IMF quan ngại về tình trạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi

09:17' - 08/10/2015
BNEWS Trong suốt bốn năm gần đây, IMF đã liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Định chế tài chính này đang băn khoăn liệu tình trạng tăng trưởng yếu đi này là tạm thời hay sẽ kéo dài.
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde tại hội nghị thường niên IMF/ Ngân hàng thế giới 2015 ngày 30/9. Ảnh: THX/TTXVN

Hàng năm, các chuyên gia kinh tế của IMF đều dự báo đà hồi phục tăng trưởng sẽ đi lên, tuy nhiên, năm nào IMF cũng thất vọng. Trong bốn năm trở lại đây, IMF thường đưa ra mức dự báo tăng trưởng cao hơn thực tế khoảng một điểm phần trăm.

Đây là "lỗi" dự báo không nhỏ, trong bối cảnh mọi nhân tố đều có lợi cho tăng trưởng, như lãi suất xấp xỉ 0%, nguồn cung tiền trên thị trường “dồi dào” hơn nhờ chương trình nới lỏng định lượng (QE) mà chính phủ nhiều nước đang thực hiện và giá dầu thô ở mức thấp.

Rốt cuộc, IMF đang “vò đầu, bứt tai” tự hỏi tình trạng tăng trưởng yếu hơn dự báo triền miên như thế chỉ là hiện tượng tạm thời, nảy sinh từ sự suy thoái đặc biệt sâu hay là tình trạng kéo dài.

Để làm rõ thắc mắc này, IMF bắt đầu phân tích các nhân tố khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Theo đó, tình hình năng suất ì ạch gần đây cho thấy nhịp độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng mà nhiều nền kinh tế có được trong nhiều thập niên qua đang chậm lại.

Bên cạnh đó, đầu tư ở mức thấp trong thời gian dài cũng phần nào giải thích tại sao năng suất lao động và mức tăng lương lại khiêm tốn đến vậy.

Trong vòng sáu tháng qua, IMF đã phải hai lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 vì kinh tế thế giới tăng trưởng yếu kém nhất kể từ năm 2009.

Trong báo cáo Cập nhật về kinh tế thế giới công bố ngày 6/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2015 và năm 2016 lần lượt xuống 3,1% và 3,6%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. IMF đồng thời cảnh báo rủi ro gia tăng từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng như sự sa sút của các thị trường mới nổi khác.

Trong báo cáo ổn định tài chính công bố một ngày sau đó, IMF lưu ý rằng thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới và cuộc khủng hoảng này rất có thể sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu, nếu như chính phủ và các nhà hoạch định chính sách không kiểm soát được những nguy cơ đe dọa sự ổn định của thị trường.

IMF nhận định: “Nhu cầu ở mức thấp là một nhân tố không khuyến khích đầu tư. Trong một vòng luẩn quẩn, mức tăng trưởng tiềm năng chậm hơn dự báo làm giảm nhu cầu và qua đó càng làm hạn chế đầu tư. Cùng với đó, dân số già đi sẽ kiềm chế hơn nữa dòng vốn đầu tư ở một số nước.

Tại một số nước khác, những khiếm khuyết về thể chế hay ổn định chính trị đều là những yếu tố bất lợi đối với dòng vốn đầu tư”. Nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Larry Summers, cảnh báo rằng các nền kinh tế tiên tiến đang tiến tới cái mà ông gọi là “xu hướng trì trệ trường kỳ".

IMF đang châm ngòi cho các cuộc tranh luận trong giới kinh tế liên quan đến động lực tăng trưởng. Một số nhà kinh tế lưu ý rằng những tiến bộ về công nghệ vốn mang lại đà tăng trưởng nhanh trong khoảng thời gian 30 năm sau Thế chiến II giờ không còn mang là động lực tăng trưởng như trước đây.

Trong khi đó, các ý kiến phản bác thì cho rằng những làn sóng công nghệ mới đang giữ một vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế như trước, song chúng cần thời gian để phát huy hiệu quả và đóng góp vào tăng trưởng.

Như Mai (P/v TTXVN tại London)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục