Hợp tác nội khối của BRICS còn thiếu "sức mạnh tổng hợp"

05:30' - 19/09/2017
BNEWS Trang tin Arab News có bài phân tích về vai trò của BRICS trong thúc đẩy thương mại toàn cầu của tác giả Frank Kane, nhà báo từng đoạt Giải thưởng Kinh doanh của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất.
Hợp tác nội khối của BRICS còn thiếu "sức mạnh tổng hợp". Ảnh: Reuters

Theo tác giả, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 vừa kết thúc ở Hạ Môn của Trung Quốc - chưa thực sự hội đủ các điều kiện là một khối thương mại và tổ chức này cũng không làm gì nhiều để thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, tất cả chỉ nằm trong phạm vi một cuộc họp hàng năm mà thôi.

So với các liên minh thương mại quốc tế khác - như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thì BRICS có ít điểm chung về lợi ích thương mại giữa các thành viên.

Họ rất khác nhau về mặt kinh tế, chính trị và địa lý - mỗi thành viên chỉ đến để nghe bài phát biểu "sức mạnh tổng hợp" với những lời chúc tốt đẹp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khai mạc.

Nền kinh tế Trung Quốc có điểm gì chung với Nga và các quốc gia thành viên khác? Một bên là “xưởng sản xuất của thế giới, một bên là kho xăng khổng lồ”. Brazil hợp tác với Ấn Độ như thế nào? Cả hai đều là thị trường tiêu dùng nông nghiệp và đang không ngừng mở rộng, họ dường như cạnh tranh nhau chứ không hợp tác trên các thị trường toàn cầu.

Nam Phi có điểm tương đồng nào với các thành viên khác ngoại trừ việc nước này cũng có vấn đề về chính phủ lạm dụng và can thiệp vào nền kinh tế? Trên thực tế có thể thấy rằng điểm chung giữa 5 quốc gia BRICS là sự thao túng của chính phủ đối với quá trình kinh doanh.

Cần nhắc lại một chút về bối cảnh lịch sử để hiểu tại sao BRICS có được ngày hôm nay. Năm 2001, Jim O'Neill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Goldman Sachs, đã đăng bài báo nghiên cứu cho ngân hàng này, với tựa đề "Thế giới cần một tổ chức kinh tế tốt hơn giống như BRICS". Dòng tiêu đề ngắn này cùng với ý tưởng đi kèm đã cất cánh ở mức độ cao hơn nhiều so với những gì O'Neill dự định.

Chứng kiến những làn sóng toàn cầu hóa và cả thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa, Jim O'Neill giải thích rằng hầu hết sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế toàn cầu sẽ đến từ bốn quốc gia - Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - và các đơn vị kinh tế này có chung một số đặc điểm - quần thể lớn, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, nhu cầu tiêu dùng đang nổi lên và lao động rẻ - điều đó cho phép họ được coi là một đơn vị đầu tư.

Ý tưởng ban đầu là đầu tư. Lý thuyết này được công nhận trong một thời gian dài bởi kết quả thực tế là nếu một tổ chức tài chính tham gia vào thị trường cổ phiếu BRICS hoặc đầu tư cổ phần tư nhân sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn so với các nền kinh tế già cỗi của châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Lý thuyết này rất đúng cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2008 và họ thấy rằng trên thực tế đầu tư không bảo vệ được nền kinh tế và tài chính. Trên thực tế, đầu tư đã trở thành một điểm yếu vì vốn nước ngoài đã rút khỏi nhiều nước BRICS.

Tuy nhiên, kinh nghiệm đó dường như đã thúc đẩy hành động để làm cho khái niệm BRICS lỏng lẻo trở thành một cấu trúc chính thức hơn. Hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên của các nhà lãnh đạo BRICS đã diễn ra tại Nga vào năm 2009, và sau đó Nam Phi tham gia và tổ chức đã thêm chữ "S" vào tên của mình.

Việc tiếp nhận Nam Phi vào nhóm đã chứng minh rằng BRICS có tham vọng chính trị nghiêm túc vì rất khó để tìm ra lý do nào khác cho việc tiếp nhận này ngoài lý do chính trị.

BRICS cần một đại diện của châu Phi nếu muốn được coi là một tổ chức toàn cầu đáng tin cậy. Nhưng Nam Phi không đáp ứng được các điều kiện thành viên cơ bản: dân số và Tổng sản phâm quốc nội (GDP) của họ nhỏ hơn nhiều so với bốn nước còn lại.

Bằng nhiều cách khác nhau, Nigeria có thể là một đại diện xứng đáng hơn cho châu Phi, nhưng chính trị của nước này lại không ổn định vào thời điểm đó. Ngay cả nhà kinh tế O'Neill cũng hoài nghi về việc tiếp nhận Nam Phi và một số nhà phê bình coi đây là lỗ hổng cơ bản trong mô hình BRICS.

BRICS giống như một số tổ chức trước đó ở châu Âu, Bắc Mỹ, nhóm các nền kinh tế G7 – họ cũng muốn bảo vệ con đường của mình và muốn hạ gục bất kỳ đối thủ mới nổi nào. Hai thành viên của Viện Nghiên cứu Tài chính Sùng Dương của Trung Quốc gần đây đã có cơ hội tham gia vào Diễn đàn "Beyond BRICS" của tờ Financial Times để tranh luận chống lại các nhà phê bình BRICS.

Bài viết của họ - "10 câu chuyện thần thoại về BRICS đã bị xóa nhòa" – đã đưa ra một số lập luận thuyết phục biện minh cho tổ chức này. "Nhiều người đã hiểu sai và có quan điểm tiêu cực đối với BRICS, chúng tôi cho rằng họ không cố ý ác ý đối với nhóm", họ nói trên tờ Financial Times.

Theo tác giả Kane, câu hỏi đơn giản đặt ra là liệu BRICS có tồn tại như một đơn vị kinh tế và chính trị hay không? Mặc dù sau nhiều năm được coi là một đơn vị và hàng năm vẫn kêu gọi phải "hiệp lực", nhưng các thành viên BRICS dường như không ưa nhau lắm, ít nhất là trong các vấn đề thương mại.

Thành viên của BRICS không nằm trong top 8 đối tác thương mại nước ngoài hàng đầu của Trung Quốc. Nga chơi vơi ở vị trí thứ 9, nhưng đó là do Trung Quốc “khao khát” nguồn dầu mỏ của Nga. Nếu BRICS muốn hoạt động một cách nghiêm túc, họ cần chứng minh rằng "sự hiệp lực" của họ là có thật và bắt đầu giao dịch với nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục