Khám phá "Sừng Trời"

08:41' - 19/09/2019
BNEWS Thuộc dãy núi Pú Đồn, đỉnh Pú Huốt (Sừng Trời) cao hơn 1.700 m so với mực nước biển là một điểm du lịch kỳ thú nhưng chưa được nhiều người biết đến.
Nhà sàn tại Mường Phăng. Ảnh: Báo ảnh VIệt Nam/TTXVN

Tại đỉnh núi này, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt Đài quan sát để theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến chiến trường lòng chảo Mường Thanh.

Từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cùng với Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), đỉnh núi Pú Huốt đã trở thành di tích lịch sử vô giá.
* Đường lên đỉnh Pú Huốt

Đỉnh Pú Huốt. Ảnh: du lịch cộng đồng Mường Phăng

Theo chỉ dẫn của Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Mùa A Kềnh, chúng tôi lựa chọn chinh phục đỉnh Pú Huốt từ hướng bản Khá (xã Mường Phăng).

Cung đường này ngắn hơn, lối mòn dễ nhận biết hơn và đặc biệt hướng đi này có 3 con suối nhỏ là những điểm dừng chân lý tưởng.

Tuy nhiên, đổi lại quãng đường này có nhiều dốc cao hơn, gặp mưa rừng bất chợt thì đường sẽ trơn trượt.
Theo nghĩa tiếng Thái, Pú Huốt nghĩa khác là "Sừng Trời". Vượt qua mạn sườn núi đầu tiên để đến được con suối nhỏ thứ nhất, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc bởi con đường nhỏ nhằm hướng đỉnh núi Pú Huốt trở nên dốc, trơn.

Sau hàng chục phút đi bộ, vượt qua con suối thứ 2, chúng tôi đi vào “yên ngựa”. Đường đi lúc này đỡ dốc hơn nhưng men theo lưng chừng của vách núi đất, phía dưới là hủm sâu nên những trận gió mạnh thổi ngược dốc núi khiến rừng già xào xạc, rung chuyển.

Từ đây đường đi khó khăn hơn khi lối mòn có lúc bị phủ lấp bởi cây dại, có những đoạn phải luồn dưới cây rừng, băng qua những chặng dây leo.

Đáng lo lắng hơn là hơi thở, mùi mồ hôi và sự vận động của chúng tôi đã “đánh thức” lũ vắt rừng dưới lớp thực bỉ ẩm ướt, trên tán cây hai bên đường, trên đỉnh đầu.

Sự vất vả của chúng tôi được "đền đáp" bằng những loài hoa rất lạ và màu sắc bắt mắt, chim hót, suối reo, mây mù bảng lảng...
Nếu tính theo đường chim bay, đỉnh Pú Huốt cách Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng hơn 2km, nhưng đi bộ phải leo núi chừng 5 km theo lối mòn vòng cung xoắn ốc.

Cũng vì đường vòng cung, quanh co men theo lưng chừng núi nên suốt hành trình di chuyển, có lúc đỉnh Pú Huốt uy nghiêm, sừng sững trước mắt, lúc lại ẩn hiện sau lưng, khuất xa sau tán cây rừng.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ, leo núi, chúng tôi cũng đặt chân lên đỉnh Pú Huốt. Nếu xét về độ cao, Pú Huốt không phải là đỉnh cao nhất trong các đỉnh núi của dãy Pú Đồn.

Trong 3 đỉnh núi nằm liền kề nhau, nối với nhau bằng những vùng "yên ngựa" và các "sống khủng long" kỳ vĩ kéo dài cả km thì đỉnh cao nhất là đỉnh Pú Tó Cọ, xếp thứ hai là đỉnh núi thuộc địa phận xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), đỉnh Pú Huốt với độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển xếp thứ 3. 

Dãy núi “sống khủng long” nối đỉnh Pú Huốt với đỉnh núi thuộc địa phận xã Pú Nhi là kỳ vĩ và hiểm trở nhất: Lối đi nhỏ, dốc, mạn phía Nam là vực sâu thăm thẳm.

Từ đỉnh Pú Tó Cọ, đỉnh núi thuộc địa phận xã Pú Nhi và đỉnh Pú Huốt có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thung lũng Mường Phăng (huyện Điện Biên), địa phận xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) và cả hồ thủy lợi Nậm Ngám dung tích hữu ích 5,4 triệu m3 nước “treo” mình trên cao trình hơn 1.130m so với mực nước biển, cách đó hàng chục km.

Vào những hôm nắng ráo, trời quang mây, từ các đỉnh núi này có thể nhìn về thung lũng Mường Thanh, thấy được những đám khói đốt đồng cách đó hơn 10km ở cánh đồng Mường Thanh.

Những ngày thời tiết lạnh, đứng ở các đỉnh núi này sẽ bắt gặp những biển mây bồng bềnh trôi dưới thung lũng Mường Phăng, dưới vực sâu phía Pú Nhi.
Tại đỉnh núi Pú Huốt, những vết tích của Trạm quan sát trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã bị phủ lấp bởi cây cỏ, lau sậy và bạt ngàn hoa xuyến chi, hoa dại khác bung nở khắp đỉnh núi và mạn sườn.
* Đổi thay dưới chân núi Pú Đồn
Mường Phăng (phiên âm tiếng Thái “Mương Phăng” có nghĩa là nghe ngóng) là thung lũng mà người Thái đã phát hiện trên hành trình thiên di và định cư, lập bản cách đây hàng trăm năm.

Chính yếu tố ruộng đồng phì nhiêu, trù phú chạy dọc thung lũng được bồi đắp phù sa, tắm mát bằng các dòng suối Huổi Luông, Pá Hốc Khiều đã giữ chân những hộ gia đình người Thái đầu tiên khi đặt chân đến đây.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Mường Phăng được chọn để xây dựng Sở Chỉ huy chiến dịch nằm trong khu rừng già dưới chân dãy núi Pú Đồn.

Tại đây, cơ quan đầu não của quân đội ta đã "đóng chốt" 105 ngày (từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954), đây là địa điểm thứ 3 và là địa điểm cuối cùng cho đến khi chiến dịch kết thúc, chiến thắng.

Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách, đường lối quyết định để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, từ những bản làng Che Căn, Phăng, Đông Mệt… của riêng cộng đồng dân tộc Thái sinh sống, đến nay Mường Phăng đã có 26 thôn, bản, hơn 1.100 hộ dân với gần 5.300 khẩu thuộc 3 dân tộc Kinh, Thái, Mông.

Là 1 trong 13 xã vùng ngoài của lòng chảo Mường Thanh, cách trung tâm huyện Điện Biên khoảng 40km, Mường Phăng hôm nay đã có sự khởi sắc: Toàn xã trồng được hơn 520 ha lúa 2 vụ, nâng tổng sản lượng lương thực đạt hơn 2.800 tấn/năm, bình quân đầu người đạt hơn 5,5 tạ/người/năm.

Xã còn trồng được gần 200ha cây lấy bột (ngô, sắn, rong giềng), gần 30 ha rau màu, 35 ha cây ăn quả, hơn 63 ha diện tích nuôi trồng hải sản…
Tại Mường Phăng, nhiều mô hình kinh tế như mô hình nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng các loại cây ăn quả như hồng, mắc coọc, mận… đã phát huy hiệu quả.

Cùng với đó, tận dụng lợi thế là “thủ phủ” tiềm năng du lịch, nhiều hộ gia đình trong xã đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh doanh dịch vụ, mở nhà hàng với các món ăn truyền thống đáp ứng nhu cầu tham quan, ẩm thực của du khách thập phương.

Điều đáng ghi nhận, những năm qua, chính quyền địa phương luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc, xây dựng và phát triển các giá trị mới về văn hóa, kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, mang nét đặc trưng văn hóa cộng đồng để tạo nên những không gian văn hóa nhằm “hút” khách du lịch.

Bản Che Căn là một minh chứng sống động trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ngành Thái đen của chính quyền địa phương. Trong bản vẫn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ độc đáo, giữ được kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống... của người Thái đen.
Sau 8 năm triển khai, Mường Phăng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên hơn 30 triệu đồng/người/năm (năm 2018).

Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 42,35% (năm 2011) còn 10,51% (năm 2018); hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định đạt 99,1%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 92%; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn xã; 80,77% thôn, bản đạt danh hiệu thôn, bản văn hóa...
Chương trình nông thôn mới đã làm kinh tế - xã hội của xã có sự phát triển vượt bậc, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn.

Đó là những tiền đề quan trọng để Mường Phăng ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng là vùng căn cứ địa cách mạng của cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục