Ireland: Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai (Phần 2)

06:30' - 26/01/2018
BNEWS Lo ngại Ireland vỡ nợ và buộc phải rời Eurozone, ngày 29/11/2010, Chính phủ Ireland đã thỏa thuận xin cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với số tiền 85 tỷ euro.

Đến tháng 11/2010, lợi suất trái phiếu Chính phủ Ireland đã lên đến mức không bền vững 9%, điều này đồng nghĩa Ireland bị đá ra khỏi thị trường trái phiếu thế giới. Không thể vay tiền từ quốc tế để bù đắp thâm hụt ngân sách, Ireland đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa và xóa bỏ hoàn toàn các dịch vụ công.

Đến lúc này, lo ngại Ireland vỡ nợ và buộc phải rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ngày 29/11/2010, Chính phủ Ireland đã thỏa thuận xin cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với số tiền 85 tỷ euro. 

Không lâu sau đó, EU đã đồng ý hạ lãi suất vay nợ cho Ireland, qua đó ném cho nước này một chiếc “phao cứu sinh” giúp cải thiện tình trạng nợ. Sự cứu trợ kịp thời, đi kèm với những chính sách ổn định kinh tế đã giúp Ireland một lần nữa viết nên một câu chuyện cổ tích khác. 

Vào thời điểm đó, Dublin đã đưa ra một loạt quyết sách quan trọng để giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, như nỗ lực nhằm tái cơ cấu “tận gốc” hệ thống ngân hàng trong nước, chủ trương khôi phục lại tính bền vững của hệ thống tài chính công và thực hiện cải cách triệt để đối với thị trường lao động, đồng thời tiến hành các biện pháp cải thiện tính linh hoạt của thị trường lao động đối với người thất nghiệp…

Ngoài ra, Ireland cũng chú trọng việc tập trung vào nguồn lực xuất khẩu để tận dụng ưu thế đồng euro giá rẻ.

Kết quả là, từ giữa năm 2011, kinh tế Ireland bắt đầu tăng trưởng trở lại song chỉ ở mức khiêm tốn. Đến năm 2014, “hòn ngọc lục bảo” châu Âu bắt đầu đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 4,8%. Năm 2015, con số tăng trưởng tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ ở mức 7,7%. 

Cũng trong hai năm này, Ireland liên tục trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Âu, bỏ xa Vương quốc Anh và Pháp. 

Trong giai đoạn những năm 2008, khi nền kinh tế ở trong “cơn bĩ cực”, Ireland đã phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám khi người dân lần lượt rời bỏ quê hương. 

Tuy nhiên, đến nay, cùng với những chính sách thu hút đầu tư hết sức hợp lý, hòn đảo có biệt danh “thiên đường thuế” này lại tiếp tục trở thành “cái nôi” của không chỉ những nhân tài mà còn cả những tên tuổi hàng đầu của làng công nghệ thế giới như Apple, Facebook hay LinkedIn và Airbnb. 

Thêm vào đó, tháng 3/2015, Ireland đã lần đầu tiên chào bán trái phiếu ngắn hạn với lãi suất âm – một bước đi đánh dấu sự phục hồi kinh tế quan trọng của nền kinh tế này. Đây là tín hiệu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đã quay trở lại đối với quốc gia thành viên Eurozone này. 

Trong khi đó, việc các hãng xếp nhiệm như Fitch và Standard & Poor's nâng xếp hạng tín dụng của Ireland cũng góp phần đáng kể giúp trái phiếu nước này được các nhà đầu tư đón nhận.

Vào tháng 5/2017, hãng cung cấp các dịch vụ tài chính Davy dự báo tăng trưởng kinh tế của Ireland trong năm 2017 sẽ đạt mức 5%, so với mức tăng trung bình 1,7% của Eurozone trong cùng kỳ. Nếu ước tính này được giữ nguyên, Ireland sẽ trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Eurozone năm thứ tư liên tiếp.

Có thể nói, câu chuyện về Ireland - "hòn ngọc lục bảo" xanh biếc của châu Âu, từ một nền kinh tế nhỏ bé nghèo khổ đã trở thành tấm gương vươn mình vượt khó là một bài học đắt giá dành cho cả khu vực Eurozone, đặc biệt là những quốc gia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như Hy Lạp, Italy và CH Cyprus./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục