Kinh nghiệm nào để “thoát hiểm” trong đại dịch?

19:48' - 30/08/2021
BNEWS Để khắc phục tác động do đại dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế đã có các giải pháp tài khóa cũng như chính sách tiền tệ để ngăn chặn sự suy thoái kinh tế.

Đại dịch COVID-19 đang càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực đối với kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp để hạn chế rủi ro của dịch bệnh đối với nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, ổn định xã hội, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những năm tới.

Để tìm hiểu về các giải pháp cũng như kinh nghiệm của một số nền kinh tế trong ứng phó với đại dịch để phát triển kinh tế, Kinh tế Việt Nam và Thế giới giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đoan Trang, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tăng chi tiêu công

Cho đến nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu... Để khắc phục nhiều nền kinh tế đã có các giải pháp tài khóa cũng như chính sách tiền tệ để ngăn chặn sự suy thoái kinh tế.

Suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 không phải là một cuộc khủng hoảng năng suất kéo dài giống như khu vực đồng euro đã đối mặt trong những năm 2010. Đây là một “cú sốc” phía cung đã khiến các nền kinh tế tạm thời hoạt động dưới mức công suất tối đa.

Do vậy, ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách phải là đảm bảo rằng cú sốc nhất thời không biến thành một cuộc suy thoái kéo dài về phía cầu do thu nhập giảm gây ra.

Thứ hai, chi tiêu dùng chiếm một tỷ lệ lớn trong tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Do vậy, việc hướng tới hỗ trợ người tiêu dùng sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Chính phủ của nhiền nền kinh tế đã thực hiện nhiều biện pháp gồm tăng chi tiêu, chuyển tiền cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cắt giảm thuế thông qua các kênh khác nhau. Chi tiêu công là một thành phần của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và do đó chi tiêu tăng làm tăng sản lượng, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ có thể khôi phục hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhờ đó có thể làm tăng việc làm và thu nhập hộ gia đình, dẫn đến tăng tiêu dùng của các hộ gia đình.

Kích thích tài khóa thông qua chuyển tiền mặt và thuế có thể giúp kích thích kinh tế bằng cách tác động đến hành vi của các hộ gia đình và doanh nghiệp để tạo ra nhu cầu. Ví dụ, chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình có thể khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy tăng tổng cầu hoặc cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp có thể khuyến khích đầu tư thêm.

Mỹ là quốc gia có những phản ứng chính sách kinh tế tốt nhất trước suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 dù chịu những thiệt hại về y tế và sức khỏe do đại dịch. Nhờ vậy, kinh tế Mỹ đã nhanh chóng hồi phục từ quý III/2020 sau khi sụt giảm nghiêm trọng vào hai quý đầu năm 2020.

Quốc hội Mỹ đã sớm thông qua các gói cứu trợ COVID-19 có quy mô lớn nhất trên thế giới và hướng đến những đối tượng cần sự giúp đỡ nhất. Từ tháng 3/2020 khi các biện pháp đóng cửa được áp dụng trên toàn thế giới, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã ngay lập tức coi sự kiện này là cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008.

Vào cuối tháng 3/2020, Quốc hội Mỹ đã nhất trí thông qua Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế Coronavirus liên bang (CARES), đưa ra gói chi tiêu công 2,1 nghìn tỷ USD (hơn 10% GDP) để hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn.

Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã đưa ra một loạt các chương trình cho vay khẩn cấp để giữ cho dòng tiền lưu thông. Tháng 3/2021, Quốc hội Mỹ tiếp tục thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD; trong đó sẽ hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn dân Mỹ.

Các khoản chi tiêu được triển khai một cách nhanh chóng. Điều này mặc dù có rủi ro là không phải tất cả các khoản chi tiêu sẽ là tối ưu, nhưng kết quả kinh tế cho thấy nỗ lực đó rất hữu ích để kiềm chế rủi ro, đặc biệt là đối với các hộ gia đình của Mỹ.

Khác với những quốc gia phương Tây khác, thu nhập của các hộ gia đình Mỹ đã tăng lên trong đại dịch COVID-19 với mức tăng 10% trong quý II/2020 so với quý trước đó.

“Vũ khí bí mật” của Mỹ chính là sự hỗ trợ cho người tiêu dùng. Do tiêu dùng bị kìm hãm trong thời gian giãn cách, người tiêu dùng đã sử dụng thu nhập tăng thêm để tích lũy khoản tiết kiệm trong gia đình.

Những khoản tiết kiệm đó tạo tiền đề tốt để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau khi đại dịch được ngăn chặn. Mức tiêu thụ trong các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như hàng hóa lâu bền, đã tăng cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch vào cuối năm 2020. Sau khi suy giảm nghiêm trọng 5,2% trong quý I và 31,2% trong quý II/2020, kinh tế Mỹ đã nhanh chóng phục hồi với tốc độ tăng trưởng 33,8% trong quý III/2020 và tiếp tục đạt mức tăng trưởng dương trong ba quý tiếp theo. Đặc biệt, vào quý I và II/2021, khi nhiều quốc gia vẫn rơi vào tình trạng âm, Mỹ vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 6,3% và 6,5%.

Với tốc độ phục hồi hiện nay và đặc biệt với việc Mỹ mới thông qua gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD vào tháng 3/2021 và việc nhanh chóng triển khai chương trình tiêm vaccine được triển khai, kinh tế của Mỹ dự báo sẽ tiếp tục hồi phục khả quan trong thời gian tới.

So với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chậm trễ hơn trong việc đưa ra các gói kích thích kinh tế, với các gói kích thích tài khóa có quy mô nhỏ hơn và khác biệt về đối tượng hướng đến.

Tới ngày 28/6/2021, EU đã chi khoản tiền mặt đầu tiên từ quỹ phục hồi hậu COVID-19 để tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nền kinh tế bị tàn phá do đại dịch COVID-19. Với quy mô 750 tỷ EUR chia ra trong vài năm, nghĩa là khoảng 250 tỷ euro mỗi năm (chưa đến 2% GDP), gói kích thích kinh tế của EU được đánh giá là thấp hơn so với Mỹ.

Gói kích thích của EU tập trung phân bổ cho các dự án dài hạn như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quá trình chuyển đổi xanh. Điều này được đánh giá là tốt cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, nhưng bỏ qua tính cấp thiết của cuộc suy thoái này.

Do vậy, EU được dự báo sẽ thoát khỏi đại dịch COVID-19 với quá trình phục hồi chậm hơn. Thực tế cũng cho thấy kinh tế EU vẫn tăng trưởng âm trong quý I/2021 và đến quý II nền kinh tế này mới tăng trưởng dương trở lại.

Tại Nhật Bản, tổng quy mô của ba gói kích thích kinh tế được công bố vào năm 2020 vượt quá ước tính 300 nghìn tỷ Yên - hơn 50% GDP của nước này, gấp đôi tỉ lệ này của Mỹ. Gói kích thích của Nhật Bản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia Nhóm G7 nếu xét theo tỉ lệ trong GDP.

Tuy nhiên, chúng bao gồm chi tiêu phi chính phủ và các biện pháp không có khả năng tác động trực tiếp đến tổng cầu. Các khoản chi tiêu của Nhật Bản được công bố bao gồm chi tiêu cho khu vực tư nhân thông qua các biện pháp khuyến khích khác nhau.

Các quốc gia có thu nhập thấp gặp nhiều rào cản hơn trong việc sử dụng các biện pháp kích tài khóa do mức nợ công và thâm hụt ngân sách lớn hơn, trong khi chi phí đi vay cao hơn so với các nền kinh tế phát triển. Dịch COVID-19 khiến cho tình trạng tài chính công ngày càng xấu đi do tăng trưởng kinh tế và thu nhập giảm.

Những quốc gia chịu nhiều tác động từ cú sốc toàn cầu như xuất khẩu hàng hóa hoặc dựa vào ngành du lịch còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Điều này cũng lý giải việc áp dụng các biện pháp tài khóa ở các nước đang phát triển hạn chế hơn nhiều so với các nước phát triển.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các nền kinh tế đang phát triển cần phải xem xét cách tốt nhất để kích thích tài khóa như làm thế nào để giảm thiểu khả năng các gói kích thích kinh tế rò rỉ ra nước ngoài và làm thế nào để giải quyết những thách thức cụ thể của COVID-19.

Áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, việc áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ như hạ lãi suất, mua trái phiếu chính phủ và các biện pháp khác không chỉ giúp kích thích đầu tư và tiêu dùng mà còn góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc giảm chi phí đi vay. Điều này giúp tăng hiệu quả của các biện pháp kích thích và phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tại Mỹ, Fed đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường chứng khoán. Đương nhiên, những biện pháp chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ rủi ro nếu không được phối hợp nhịp nhàng với các biện pháp tài khóa thông qua gói kích thích mới.

Fed đã giảm lãi suất từ 1,5% xuống còn 0 - 0,25% vào ngày 15/3/2020 và đưa ra chương trình mua trái phiếu mở, gồm cả việc mua trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Fed cũng đưa ra chương trình cho vay Main Street nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ tháng 5 và tháng 6/2020, Fed đã bắt đầu mua các quỹ giao dịch hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp cũng như nợ từ các công ty tư nhân. Những biện pháp tiền tệ này đã khiến tổng tài sản của Fed tăng hơn 68% trong vòng 6 tháng kể từ tháng 3/2020 lên hơn 7 nghìn tỷ USD hiện nay.

Việc Fed đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế không chỉ giúp khôi phục nền kinh tế Mỹ mà cả thị trường tài chính thế giới, từ đó ảnh hưởng tích cực ngược trở lại nền kinh tế Mỹ.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có các chính sách nởi lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. ECB đã thực hiện một chương trình mua trái phiếu khủng hoảng trị giá hơn 1,3 nghìn tỷ EUR. Trong khi đó, BOJ đã cam kết mua một số lượng trái phiếu không giới hạn để giữ lãi suất đi vay ở mức thấp.

Các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển có thể sử dụng các công cụ hạ lãi suất mạnh hơn do mức lãi suất cao hơn các nền kinh tế phát triển. Trong thời gian đại dịch, các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển đã sử dụng mạnh mẽ công cụ hạ lãi suất, đặc biệt là nước đang phát triển ở châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Quốc và ASEAN.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay một năm từ 4,15% vào năm 2019 xuống 3,85% vào tháng 9/2020 và  hiện vẫn duy trì mức thấp này. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho giá trị đồng nội tệ của nhiều nền kinh tế đang nổi sụt giảm và dòng vốn có xu hướng chảy sang các quốc gia khác có mức lợi nhuận cao hơn.

Các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa có thể giảm thiểu tác động ngắn hạn của đại dịch đối với nền kinh tế, tuy nhiên cũng cần phải có những biện pháp cải cách toàn diện để giảm thiểu tác động lâu dài của đại dịch đối với sự tăng trưởng của từng nền kinh tế thông qua cải các thể chế, các chính sách y tế công cộng và môi trường kinh doanh chung. Mỗi nền kinh tế cần lựa chọn các biện pháp phục hồi kinh tế phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như không gian chính sách của nền kinh tế quốc gia./.

TS Nguyễn Đoan Trang, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục