Kết quả nào cho cuộc đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ?

16:03' - 28/09/2016
BNEWS Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) lần thứ 15, diễn ra tại Algiers từ ngày 26 đến 28/9, có sự góp mặt của bộ trưởng năng lượng 72 nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt.
Kết quả nào cho cuộc đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ? Ảnh: hydrocarbons-technology.com

Trong bối cảnh giá dầu lao dốc, các nhà quan sát nhận định sự kiện này mang tính bước ngoặt quyết định.

Được thành lập năm 1991, IEF là một diễn đàn trao đổi và đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ năng lượng mà hiện chiếm hơn 90% cung và cầu thế giới. Sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo chứng tỏ tầm quan trọng và lợi ích lớn của hội nghị này.

Đây là cơ hội để các nước xem xét các vấn đề hiện tại và đưa ra các phản ứng chung về những cách thức cần thực hiện để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề mà ngành năng lượng thế giới đang phải đối mặt. Ngoài các bộ trưởng năng lượng, các chuyên gia, đại diện các công ty dầu khí và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ tham dự diễn đàn này.

Chủ đề chính của IEF 15 là "Chuyển đổi năng lượng thế giới". Diễn đàn lần này sẽ đề cập đến triển vọng của dầu khí thế giới, vai trò của năng lượng tái tạo, tầm quan trọng của việc tiếp cận các dịch vụ năng lượng trong phát triển nhân lực và vai trò của công nghệ.

Trong bối cảnh đó, nhiều phiên họp về các vấn đề năng lượng lớn như thị trường dầu khí, năng lượng tái tạo cũng như quản lý năng lượng cũng sẽ được bàn thảo. Các cuộc gặp song phương giữa các bộ trưởng năng lượng các nước thành viên và hội nghị bàn tròn sẽ diễn ra.

Do vậy, một phần lớn các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh diễn biến trên thị trường dầu khí đang gây bất lợi cả các nước sản xuất và tiêu thụ dầu, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới. Đối thoại giữa các nước sản xuất và tiêu thụ được khởi xướng năm 1991 tại Paris.

Vào thời điểm đó, sự rối loạn nguồn cung do cuộc chiến tranh vùng Vịnh quyết định cho cuộc đối thoại này và làm tăng ý thức quan tâm chung giữa các bên. Nhưng cuộc đối thoại này đã được thay đổi cấu trúc vào năm 2002 nhân cuộc họp tại Kyoto dưới dạng diễn đàn với một Ban thư ký có trụ sở tại Ryad.

Một hiến chương của IEF đã được thông qua tại Cancun (Mexico) năm 2010 nhằm xác định các cơ quan của diễn đàn: cuộc họp bộ trưởng (cơ quan tối cao), hội đồng hành pháp và ban thư ký. Một trong những sản phẩm chính của diễn đàn là cơ sở dữ liệu thị trường dầu khí. Sáng kiến dựa trên những nỗ lực của các nước sản xuất và tiêu thụ, cũng như của tám tổ chức quốc tế nhằm cung cấp những dự liệu hoàn chỉnh và bền vững.

Theo những người khởi xướng, việc trao đổi dữ liệu được xem như là một công cụ để cải thiện minh bạch thị trường năng lượng thế giới có lợi cho an ninh năng lượng.

Sự phát triển năng lượng tái tạo, một trong những chủ đề của IEF 15 được Algeria đưa vào hàng ưu tiên quốc gia để bảo vệ các nguồn tài nguyên hóa thạch và đa dạng hóa các nguồn cung cấp điện.

Chương trình phát triển năng lượng tái tạo được Hội đồng Bộ trưởng thông qua tháng 5/2015 dự kiến sản xuất 22 GW điện từ nay đến 2030 từ các nguồn năng lượng tái tạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu 10 GW điện. Năng lượng tái tạo sẽ chiếm 27% tổng sản lượng điện vào năm 2030. Mục tiêu này giúp giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch 9% vào năm 2030.

Để đạt những mục tiêu đề ra, hồi tháng Hai, Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã tái khẳng định cam kết của Nhà nước về việc tiếp tục thực hiện chương trình và đưa lên hạng ưu tiên quốc gia. Nhờ có chương trình này, đất nước sẽ tiết kiệm được 300 tỷ m3 khí trong giai đoạn từ 2021-2030 và sẽ được dùng để xuất khẩu và đem lại thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, chương trình này dự kiến sẽ tạo ra 300.000 công việc trực tiếp và gián tiếp. Năm 2015, các nhà máy điện năng lượng Photovoltaic có công suất 268 MW đã được đưa vào sử dụng tại khu vực Cao nguyên và miền Nam với tổng giá trị đầu tư 70 tỷ dinars.

Với tiềm năng khổng lồ về Mặt trời và gió, miền Nam Algeria là khu vực chính của chương trình phát triển năng lượng tái tạo mà Algeria muốn thực hiện để đa dạng hóa năng lượng. Thời gian nắng trên gần như toàn bộ lãnh thổ Algeria vượt quá 2.500 giờ/năm và có thể đạt 3.900 giờ/năm. Algeria có khả năng phát triển dự án điện Mặt trời quy mô lớn để đáp ứng 1/3 nhu cầu điện của đất nước từ nay đến 2030./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục