Kênh huy động vốn nào quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam?

17:43' - 25/10/2017
BNEWS Nhiều chuyên gia đã đưa ra những đánh giá, nhận đinh về các kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 25/10, tại Hội nghị Gateway to Vietnam 2017: Thị trường vốn - Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đã đưa ra những đánh giá, nhận đinh về các kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, từ giai đoạn năm 2018 - 2020, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn “nước rút” cuối cùng.

Cơ hội mới cho nhà đầu tư

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Nền kinh tế Việt Nam có quy mô thương mại hơn 360 tỷ USD, đang thu hút vốn đến 300 tỷ USD. Trong đó, khu vực FDI đóng góp khoảng 22% GDP, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.

Với số lượng dân số tiệm cận 100 triệu dân, là nguồn lao động rẻ và ngày càng được nâng cao chất lượng, ngoài ra, Việt Nam còn có sự ổn định chính trị, kinh tế, vĩ mô, thể chế chính sách minh bạch và đang được cải thiện, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp hoạt động lâu dài.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam trong 30 năm qua đạt 6,5%/năm, riêng mục tiêu thời gian tới tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,5% -7% trong 5 năm tới. Trong đó, Việt Nam sẽ tập trung ổn định vĩ mô để phát triển nhanh và bền vững, với thâm hụt ngân sách dưới 4%, nợ công duy trì dưới 65%, lạm phát dưới 5%.

Đồng thời, tập trung cải cách hệ thống tài chính tiền tệ, cải cách hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, thực thi kiên quyết cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước nhằm giảm thiểu việc Nhà nước can thiệp vào việc kinh doanh, trao vai trò kinh doanh cho tư nhân và coi việc phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Trong đó, mặc dù có quy mô khiêm tốn khoảng 124 tỷ USD và xếp hạng ở thị trường cận biên, nhưng những con số nêu trên là những bằng chứng cho thấy sự phát triển vượt bậc và sức hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường vốn – thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), cho biết: "Hơn 1.867.000 tài khoản giao dịch đã được mở, trong đó có trên 21.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như năm 2016 chúng ta chứng kiến có sự rút vốn nhẹ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu, thì trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá nhiều trên cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 10/2017, tăng 47,4% so với cuối năm 2016".
Theo ông Nguyễn Đức Chi, trong thời gian qua, với tất cả giải pháp và tình hình ổn định của khu vực cũng như thế giới thì nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn, tạo ra những tín hiệu lạc quan cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Qua quá trình hoạt động quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, SCIC nhận thấy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này khá tốt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Trên cơ sở đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ bước qua năm 2018 với nhiều tín hiệu lạc quan hơn giai đoạn năm 2016 - 2017.

Xu hướng phát triển thị trường vốn

Tính riêng trong năm 2016 và đầu năm 2017 đã có nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn tham gia thị trường chứng khoán như Sabeco, Vietnam Airline, Vietjet Air, Novaland, Petrolimex, Vpbank… và những tên tuổi lớn khác sắp được chào sàn như Vin Retail, HD Bank, Techcombank...

Hiện nay, VN-Index – chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng hơn 16% trong năm 2016. Đến thời điểm này của năm 2017, VN-Index tiếp tục tăng trưởng thêm 24,5% trong khi HNX-Index tăng trưởng 36%. Còn thanh khoản của thị trường chứng khoán đã tăng 50% từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên mức 4.500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017.
Theo phân tích của các chuyên gia, đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này hầu hết sẽ là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề. Mặt khác, các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị đã có một thời gian dài để chuẩn bị.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 doanh nghiệp nhà nước nằm trong kế hoạch. Năm 2018, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp; năm 2019, dự kiến cổ phần hóa chỉ 18 doanh nghiệp. trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn thuộc ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện...

Vì vậy, đây thực sự là thời điểm thuận lợi, cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự thay đổi không chỉ về chất, mà còn về lượng, với quy mô vốn hóa ở mức tương đương các thị trường mới nổi trong khu vực.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng đã có những bước phát triển nhanh và mạnh mẽ. Nếu năm 2006, dư nợ thị trường trái phiếu mới đạt mức 14% GDP thì đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 40%, trong đó chủ yếu là thị trường trái phiếu chính phủ (gần 30% GDP) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (xấp xỉ 6% GDP).

Thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ đã tăng ngoạn mục từ mức hơn 324 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức gần 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng 27 lần và gấp đôi giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường cổ phiếu.
Đặc biệt, cách đây hai tháng, vào ngày 10/8/2017, Việt Nam đã chính thức mở thị trường chứng khoán phái sinh với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Mặc dù, mới có 7/78 số công ty chứng khoán được công nhận làm thành viên giao dịch, nhưng thị trường non trẻ này đã có hơn 10.000 tài khoản giao dịch, giá trị giao dịch bình quân tháng đạt hơn 445 tỷ đồng/phiên và số lượng hợp đồng duy trì ở mức khoảng 24.700 hợp đồng/ngày.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, có đủ cơ sở để lạc quan về sự tiếp tục phát triển bền vững của thị trường vốn – thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Bởi về vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, trong khi lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỷ giá tương đối ổn định mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý.

Về quan điểm phát triển của Việt Nam đang có sự chuyển dịch, chính thức coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn – thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Liên quan đến vấn đề nâng hạn thị trường chứng khoán, ông Valentin Laiseca, Phụ trách thị trường Đông Nam Á (MSSI) cho hay, đơn vị này dựa trên những tiêu chí được chuẩn hóa, quy trình khách quan, những bằng chứng và công bố thông tin minh bạch.

Riêng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, MSCI, nhận thấy rằng về mặt lý thuyết thì thị trường Việt Nam đủ điều kiện, nhưng còn sơ khai, chưa đảm bảo được yếu tố an toàn và bền vững. Chính vì vậy, thị trường Việt Nam cũng không đảm bảo tính bền vững để khi nâng cấp hơn nữa.
Đồng quan điểm, các chuyên gia khác cho rằng, mặc dù có nhiều cơ sở để lạc quan về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên cần theo dõi, để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là những nhân tố không chắc chắn có thể ảnh hướng đến tốc độ phát triển và cơ hội đầu tư.

Do đó, cùng với cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nên chủ động hợp lực nghiên cứu, theo dõi, đánh giá tình hình thị trường và đưa ra những sáng kiến hay đổi về cơ chế chính sách để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển, tạo động lực thực sự cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục