Kinh nghiệm từ chính sách lao động gây tranh cãi của Thái Lan

05:30' - 23/08/2017
BNEWS Chính sách lao động nhập cư mới đây của Thái Lan, hay Pháp lệnh Hoàng gia về Quản lý người lao động nước ngoài, đang đối mặt với nhiều tranh cãi và cần một sự thay đổi.
Một nhóm lao động người Campuchia rời Thái Lan về nước ngày 20/6/2014. Ảnh: AFP

“Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết “Thái Lan với chính sách lao động mới đầy bất ổn” của tác giả Ruji Auethavornpipat, nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa Quan hệ quốc tế, Trường quan hệ châu Á-Thái Bình Dương Coral Bell thuộc Đại học Quốc gia Australia.
Kể từ năm 2014, Chính quyền quân sự Thái Lan đã dành ưu tiên cho việc loại trừ nạn buôn người, đặc biệt là đối với lao động nhập cư. Động thái mới này là một phản ứng trực tiếp trước cơn bão chỉ trích của cộng đồng quốc tế về các điều kiện làm việc tồi tệ của lao động nhập cư tại đất nước này.

Nhiều người cho rằng những hành động của Chính quyền quân sự Thái Lan, kể cả một số thay đổi lập pháp, là quá vội vàng.
Trước khi có hiệu lực vào ngày 23/6/2017, Chính phủ Thái Lan đã dẫn “những trường hợp khẩn cấp không thể tránh khỏi” trong việc bảo đảm “an ninh kinh tế quốc gia” như là lý do để ban hành Pháp lệnh Hoàng gia về Quản lý người lao động nước ngoài. Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã giải thích thêm về việc Thái Lan thực hiện cam kết quốc tế về nạn buôn người.
Pháp lệnh Hoàng gia đã đạt được tiến bộ trong vấn đề này thông qua Điều 49, trong đó nêu rằng các quá trình tuyển dụng lao động có thể không phải chịu bất kỳ khoản phí nào đối với lao động nhập cư. Điều khoản này phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Nếu thi hành, Điều 49 có thể là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề nợ trong số những người lao động nhập cư. Mặc dù có một số tiến bộ, nhưng Pháp lệnh Hoàng gia mới này rõ ràng cũng bắt đầu bộc lộ những hậu quả khôn lường. Nó đã tạo ra sự hỗn loạn và nhầm lẫn trong việc quản lý lao động nhập cư.
Do tính chất thay đổi chính sách đột ngột, chỉ sau một đêm cả người lao động và người lao động nhập cư đang phải đối mặt với những hình phạt tăng nặng. Những người sử dụng lao động có thể bị phạt tối đa 800.000 baht (23.800 USD) cho mỗi lao động nhập cư không có giấy tờ, trong khi đó người lao động có thể bị bỏ tù đến 5 năm hoặc bị phạt tiền lên đến 100.000 baht (3000 USD), hoặc cả hai.
Những thay đổi đột ngột này đã dẫn đến một cuộc di cư của những người lao động nhập cư tương tự như hồi năm 2014, sau khi Chính phủ công bố một chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp.

Trong khoảng thời gian một tuần từ ngày 23-28/6, các báo cáo cho thấy gần 60.000 người nhập cư đã rời khỏi Thái Lan. Những nhà tuyển dụng cũng đã cố gắng tránh bị phạt bằng cách sa thải ít nhất 500 người nhập cư, và để mặc họ tự tìm lối thoát cho mình dù đang trên đất Thái Lan.
Diễn biến gần đây đã gây ra những phản ứng khác nhau và những lo ngại nghiêm trọng trong khu vực tư nhân vì họ lo sợ thiếu hụt lao động trong các ngành sản xuất nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ và thủy sản - những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Pháp lệnh Hoàng gia mới.
Để cứu vãn cuộc khủng hoảng, Chính phủ Thái Lan đang sửa lại chính sách này bằng cách viện dẫn Điều 44 của Hiến chương tạm thời, ban hành thời gian ân hạn 180 ngày để các nhà tuyển dụng và người lao động nhập cư tuân thủ pháp luật mới trước khi hình phạt sẽ được áp dụng.


Người lao động nhập cư ở trong các khu các lán trại container tại ngoại ô Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình trạng “khó xử” của người lao động nhập cư bộc lộ cách tiếp cận lỗi thời của Thái Lan trong việc quản lý lao động nhập cư. Sự hiện diện của những người lao động nhập cư thường được xem là nguyên nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm, suy thoái môi trường và tỷ lệ tội phạm gia tăng ở Thái Lan.
Theo ghi nhận của ILO, về vấn đề an ninh, Thái Lan chú trọng đến quá trình nhập cư, sự đàn áp nhập cư bất thường, việc làm và hồi hương của người lao động. Do vậy, việc bảo vệ những người nhập cư là một mối quan tâm cận biên và thường mâu thuẫn trong việc giữ gìn an ninh quốc gia của Thái Lan.
Xu hướng quản lý này không còn khả thi, vì lao động nhập cư đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc lao động. Thái Lan đang nhanh chóng trở thành một xã hội lão hóa với tỷ lệ sinh giảm mạnh. Lực lượng lao động ở Thái Lan dự kiến sẽ giảm 11% vào năm 2040 - một tỷ lệ cao hơn so với bất kỳ quốc gia đang phát triển khác trong khu vực Đông Á.
Thái Lan cần lao động nhập cư hơn bao giờ hết. Phúc lợi của lao động nhập cư không nên được coi là mối lo ngại đối với an ninh quốc gia, mà nên là trung tâm của nền kinh tế khá giả của Thái Lan. Một nghiên cứu của ILO cho thấy rằng lao động nhập cư đóng góp một cách tích cực đến năng suất của Thái Lan.
Thái Lan đã đến lúc phải thay đổi hoạch định chính sách, thoát khỏi cách tiếp cận được thúc đẩy bởi an ninh. Các nhà hoạch định chính sách có thể bắt đầu bằng cách xem xét lại Điều 15 của Pháp lệnh Hoàng gia, trong đó cho phép Bộ trưởng Nội vụ hạn chế nơi cư ngụ của những người nhập cư ở những khu vực cụ thể.
Các chính sách của Thái Lan - cho dù đó là chương trình đăng ký, biên bản thỏa thuận ghi nhớ hay xác minh quốc tịch - cũng cần phải được đơn giản hóa, đỡ gây tốn kém và dễ tiếp cận cho người lao động nhập cư. Nếu không, các chính sách của Thái Lan sẽ tiếp tục đẩy người lao động nhập cư vào tình trạng di cư bất thường và khiến họ dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
Nói một cách đơn giản, chính sách của Thái Lan nên là “công nhân nhập cư thân thiện”. Trong thời gian ân hạn 180 ngày, các nhà hoạch định chính sách cần phải tham khảo ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, đồng thời vận động tuyên truyền về các chính sách mới cho cả nhà tuyển dụng lẫn lao động nhập cư. Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự thất bại một lần nữa trong chính sách lao động nhập cư của Thái Lan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục