Kinh phí phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris có được bảo hiểm chi trả?

07:58' - 18/04/2019
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Paris, do nhà nước Pháp tự bảo hiểm cho các cơ sở tôn giáo thuộc quyền sở hữu nên sẽ chịu trách nhiệm cung cấp ngân sách phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.
Khói bốc lên ngùn ngụt từ hiện trường vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, ngày 15/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Giải thích về điều này, phóng viên TTXVN dẫn tuyên bố của Liên đoàn Bảo hiểm Pháp cho biết bản thân nhà nước là "công ty bảo hiểm” đối với các cơ sở tôn giáo thuộc quyền sở hữu. Nhà thờ Đức Bà Paris, cũng như 82 thánh đường khác được xây dựng trước năm 1905, đều là tài sản của Nhà nước. Do đó, nhà nước sẽ phải lo kinh phí tái thiết và phục dựng Nhà thờ sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng đêm 15/4.

Tất nhiên, do Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy trong quá trình đang tu sửa, nên tùy theo kết quả điều tra cuối cùng sẽ quyết định các công ty bảo hiểm có phải chịu một phần kinh phí phục dựng hay không. Theo công tố viên Rémy Heitz , có 5 nhà thầu liên quan đến dự án cải tạo đang diễn ra. Nếu nhà thầu nào bị quy trách nhiệm về vụ cháy thì công ty bảo hiểm của nhà thầu đó sẽ phải trả tiền bồi thường.

Theo ước tính của một số công ty bảo hiểm, chi phí phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris có thể lên tới hơn 1 tỷ euro. Tuy nhiên, hiện Quỹ hỗ trợ phục dựng Nhà thờ cũng đã quyên góp được gần đủ số tiền này nhờ các tấm lòng hảo tâm, trong đó có các tỷ phú Bernard Arnault (Béc-na A-nu), Francois-Henri Pinault (Phrăng-xoa Ăng-ri Pi-nô), hãng mỹ phẩm L’Oreal và tập đoàn năng lượng Total.

Hệ thống tự bảo hiểm được áp dụng từ cuối thế kỷ 19 nhằm bảo vệ các di sản nhà nước. Trong đó quy định Nhà nước không mua bảo hiểm hỏa hoạn cho các tài sản công và sẽ tự chịu trách nhiệm về hậu quả.

Sau này, mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng cách thức này không phù hợp do số tiền Nhà nước phải bỏ ra tự bảo hiểm không tương xứng với số tiền bồi thường mà nhà nước có thể nhận được nếu mua bảo hiểm của tư nhân nhưng về cơ bản quy định vẫn được giữ nguyên, trừ một số công trình lớn được mua bảo hiểm một phần như tháp Eiffel (bảo hiểm vài trăm triệu euro), hay tòa Thượng viện (bảo hiểm vài chục triệu euro).

Trở lại với thảm kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester khẳng định nhà nước sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe  cũng đã công bố kế hoạch hành động của chính phủ, trong đó có cuộc thi mẫu thiết kế dành cho các kiến trúc sư tài ba trên thế giới. Dự kiến, quá trình phục dựng có thể kéo dài nhiều năm./.

Xem thêm:

>>Tìm thấy tượng gà trống bằng đồng trên tháp Mũi Tên của Nhà thờ Đức Bà

>>Đã quyên góp được gần 1 tỷ USD phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục