cho trẻ trưởng thành. Môi trường tốt tự nó đã có ý nghĩa, giá trị giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Phê cũng nhấn mạnh: Các thầy cô chủ nhiệm phải là điểm tựa của học sinh, phải là người tin cậy nhất để các em chia sẻ những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, học tập, từ đó cùng học sinh đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra xa trường học.

Đồng thời, các thầy cô là cầu nối giữa học sinh và gia đình, giữa học sinh với thầy cô trong nhà trường, lãnh đạo nhà trường và các tổ chức trong trường.

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhìn nhận: Phòng chống bạo lực học đường không chỉ là công việc của ngành giáo dục mà là của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, trong đó vai trò của ngành giáo dục là quan trọng.

Chúng ta cần tăng cường quản lý học sinh ở cả gia đình, nhà trường và xã hội; tập huấn cho phụ huynh về cách xử lý khi có có vấn đề xảy ra; tăng cường lồng ghép, tích hợp giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, đảm bảo an ninh và an toàn trường học trong nội dung chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp gỡ bỏ các clip, phim ảnh độc hại trên internet…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục